ĐBSCL: Nhiều nơi sạt lở ngày càng nghiêm trọng

Tình trạng sạt lở trong mùa mưa lũ vùng đầu nguồn ĐBSCL diễn ra ngày càng phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân.

Tại Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 26 vụ sạt lở tại các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Châu Thành và TP Cao Lãnh với diện tích 26.106m² (nặng nề nhất là từ đầu mùa lũ đến nay), thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng, nhiều nhất là trên địa bàn xã Long Thuận (huyện Hồng Ngự) có 7 vụ sạt lở. Thống kê của ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp cho thấy có gần 2.000 hộ dân đang sống trong vùng sạt lở nguy hiểm chưa được di dời đến nơi an toàn. Các địa phương đang gặp khó khăn vì không còn quỹ đất, thiếu kinh phí trong khi các hộ dân này thuộc diện mới phát sinh nên không còn suất bố trí vào các cụm tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2… Trong khi đó, tỉnh An Giang đang có hàng chục điểm sạt lở nguy hiểm.

Sạt lở ở TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Ngày 10-9 vừa qua, xảy ra vụ sạt lở lớn nuốt 250m² đất ven sông Hậu (đoạn qua ấp Mỹ Khánh 2, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên) và nhấn chìm 17 bè cá của người dân. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang, có khoảng 150 điểm sạt lở lớn, trong đó có gần 40 điểm sạt lở nặng và nguy hiểm, với tổng chiều dài hơn 2.600m tại các địa phương trong tỉnh cần được xử lý để giảm thiểu tối đa thiệt hại tài sản, hoa màu và đảm bảo tính mạng người dân khi nước lũ từ thượng nguồn đang đổ về…

Nguồn SGGP