Để cây xanh trở thành biểu tượng của đô thị Mỹ Tho 333 năm.
Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật tỉnh vừa phối hợp với Hội Sinh vật cảnh tỉnh tổ chức hội thảo “Cây xanh với kiến trúc, văn hóa và môi trường đô thị”.
Hội thảo đã tập trung “mổ xẻ” những bất cập trong quy hoạch và trồng cây xanh; đồng thời đưa ra các giải pháp trong công tác quy hoạch, trồng cây xanh để TP. Mỹ Tho thật sự xanh, sạch, đẹp, góp phần tạo nên không gian văn hóa, phản ánh trình độ văn minh của đô thị.
Cây bàng không phù hợp trồng trên vỉa hè. |
Trồng rồi… đốn
Cây xanh đường phố, thảm cỏ, hoa, kiểng trong công viên là một yêu cầu không thể thiếu đối với người dân. TP. Mỹ Tho hiện có 65 tuyến đường nội thành, 23 tuyến đường ngoại thành, trong đó có 59 tuyến đường được trồng cây xanh và 11 công viên, khu di tích lịch sử. Trong những năm qua, Mỹ Tho thực hiện quy hoạch chung xây dựng thành phố, hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại II. Tuy nhiên, vấn đề cây xanh đường phố và công viên chưa đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, hiện nay chỉ có 8.483 cây loại I, 1.330 cây loại II, bao gồm: 2.996 cây dầu, 973 cây xà cừ, 203 cây phượng vĩ, 1.135 cây viết, 101 cây trâm anh, 548 cây bàng, 92 cây chuông vàng, 29 cây hoa sữa, 963 cây bằng lăng, 487 cây sao, 284 cây me chua, 5 cây lim… Cây cảnh, cây có hoa trong công viên cũng còn rất khiêm tốn, cụ thể chỉ có 1.686 cây cảnh, cây có hoa, 1.365 cây tạo hình.
Trước thực trạng trên, bà Hồ Ánh Tuyết, cán bộ Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật tỉnh bức xúc: Việc trồng cây xanh từ trước đến nay chỉ thực hiện theo kế hoạch, loại cây trồng không thuần chủng cho từng tuyến đường. Ngoài ra, còn nhiều tuyến đường trong nội thành TP. Mỹ Tho, vỉa hè chỉ trồng cây theo hiện trạng, chưa đúng quy hoạch. Số cây trồng hiện có như bàng, xà cừ, phượng là cây thuộc chủng loại cây rễ bàng, nên rễ cây nhô lên khỏi mặt đất làm hư hỏng vỉa hè. Còn cây viết là loại cây cùng họ với cây sa pô chê, cây tự tạo tán rất đẹp, nhưng tuổi thọ chỉ từ 5 đến 7 năm. Trong khi đó, cây gừa khi phát triển tán rất nặng, dễ ngã đổ; rễ từ trên thân cây rất rậm rạp. Vì vậy, cây gừa không phù hợp trồng trên đường phố, chỉ phù hợp trồng trong công viên nếu được sửa tàng, tạo dáng.
Bà Nguyễn Thị Nghiệm, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) đưa ra một bất cập khác: Từ trước đến nay việc quy hoạch trồng cây, đốn cây xanh trong đô thị, ngành TN-MT không hề được biết. Việc trồng cây ở đâu, trồng cây gì, ai trồng, ai chăm sóc còn nhiều bất cập, lãnh đạo chỉ đạo trồng cây gì thì trồng cây đó.
Ông Nguyễn Kha, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh bức xúc: Đường Hùng Vương đã xây dựng hoàn thành rất lâu, nhưng chưa thấy trồng cây mới trên vỉa hè. Đề nghị quy hoạch trồng cây lại trên vỉa hè đường Hùng Vương, vì con đường này được đầu tư xây dựng thông thoáng nhưng cây xanh thì rất lộn xộn, không phù hợp. Còn cây xanh trong công viên thì mé trụi, chỉ còn cái chóp dù trên ngọn.
Cây xanh là một phần của cơ thể thành phố, góp phần tạo nên diện mạo, chiều sâu văn hóa của đô thị. Chẳng hạn như nhắc đến Hải Phòng là người ta liên tưởng ngay đến “thành phố hoa phượng đỏ”, TP. Trà Vinh với những hàng cổ thụ cao vút, hay TP. Mỹ Tho xưa với những hàng me rũ bóng… Đô thị có cây xanh phù hợp sẽ làm tôn vinh thêm kiến trúc, cảnh quan, phản ánh trình độ văn minh của đô thị.
Ông Trần Hoàng Diệu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học – Hỹ thuật tâm tư: Một số thành phố ngoài tỉnh khi mở rộng đường thì bằng mọi cách bảo vệ cây xanh; một số nơi còn tính tới việc làm lý lịch, đánh số thứ tự cho cây cổ thụ.
Ông Huỳnh Văn Hoa bức xúc: Cây xanh đô thị còn là chứng nhân thuyết phục nhất cho bề dày lịch sử văn hóa. TP. Mỹ Tho có bề dày lịch sử 333 năm, thế nhưng cả thành phố hiếm có cây cổ thụ nào. Bởi vì cây cổ thụ bị đốn hạ để mở, sửa đường. Bên cạnh đó, cây trồng một thời gian thì mở rộng đường, lại đốn cây, rồi trồng lại. Cứ như thế thì biết khi nào thành phố mới có cây cổ thụ?
Ông Huỳnh Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chua xót: Cây trồng xong vài năm lại đốn bỏ, rồi trồng lại mới, vừa gây lãng phí, vừa tạo nên những đô thị “không bản sắc”. Nếu chúng ta không kịp thời khắc phục, sẽ có lỗi với các thế hệ mai sau.
Cần có nhiều giải pháp đồng bộ
Trước những bất cập trên, ông Trương Thành Tấn nêu giải pháp: Trồng cây xanh đường phố nên quy hoạch loại cây lâu năm như sao, dầu, xà cừ, me… Trên mỗi con đường cần trồng một loại cây riêng, ví dụ đường này trồng cây sao thì đường khác trồng cây me… Trồng cây xanh đô thị thì cần thiết, nhưng chăm sóc, bảo vệ cây xanh càng cần thiết hơn. Vì vậy cần phải phát động, tuyên truyền để người dân thành phố nhận thức tầm quan trọng của cây xanh để cùng Nhà nước chăm sóc, bảo vệ cây.
Đại diện Công ty TNHH Một thành viên Công trình đô thị Mỹ Tho Phạm Công Khanh đề xuất: Chính quyền các cấp cần có biện pháp chế tài mạnh để xử lý người vi phạm xâm hại đến cây xanh, hoa, kiểng. Ngành Điện lực tỉnh và TP. Mỹ Tho nên kết hợp với Công ty cắt tán cây xanh trên đường phố nhằm bảo vệ lưới điện và tạo cảnh quan đô thị ngày càng đẹp hơn.
Về thực trạng cây xanh trên các tuyến đường ở TP. Mỹ Tho chưa đồng bộ, bà Hồ Ánh Tuyết đề nghị: Thành phố cần quy hoạch thay thế cây xanh hiện có trên các tuyến đường và công viên trong nội thành, định hướng trồng cây cho các tuyến đường ngoại thành khi được đầu tư nâng cấp. Cụ thể, thay thế dần các loại cây không phù hợp như bàng, viết, phượng vĩ, gừa bằng các loại cây cổ thụ như dầu, sao, nhạc ngựa, lim; cây tán thấp như trâm anh, chuông vàng, móng bò, me chua, bằng lăng. Đồng thời, phải đảm bảo cây trồng có đường kính gốc tối thiểu từ 10 đến 15 cm, chiều cao lớn hơn hoặc bằng 3,5 m và trồng đúng quy trình kỹ thuật. Cây trồng phải được chăm sóc, kiểm tra định kỳ và xác định tình trạng phát triển để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Cần phải bảo tồn những cây to trên các tuyến đường Ấp Bắc, Hùng Vương, Nguyễn Trãi, Rạch Gầm và trong các công viên. Đối với các tuyến đường trung tâm, đường xuyên tâm vào thành phố không đủ điều kiện trồng cây xanh, cần bố trí trồng cây dây leo có hoa trên giàn bê tông như bông giấy, quỳnh anh, dạ lý hương…
Về vấn đề quản lý cây xanh đô thị, ông Huỳnh Văn Hiệp đề xuất: Cần tăng cường công tác quản lý cây xanh đô thị trên các mặt: trồng, duy trì và bảo vệ cây xanh. Việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh công cộng cần phải quy định cụ thể về việc cấp phép và thẩm quyền cấp phép. Cần phân công rõ chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước mà trong đó chính quyền đô thị các cấp có trách nhiệm và vai trò quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển công viên, cây xanh đô thị trên địa bàn theo phân cấp của UBND tỉnh.
Cây xanh đô thị không chỉ có giá trị kinh tế, môi trường, sức khỏe mà còn góp phần tạo nên không gian văn hóa, chứng nhân thuyết phục nhất cho bề dày lịch sử văn hóa, phản ánh trình độ văn minh của một đô thị. Cây xanh còn trở thành biểu tượng của đô thị để khách phương xa đến tham quan sẽ còn lưu mãi những ký ức không phai. Chính vì vậy, việc quy hoạch và trồng cây xanh ở TP. Mỹ Tho là việc cấp bách, cần làm ngay.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.