Đề nghị Quốc hội giám sát ODA

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, về nợ công, cần hết sức cẩn trọng khi vay vốn thực hiện các dự án ODA, bởi đây chính là nguyên nhân gia tăng gánh nặng nợ công. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị Quốc hội phải giám sát ODA (Official Development Assistance, một hình thức đầu tư nước ngoài).

Ngày 30/10, Quốc hội đã thảo luận về tình hình KT-XH năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Liên quan tới việc quản lý, sử dụng vốn ODA, một số đại biểu đã đưa ra nhiều đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho biết, về nợ công, cần hết sức cẩn trọng khi vay vốn thực hiện các dự án ODA, bởi đây chính là nguyên nhân gia tăng gánh nặng nợ công.

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên đề nghị, Chính phủ phải quán triệt nguyên tắc không vay ODA cho chi thường xuyên, các dự án ODA vay phải có ý kiến của các cơ quan Quốc hội trước khi tiến hành.

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nêu: Trong nhiều năm qua, nguồn vốn ODA đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Tuy nhiên, cũng từ nguồn này, đã có nhiều tiêu cực, thất thoát xảy ra, điển hình như vụ PMU 18, Huỳnh Văn Sỹ…

Đáng lưu ý, mặc dù trong nước cũng có thanh tra, kiểm tra nhưng những vụ việc lớn lại được phát hiện chủ yếu do phía nước ngoài.

Xu hướng thích dùng ODA gắn với lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ… cũng đã khiến các công trình dùng vốn ODA xuất hiện rất nhiều nhưng nhiều công trình không hiệu quả.

 

 Ảnh minh họa

 Đại biểu Lê Thị Nga

 

Đại biểu Lê Thị Nga cho biết, vốn ODA bộc lộ 2 điểm yếu cơ bản, đó là : Quốc hội chịu trách nhiệm cao nhất về nợ công, và người dân đóng thuế và là người trả nợ cuối cùng thì lại gần như đứng ngoài sử dụng vốn ODA.

Đại biểu Nga đề nghị, Quốc hội cần ban hành luật quản lý sử dụng vốn ODA. Bên cạnh đó, đại biểu Nga cho rằng, trách nhiệm của Quốc hội về giám sát ODA là rất quan trọng.

“Tôi đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát ODA, phân tích mặt lợi, bất lợi của việc sử dụng nguồn vốn này, tiến tới giảm dần và ngừng sử dụng ODA. Bất cứ quốc gia nào sử dụng lâu dài nguồn vốn ODA đều là bất lợi, có ý thức tốt nghiệp ODA thì mới nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng nó”, đại biểu Nga nói.

Đồng thời, Quốc hội cần hoàn thiện hành lang pháp lý về ODA, quy định chặt chẽ tiêu chí chấp nhận vốn ODA, quy định trách nhiệm của Quốc hội, quyền của người dân, các cơ quan báo chí, tổ chức xã hội… trong giám sát vốn ODA; sử dụng vốn ODA có chọn lựa, hạn chế, hướng tới khu vực tư nhân, không vay để theo đuổi những siêu dự án.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, ngày 20/10/2014:

Thu ngân sách nhà nước 9 tháng 2014 tăng 17,2% so với cùng kỳ. Ước thu cả năm vượt 10,6% dự toán. Bảo đảm chi theo kế hoạch và nhu cầu cấp bách phát sinh. Bội chi ngân sách 5,3% GDP. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép tại Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội (Dư nợ công cuối năm 2013 bằng 54,2%; dư nợ chính phủ bằng 42,3%; dư nợ nước ngoài của quốc gia bằng 37,3% GDP. Dự kiến đến hết năm 2014, dư nợ công bằng 60,3%; dư nợ chính phủ 46,9%; dư nợ nước ngoài của quốc gia 39,9% GDP.).

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng 2014 tăng 10,3% so với cùng kỳ, ước cả năm bằng khoảng 30,1% GDP. Vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng 12,8%, ước cả năm tăng 5,45%. Vốn FDI thực hiện đạt 8,9 tỷ, tăng 3,2%, ước cả năm đạt 12,5 tỷ USD, tăng 8,7%. Vốn ODA giải ngân đạt 4,1 tỷ, tăng 10%, ước cả năm đạt 5,5 tỷ USD, tăng 7,1%. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ ước cả năm tăng khoảng 18,3% (Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng qua các quý; trong đó quý I/2014 tăng 7,2%; quý II tăng 9,3%; quý III tăng 13,4%; tính chung 9 tháng 2014 tăng 10,3%).

* Mục tiêu về kinh tế trong năm 2015:

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 5%; Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP 5%; Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP.

Nguồn Vnmedia