Để người dân không còn nỗi ám ảnh bom mìn

      Có thể khẳng định rằng, hai tàn dư nặng nề nhất của chiến tranh, đó là chất độc da cam và bom mìn. Bom mìn và các vật liệu chưa nổ là vấn đề phát triển và là vấn đề nhân đạo. Những người sống ở vùng ô nhiễm không thể canh tác và tiến hành các hoạt động khác vì sợ bị thương vong do mìn và các vật liệu chưa nổ. Điều này đã hạn chế tới các nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Các vùng đất bị ô nhiễm bom mìn cần phải được làm sạch và cộng đồng địa phương cần phải được đảm bảo một cuộc sống an toàn, bình yên và bền vững.

Ngày 8/12/2005, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã công bố chọn ngày 4/4 hàng năm là Ngày quốc tế Nâng cao nhận thức phòng tránh bom mìn và Hỗ trợ tháo gỡ bom mìn.

Ngày quốc tế Nâng cao nhận thức phòng tránh bom mìn và Hỗ trợ tháo gỡ bom mìn là dịp thu hút sự chú ý của toàn thể cộng đồng về nhu cầu cần hỗ trợ cho các nạn nhân bom mìn và các vật nổ còn lại sau chiến tranh. Các chính phủ thành viên, các tổ chức dân sự thuộc Liên hợp quốc đều phải được huy động để tạo ra những khuôn khổ pháp lý, xã hội và kinh tế giúp các nạn nhân bom mìn được hưởng quyền của họ và giữ vai trò sản xuất trong xã hội. Các chính phủ thành viên cũng được khuyến khích phê chuẩn mọi công cụ có liên quan tới việc giải trừ quân bị, đảm bảo quyền con người và những quyền có liên quan tới bom mìn, vật nổ còn lại của chiến tranh và những người còn sống sót sau khi chịu sự tàn phá của bom mìn.

Mỗi năm, trên toàn thế giới có khoảng 15.000 người bị thương vong do bom mìn và vật nổ chiến tranh gây ra.

Phòng tránh bom mìn là một loạt các hoạt động như: Rà phá bom mìn - vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, đánh dấu, khoanh vùng, rào chắn những khu vực nguy hiểm. Ngoài ra, hoạt động phòng chống bom mìn còn bao gồm các hoạt động: Trợ giúp nạn nhân, hướng dẫn người dân cách thức bảo đảm an toàn trong môi trường có bom mìn, vận động sự tham gia rộng rãi vào các công ước, hiệp ước quốc tế về nạn nhân bom mìn, về xử lý bom mìn, vật nổ còn lại sau chiến tranh.

Trong tuyên bố phát đi nhân Ngày quốc tế Nâng cao nhận thức phòng tránh bom mìn và Hỗ trợ tháo gỡ bom mìn năm nay (4/4/2012), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nêu rõ: “Nhân Ngày quốc tế này, tôi kêu gọi tất cả các chính phủ cùng ủng hộ và sử dụng các công cụ quan trọng và tăng cường hỗ trợ nâng cao nhận thức về vấn đề bom, mìn cũng như về việc tháo gỡ bom mìn. Hãy hành động để cùng nhau tháo gỡ bom mìn và sống trong một thế giới bền vững và an toàn”.

Cũng nhân ngày này, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) một lần nữa lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng tăng cường hành động nhằm chấm dứt những đau khổ do các vũ khí này gây ra khi chúng vốn đã tàn phá cuộc sống và cướp đi sinh mạng của rất nhiều người sau khi chấm dứt các cuộc xung đột.

Tổng Giám đốc ICRC Yves Daccord tuyên bố nêu rõ: “Cộng đồng quốc tế phải tiếp tục ngăn chặn các loại bom mìn, vũ khí đạn dược và các vật nổ còn tồn lại sau chiến tranh để chúng không còn có thể giết chết hay làm bị thương người dân … Cần phải tăng cường nỗ lực để dẹp bỏ bom mìn, vũ khí và các loại vật nổ khác. Chúng ta cũng phải ngăn chặn việc sử dụng mìn sát thương và vũ khí đạn dược khác”.

Tổng Giám đốc ICRC cũng tuyên bố nêu rõ, bom mìn và các loại vật nổ khác không chỉ là di chứng của những cuộc chiến trong quá khứ mà còn là một mối đe dọa từ các cuộc xung đột xảy ra gần đây. Ví dụ tại Libya, bom mìn, vũ khí đạn dược, vật nổ còn lại khác của chiến tranh đã cản trở người dân quay trở lại sinh sống tại những ngôi nhà của họ và làm chậm lại quá trình tái thiết đất nước này. Các cuộc chiến có thể kéo dài trong vòng một năm nhưng việc khắc phục hậu quả của nó sẽ còn rất lâu dài.

Tuy vậy, những hệ quả khủng khiếp do bom mìn và những vật liệu chưa nổ khác gây ra có thể được giảm đáng kể nếu tất cả các quốc gia đều tuân thủ và thực hiện đầy đủ các điều ước quốc tế điều chỉnh việc sử dụng bom mìn và các vật liệu chưa nổ. Những công cụ này là một phần quan trọng của Luật Nhân đạo quốc tế, bao gồm: Công ước cấm mìn sát thương (Công ước Ottawa), Công ước về vũ khí thông thường và Công ước về bom đạn chùm.

 

Hiện Việt Nam còn khoảng 800.000 tấn bom mìn sót lại sau chiến tranh
 (Ảnh:
qdnd.vn)

Những “kẻ hủy diệt” còn sót lại trên lãnh thổ Việt Nam

Trong suốt gần một thế kỷ vừa qua, trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, nên hầu hết các tỉnh, thành của Việt Nam đều đã và đang phải gánh chịu những hệ quả của bom mìn và vật nổ. Chỉ tính riêng quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 15 triệu tấn bom đạn trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Kết quả của bản báo cáo “Khảo sát Kỹ thuật và đánh giá tác động của bom mìn vật nổ ở Việt Nam, Giai đoạn 1” do Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (thuộc Bộ Tư lệnh Công binh) BOMICEN và Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF) thực hiện với sự tài trợ của Văn phòng Tháo gỡ và Hủy bỏ vũ khí Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho thấy, trong số hơn 15 triệu tấn bom mìn quân đội Mỹ đã sử dụng tại Việt Nam, có đến 5 – 10% không phát nổ.

Như vậy, số lượng bom mìn, đạn dược mà Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam nhiều gấp khoảng 4 lần so với Chiến tranh Thế giới lần thứ II và gấp 12 lần so với chiến tranh Triều Tiên, bình quân 46 tấn/km2, tương đương 280 kg/người.

Theo ước tính sơ bộ của Trung tâm Công nghệ xử lý Bom mìn – Bộ Tư lệnh Công binh, diện tích hiện còn bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 6,6 triệu ha, chiếm 20% tổng diện tích cả nước.

Tổng số các loại đất canh tác hiện còn bị bỏ hoang do còn nhiều bom mìn, vật nổ chưa nổ khoảng 435.900ha, chiếm 7% tổng diện tích đất đai còn sót bom mìn, vật nổ chưa nổ.

Hiện tại, số lượng bom mìn còn sót lại sau chiến tranh Việt Nam còn khoảng 800.000 tấn (bao gồm cả bom, mìn, tên lửa, đầu đạn pháo, cối và vật nổ khác… nằm ở các độ sâu khác nhau). Và hậu quả là từ sau năm 1975, cả nước đã có 42.135 người tử vong và 62.163 người khác bị thương tật do bom mìn – vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Trung bình mỗi năm, bom mìn sót lại sau chiến tranh cướp đi tính mạng của 1.535 người và 2.272 người khác phải mang thương tật suốt đời.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại mới chỉ “làm sạch” được khoảng 3,28% diện tích đất đai bị “ô nhiễm” bom mìn trên toàn quốc. Để đảm bảo một cuộc sống bền vững và an toàn cho người dân không còn phải gánh chịu các hệ quả của bom mìn và vật nổ chiến tranh hiện vẫn còn rất gian nan. Tính đến nay, mới chỉ có khoảng 20% lượng bom, mìn đã được rà phá. Mỗi năm, có khoảng 20.000 ha đất được rà phá chủ yếu bằng ngân sách Nhà nước. Với tốc độ rà phá hiện nay, khoảng 300 năm nữa, Việt Nam mới loại bỏ được hết các loại bom, mìn chưa nổ.

Những nỗ lực của Việt Nam nhằm hạn chế và xóa bỏ tàn dư chiến tranh

Ngày 4/5/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 96/2006/QĐ-TTg “Về việc quản lý và thực hiện công tác rà phá bom, mìn, vật nổ”, trong đó, quy định Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ: Tổ chức thực hiện rà phá bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc theo yêu cầu của Thủ tướng và quy định của Chính phủ đối với các dự án đầu tư và xây dựng cơ bản trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành và các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế tiếp nhận và tổ chức thực hiện các dự án do các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ về vấn đề khắc phục hậu quả bom, mìn, vật nổ do chiến tranh để lại.

Từ năm 2000 đến nay, Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, trực thuộc Bộ Tư lệnh Công binh đã xử lý an toàn hàng nghìn tấn bom đạn dò tìm được, trong đó hầu hết là các loại rất nguy hiểm. Năm 2004, giải phóng được 247ha, thu gom, phá huỷ hàng nghìn vật nổ khác nhau mà tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Trung.

Từ yêu cầu cấp thiết của thực tế, ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025, nhằm huy động nguồn lực trong nước và quốc tế giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội.

Theo kế hoạch, chương trình hành động sẽ được chia thành 6 dự án cụ thể, phân chia cho các bộ, ngành liên quan cùng thực hiện. Trong đó, Dự án hỗ trợ nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2012-2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặc biệt được quan tâm với tổng kinh phí dự trù lên đến 1028 tỷ đồng.

Ngày 22/12/2010, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký các quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về “Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” (gọi tắt là Ban chỉ đạo 504). Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo và 02 Phó trưởng Ban là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

 

Để làm sạch những vùng đất chết đòi hỏi những nỗ lực không nhỏ
của các chiến sĩ bộ đội Công binh (Ảnh:
qdnd.vn)

Mới đây, ngày 2-4, tại buổi giao lưu được tổ chức nhân Ngày thế giới phòng chống bom mìn năm nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã phát động phong trào “Chung tay góp sức khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh giai đoạn 2012 - 2015”. Phó Thủ tướng cho biết, để làm sạch hết bom, mìn sau chiến tranh, Việt Nam cần kinh phí trên 10 tỷ USD với thời gian kéo dài hơn 100 năm, chưa kể hàng tỷ USD cần thiết cho việc tái định cư bảo đảm an sinh xã hội cho vùng ô nhiễm bom, mìn.

Theo Phó Thủ tướng, cùng với việc huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước, Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ quý báu, chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế, giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh. Thông qua Chương trình này, Việt Nam mong muốn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trong nước, quốc tế để tạo sự ủng hộ, đóng góp vào việc khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh ở Việt Nam; tăng cường hợp tác song phương và đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ để vận động, thu hút tài trợ ODA, tài trợ không hoàn lại, tài trợ nhân đạo cho các hoạt động này.

Còn theo bà Pratibha Mehta - Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam, để tiếp tục những nỗ lực của Chính phủ trong việc rà phá bom mìn ở khu vực bị ô nhiễm cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Chính phủ, các nhà tài trợ và các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế; cần có một khuôn khổ quản trị thống nhất để hướng dẫn và điều phối các nguồn hỗ trợ và các hoạt động ở tất cả các cấp; cần thiết phải có một hệ thống thông tin, dữ liệu đầy đủ và cần tiếp tục chương trình giáo dục để giúp người dân hiểu được những rủi ro và học cách phòng tránh.

Tàn dư chiến tranh khốc liệt này sẽ chỉ có thể được giải quyết với quyết tâm cao và những nỗ lực cụ thể, hiệu quả, quyết liệt từ phía Chính phủ, các cơ quan chức năng, cùng với sự tham gia của các nhà tài trợ, các đối tác phát triển … để người dân không còn nỗi ám ảnh bom mìn./.