Đề xuất tăng ngân sách cho báo chí để đẩy mạnh truyền thông chính sách
Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước và sẽ tiếp thu kiến nghị của Bộ TT&TT về “mũ” chi ngân sách riêng cho truyền thông chính sách.
Chiều 24/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề “Nhận thức – hành động – nguồn lực”. Hội nghị nhằm thảo luận, tìm ra giải pháp khả thi để nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông chính sách thời gian tới.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ truyền thông chính sách là phần quan trọng trong hoạt động truyền thông của Đảng, Nhà nước, trong đó có truyền thông của Chính phủ, có vai trò hết sức quan trọng.
Theo người đứng đầu Chính phủ, truyền thông chính sách phải tập trung vào người dân, xây dựng chính sách phải hướng đến người dân.
NHÀ NƯỚC CẦN ĐẶT HÀNG BÁO CHÍ NHIỀU HƠN
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh báo chí là phương tiện truyền thông, còn công tác truyền thông là việc của chính quyền các cấp.
“Từ trước đến nay vẫn có sự nhầm lẫn là báo chí làm công tác truyền thông và vì thế, chính quyền các cấp không làm công việc này. Do vậy mà hay xảy ra khủng hoảng truyền thông của các cấp chính quyền. Báo chí khi làm tuyên truyền vừa thiếu thông tin, vừa thiếu cả việc đặt hàng từ chính quyền. Tức là, báo chí thiếu cả thông tin và ngân sách để làm tuyên truyền”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Nhật Bắc. |
Vấn đề đặt ra hiện nay, theo Bộ trưởng, là phần thu dịch vụ của báo chí, nhất là từ quảng cáo, ngày càng bị mất vào tay các nền tảng xuyên biên giới.
“80% quảng cáo trực tuyến đã mất vào tay các nền tảng này, báo chí chỉ còn 20%. Nếu xét toàn bộ thị trường quảng cáo trên các loại phương tiện truyền thông thì báo chí chỉ còn 40%”, ông Hùng nêu con số minh chứng nguồn thu đang bị suy giảm mạnh khiến báo chí đang khó khăn. Vì thế, ông cho rằng cần hơn nữa đặt hàng từ Nhà nước cho báo chí.
Tăng thêm cho truyền thông 0,2% ngân sách trong lúc này là cần thiết để báo chí cách mạng nâng cao năng lực cạnh tranh, cả về hạ tầng công nghệ và nhân lực.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Nhấn mạnh công tác truyền thông là một chức năng của chính quyền các cấp, Bộ trưởng TT&TT góp ý “truyền thông phải là một mục trong chi phí”. Chính quyền các cấp phải có ngân sách dành riêng cho truyền thông, cả chi thường xuyên và chi đầu tư.
“Tăng thêm cho truyền thông 0,2% ngân sách trong lúc này là cần thiết để báo chí cách mạng nâng cao năng lực cạnh tranh, cả về hạ tầng công nghệ và nhân lực”, ông Hùng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách. “Một số chủ trương chính sách đúng đắn, nếu làm truyền thông không tốt cũng khó tạo được sự đồng thuận”, Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ quán triệt phải đề cao trách nhiệm của các cấp, ngành trong công tác truyền thông chính sách, nhất là người đứng đầu. “Không nên quan niệm truyền thông chính sách là việc của các cơ quan báo chí, truyền thông”, Thủ tướng nhắc nhở.
Về bố trí kinh phí cho hoạt động truyền thông chính sách, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương ưu tiên bố trí kinh phí để tăng cường công tác truyền thông chính sách và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách.
NGHIÊN CỨU “MŨ” CHI NGÂN SÁCH RIÊNG CHO TRUYỀN THÔNG CHÍNH SÁCH
Báo cáo đề dẫn trước đó, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết khẳng định truyền thông phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước.
Song thực tế, theo ông Lâm, kết quả bước đầu của việc đổi mới công tác truyền thông chính sách chủ yếu vẫn tập trung ở các cơ quan đầu não ở Trung ương. Ở nhiều địa phương và cá biệt ở một số bộ ngành hiện nay, công tác truyền thông không được quan tâm do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm. Ảnh: Nhật Bắc. |
Gần đây, nhiều vụ việc nổi cộm trên không gian báo chí, truyền thông (trong đó có vụ việc trở thành “sự cố truyền thông”, ảnh hưởng lớn đến tâm lý xã hội, sản xuất kinh doanh, thậm chí trật tự an ninh…) có nguyên nhân xuất phát một phần từ sự thiếu kinh nghiệm xử lý truyền thông hiệu quả từ phía các cơ quan hành chính Nhà nước.
Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa hình thành được đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp, chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí được nguồn lực phù hợp…
Phân tích về nguyên nhân của những hạn chế, Thứ trưởng Nguyễn Thanh cho rằng chưa có sự thống nhất trong tư duy tiếp cận về truyền thông chính sách.
“Vẫn còn có nhận thức chưa đúng rằng truyền thông chính sách là việc của báo chí, trong khi trên thực tế, truyền thông chính sách thuộc chức năng của chính quyền, là việc của chính quyền”, ông Lâm nói.
Vẫn còn có nhận thức chưa đúng rằng truyền thông chính sách là việc của báo chí, trong khi trên thực tế, truyền thông chính sách thuộc chức năng của chính quyền.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm
Bên cạnh đó, một số cơ quan chưa biết cách làm truyền thông chính sách; năng lực giải thích, diễn giải cụ thể chính sách, quy định của một số cơ quan Nhà nước để người dân hiểu và chủ động tuân thủ còn hạn chế.
Việc chủ động tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí vẫn được coi là việc “khó”, tâm lý cán bộ ngại tiếp xúc với báo chí khá phổ biến ở nhiều bộ ngành, địa phương, dẫn đến việc báo chí gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn thông tin chính thống để giải thích chính sách.
Từ thực trạng và bài học kinh nghiệm thực tiễn, Bộ TT&TT đề xuất cần cấp bách thay đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách.
Bộ kiến nghị Thủ tướng ban hành chỉ thị tăng cường công tác truyền thông chính sách để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương hình thành bộ phận/đơn vị thực hiện chức năng nhiệm vụ tham mưu truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp, cũng như tăng cường bố trí kinh phí cho công tác này.
Cũng theo Bộ TT&TT, Nhà nước cần có chính sách và nguồn lực hỗ trợ các cơ quan báo chí đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để chiếm lĩnh và dẫn dắt thông tin trên không gian mạng, trở thành dòng chảy chính, tích cực để dẫn dắt dư luận, truyền thông chính sách hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. Ảnh: Nhật Bắc. |
Về bố trí kinh phí cho hoạt động truyền thông chính sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết kinh phí Ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm.
Ông cho biết Bộ Tài chính đang trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước và sẽ tiếp thu kiến nghị của Bộ TT&TT về “mũ” chi ngân sách riêng cho truyền thông chính sách.
Liên quan đến đặt hàng truyền thông chính sách bằng nguồn Ngân sách Nhà nước, theo ông Chi, trên thực tế vẫn có nhưng có thể chưa đủ hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu do Ngân sách Nhà nước còn eo hẹp. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ TT&TT và các cơ quan truyền thông tìm giải pháp tăng nguồn ngân sách Nhà nước đối với các cơ quan truyền thông chính sách.
Nguồn zingnews.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.