Đề xuất bổ sung hộ kinh doanh vào diện đóng BHXH bắt buộc
Góp ý dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc bổ sung đối tượng chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng lương vào diện tham gia BHXH bắt buộc góp phần thúc đẩy tăng diện bao phủ BHXH.
Theo Tổng Liên đoàn lao động, qua tổng kết có thể thấy quy định việc tham gia BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia bảo hiểm bắt buộc như chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động có chế độ làm việc linh hoạt.
Đại diện Tổng Liên đoàn lao động cho rằng, theo phân loại thống kê, chủ hộ kinh doanh là cá thể, thuộc khu vực phi chính thức, không làm việc theo hợp đồng lao động, không được trả lương. Thực tế, có chủ hộ thuê mướn, sử dụng lao động nhưng cũng có chủ hộ kinh doanh không sử dụng lao động. Có chủ hộ kinh doanh trong độ tuổi lao động nhưng cũng có người ngoài độ tuổi lao động.
Trước đó, trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Theo đó, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được xác định là người làm việc bằng hình thức hợp đồng từ 1 tháng trở lên, kể cả trường hợp hai bên thỏa thuận “hợp đồng” bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên; chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng lương.
Đánh giá tác động, cơ quan soạn thảo luật cho rằng, việc mở rộng đối tượng tham gia như trên sẽ giúp Nhà nước giảm áp lực trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động này khi họ đến tuổi nghỉ hưu hoặc đến tuổi hưởng trợ giúp xã hội.
Đối với quỹ BHXH, đối tượng tham gia mở rộng sẽ làm tăng nguồn thu vào quỹ, đồng thời làm tăng nguồn chi từ quỹ trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Trong trung hạn, việc gia tăng đối tượng tham gia sẽ giúp cải thiện khả năng cân đối tài chính của quỹ, trong dài hạn thì cần phải xem xét, đánh giá cụ thể hơn theo từng quỹ thành phần, đặc biệt là đối với quỹ hưu trí, tử tuất do vấn đề nợ lương hưu tiềm ẩn, số người tham gia càng nhiều, số nợ lương hưu tiềm ẩn càng lớn.
Đối với chủ hộ kinh doanh cá thể, mỗi cá nhân chủ hộ sẽ phát sinh kinh phí đóng bảo hiểm xã hội (25%, trong đó 22% vào quỹ hưu trí, tử tuất, 3% vào quỹ ốm đau, thai sản), trong khoảng từ 500.000 đồng/tháng cho đến 9.000.000 đồng/tháng (tương đương từ 6 triệu đồng/năm đến 108 triệu đồng/năm).
Mức kinh phí cụ thể phụ thuộc vào mức đóng do người tham gia là chủ hộ kinh doanh lựa chọn tham gia dựa trên khả năng đóng góp.
Tuy nhiên, bù lại người tham gia là chủ kinh doanh cá thể sẽ được bảo vệ khỏi những rủi ro, được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất, mức hưởng tương đương với mức đóng góp.
Ngoài ra, vấn đề cần được quan tâm đó là chi phí thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký tham gia và đóng BHXH. Với quy định trong dự thảo Luật BHXH, chủ hộ kinh doanh cá thể sẽ phải tự đăng ký và đóng theo từng tháng.
Do vậy, nếu không có hình thức đăng ký tham gia và phương thức thu tiền đóng phù hợp và tiện lợi thì sẽ phát sinh chi phí đánh đổi đối với mỗi cá nhân là chủ hộ kinh doanh cá thể trong việc thực hiện quy định tham gia BHXH bắt buộc theo từng tháng. Bởi vì không phải hộ kinh doanh nào cũng đủ lớn để có thể thuê hoặc có một cá nhân đảm nhiệm các công việc liên quan đến kê khai BHXH, nhân sự… sẽ phải tự thực hiện các thủ tục này./.
Nguon vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.