ĐBSCL nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư
Điểm số năng lực cạnh tranh tích cực nhưng chưa khắc phục được hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng cao nên các địa phương ĐBSCL chưa phát huy hết tiềm năng kinh tế và thu hút đầu tư
Muốn kêu gọi nhà đầu tư, đặc biệt là những doanh nghiệp (DN) lớn có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thì ĐBSCL phải có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu những đơn vị này. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khuyến cáo như vậy tại hội thảo “Phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 vùng ĐBSCL” do VCCI Chi nhánh Cần Thơ tổ chức ngày 4-5.
Nhiều cái nhất
Phân tích các chỉ số PCI năm 2017, ông Đậu Anh Tuấn cho biết chỉ số này của khu vực ĐBSCL đang tăng mạnh, tạo nên thương hiệu cho vùng và khẳng định vùng kinh tế năng động. Trong năm 2017, ĐBSCL dẫn đầu cả nước về một số chỉ số đánh giá: là nơi thành lập DN dễ dàng nhất nước (8,20/10 điểm) nhưng thời gian làm thủ tục đăng ký/thay đổi đăng ký DN ngắn nhất, cải cách hành chính tốt nhất (7,46 điểm). ĐBSCL cũng là nơi có chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cao nhất và ít xảy ra nhũng nhiễu trong thanh kiểm tra, DN ít chịu gánh nặng chung chi. Bên cạnh đó, các địa phương ĐBSCL còn đứng đầu các chỉ số: nơi DN có nhiều thuận lợi trong tiếp cận đất đai và sử dụng đất ổn định (6,74 điểm), có môi trường hoạt động an toàn về pháp lý cao nhất (6,29 điểm), các DN được hoạt động trong môi trường kinh doanh bình đẳng nhất (5,73 điểm).
Nhiều năm nay, ĐBSCL đã xây dựng hình ảnh chính quyền thân thiện. UBND các tỉnh rất năng động và sáng tạo trong giải quyết các vấn đề mới phát sinh. Mô hình “Cà phê doanh nhân” tại Đồng Tháp; hay tiếp xúc với DN vào sáng thứ hai hằng tuần của lãnh đạo tỉnh, sở, ngành ở TP Cần Thơ là những điển hình. Bà Phạm Thị Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, cho biết “Cà phê doanh nhân” không chỉ giải quyết vướng mắc kịp thời cho DN mà còn là nơi hình thành ý tưởng cho DN hợp tác với nhau. Qua những buổi cà phê cùng doanh nhân, lãnh đạo tỉnh trực tiếp trao đổi, hiểu được những khó khăn của DN, từ đó xây dựng chính sách phù hợp.
Đào tạo lao động và tay nghề trong vùng có thay đổi nhưng còn rất chậm. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại một công ty may ở tỉnh Long An Ảnh: NGỌC TRINH
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá những mô hình mà các địa phương ĐBSCL đang làm thể hiện sự tương tác giữa chính quyền và DN. Không chỉ DN hưởng lợi khi được tháo gỡ vướng mắc mà lãnh đạo tỉnh cũng học hỏi từ doanh nhân về vấn đề phát triển kinh tế địa phương.
Khắc phục hạn chế về nhân lực
Tuy dẫn đầu nhiều chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh song ĐBSCL còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Theo ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ, điểm số tiếp cận đất đai của vùng đang trên đà giảm sâu so với cả nước trong so sánh 5 năm. DN đang phải mất nhiều thời gian hơn so với trung bình cả nước để tìm hiểu quy định pháp luật. Qua 5 năm, chỉ số về lực lượng lao động được đào tạo chưa thay đổi, cơ sở đào tạo lao động và tay nghề có thay đổi nhưng còn rất chậm… “Hầu hết các địa phương ĐBSCL có điểm số PCI tích cực đều có số lượng DN mới thành lập tăng nhanh hoặc vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài cao. Tuy nhiên, vấn đề thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao như quản lý, giám sát, giám đốc điều hành… vẫn đang là hạn chế lớn của cả vùng. Muốn thu hút nhiều nhà đầu tư lớn thì cần phải đầu tư phát triển nguồn nhân lực này” – ông Đậu Anh Tuấn đề nghị.
Một hạn chế khác được lãnh đạo một số địa phương phản ảnh là tình trạng “trên nóng dưới lạnh”: lãnh đạo tỉnh giải quyết nhanh gọn nhưng cấp sở – ngành, quận – huyện chưa sốt sắng. Để giải quyết tình trạng này, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị các tỉnh, thành xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, huyện (DCI) để DN và người dân chấm điểm. “Năm 2017, Quảng Ninh vươn lên dẫn đầu chỉ số PCI một cách ngoạn mục. Một trong những nguyên nhân làm nên thành công này là do tỉnh đã xây dựng bộ chỉ số DCI nên tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các cấp chính quyền; từ đó cải thiện môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh của tỉnh. Quan trọng hơn, sự thay đổi này tạo tiền đề cho Quảng Ninh thu hút vốn đầu tư, nhất là nguồn vốn FDI.
DN bị mất cắp nhiều
Ông Nguyễn Phương Lam cho biết từ năm 2017, chỉ số an ninh trật tự được đưa vào bảng đánh giá về PCI. Kết quả cho thấy trong top 10-15 tỉnh có DN bị mất cắp nhiều nhất, ĐBSCL chiếm đến 7-8 tỉnh. Chỉ số các tỉnh có DN thiệt hại số tiền nhiều nhất cũng có mặt ĐBSCL. “Đây là vấn đề thách thức của vùng. Tình trạng này diễn ra ngoài khu công nghiệp và các tuyến quận, huyện” – ông Lam nói.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.