Để phân biệt gà loại thải nhập lậu
Tết đã cận kề, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân đang tăng lên rõ rệt. Dù mối lo về gà loại thải nhập lậu đã phần nào giảm bớt, song với lợi nhuận lên đến 300%, khó có thể khẳng định, gà lậu sẽ sạch bóng trên thị trường.
Gà nuôi lấy trứng thường có mỏ ngắn, da vùng bụng dày, sần sùi
Dù đã siết chặt từ biên giới tới các nẻo đường đi của gà lậu, nhưng lực lượng chức năng các địa phương trong đó có Hà Nội vẫn phát hiện nhiều vụ vận chuyển gà không rõ nguồn gốc. Cụ thể rạng sáng 23-12, Phòng cảnh sát môi trường – CATP Hà Nội phối hợp với CA huyện Thường Tín và Đội quản lý thị trường số 30 đã phát hiện một chiếc xe tải chở gà lậu. Qua kiểm đếm xác định, số gà trên xe tải là 3 tấn. Số hàng này không có hóa đơn, chứng từ về nguồn gốc xuất xứ. Chủ hàng được xác định là Nguyễn Văn Bình (21 tuổi ở Móng Cái, Quảng Ninh). Riêng trong ngày 15-12, lực lượng chức năng trên địa bàn TP Hà Nội đã bắt giữ 2 vụ vận chuyển gà nhập lậu gồm hơn 4,3 tấn gà thịt và 5.000 con gà giống. Bước đầu, lái xe khai chở thuê từ Bắc Giang về Hà Nội tiêu thụ.
Có thể thấy, càng gần Tết, hoạt động vậnchuyển, buôn bán gia cầm nhập lậu càng phức tạp. Trước sự vào cuộc của các Bộ, ngành và địa phương, các đối tượng buôn lậu gà đã thay đổi hình thức vận chuyển. Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, các đối tượng buôn lậu đã thay đổi hình thức vận chuyển, từ gà lông (gà sống) sang gà đã qua giết mổ. “Chúng tổ chức giết mổ ngay khu vực biên giới, sau đó đóng thùng đông lạnh vận chuyển về dưới xuôi tiêu thụ”. Bởi vậy, đối với hoạt động này, ông Đông cho rằng, không thể lơ là nhất là trong khi Tết Nguyên đán đã cận kề. Đặc biệt, lợi nhuận do buôn lậu gà loại thải mang lại rất lớn, từ 200-300% tùy từng thời điểm.
Gà loại thải đã được xác định nguy hiểm đối với người tiêu dùng, vì phần lớn là gà nuôi để lấy trứng, đã qua khai thác thời gian dài. “Để gà đẻ trứng nhiều và to, người chăn nuôi thường sử dụng các loại thuốc kháng sinh, tăng trọng trong đó có thuốc cấm để kích thích đẻ. Khi giết thịt, tồn dư kháng sinh, chất cấm vẫn còn trong gia cầm và không bị phân hủy khi nấu chín”, ông Nguyễn Đức Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết. Nguy hại ở chỗ, những tồn dư kháng sinh sẽ chuyển hóa sang cơ thể người khi sử dụng thực phẩm này.
Nhận biết qua cảm quan là chính
Thực tế, khi gà đã được giết mổ thì rất khó phân biệt. Tuy nhiên, khi còn sống, theo ôngNguyễn Đức Trọng, gà loại thải thường là giống gà nuôi đẻ trứng, là gà nuôi dài ngày, từ 1 năm đến 1,5 năm. Đặc biệt, gà nuôi đẻ lấy trứng thường là gà nuôi theo đàn, nuôi theo kiểu công nghiệp và hay cho ăn theo máng. Khi gà ở trong lồng phải vươn cổ dùng mỏ lấy thức ăn, cổ chạm vào lồng sắt nên hay bị rụng lông dưới vùng cổ. Vì thế, khi mua gà, cần kiểm tra vùng cổ của gà, nếu thấy rụng lông, có hiện tượng sần da, chai da thì không nên mua. Bên cạnh đó, gà nuôi nhốt công nghiệp nên chúng hay mổ nhau, bởi vậy, đầu gà thường trọc. Do đó, dân buôn vẫn hay gọi là gà trọc đầu.
Thêm một đặc điểm nữa, gà mái đẻ trứng nhiều, hậu môn cũng to hơn. Ở những con gà đẻ trứng bị thải loại này, phần mỏ thường bị cắt cụt để tránh hiện tượng gà mổ nhau và mổ trứng. Đặc biệt mào ngả sang bên, chân khô, mốc. Tuy nhiên, để biết gà có tồn dư kháng sinh không thì không thể phân biệt được bằng mắt thường mà bắt buộc phải lấy mẫu thịt, mẫu máu để phân tích. Nếu mua gà lông về tự giết thịt, khi giết mổ sẽ thấy trên thân có nhiều khối u xanh tím, dạ con và hậu môn to. “Cách phân biệt bằng cảm quan cũng chỉ là tương đối, vì hiện, một số thương lái buôn gà loại thải cũng tinh vi hơn. Họ thường bán cho một số trang trại và hộ nuôi nhỏ lẻ để vỗ béo lại. Sau một thời gian ngắn khi con gà đã mượt lông, to béo hơn mới xuất bán. Lúc này thì không thể phân biệt được đâu là gà loại thải và gà thường”, một cán bộ của Cục Chăn nuôi tiết lộ.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.