Đề nghị công nhận Chầu văn là Di sản nhân loại
Các cơ quan chức năng đang lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Chầu văn là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Chầu văn là những giai điệu phục vụ tín ngưỡng của người Việt. |
Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định cho biết, Bộ VHTTDL đồng ý để tỉnh Nam Định làm đại diện cho các địa phương có nghi lễ Chầu văn xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trước đó, Bộ VHTTDL đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Nam Định phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai các thủ tục cần thiết để xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo ông Nguyễn Văn Thư, tỉnh Nam Định hiện có Lễ hội Phủ Dầy và nghi lễ Chầu văn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là cơ sở để Nam Định được Bộ VHTTDL giao làm đại diện cho các địa phương lập hồ sơ “Nghi lễ Chầu văn của người Việt”.
Hát Chầu văn, còn gọi là hát văn hay hát bóng, là những giai điệu phục vụ tín ngưỡng của người Việt. Nghi lễ Chầu văn ra đời gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Trần Hưng Đạo) – một tín ngưỡng dân gian của Việt Nam. Chầu văn được sử dụng trong các buổi “lên đồng” hầu Thánh.
Lời văn trong Chầu văn được phổ từ thơ ca dân gian, đôi khi vay mượn cả trong các tác phẩm văn thơ bác học và thường là thể lục bát, lục bát biến thể, thất ngôn, bốn chữ. Nghi lễ Chầu văn là tổng hòa của các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, kết hợp nhuần nhuyễn trên một sân khấu “cộng đồng”. Ở loại hình này, người ta còn thấy được sự tương tác rất lớn giữa khán giả và diễn viên.
Hát văn có xuất xứ ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Các trung tâm của hát văn là Nam Định và một số vùng quanh Hà Nội. Thời kỳ thịnh vượng nhất của hát văn là cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20.
Nguồn Chính phủ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.