Đêm diễn “Bài ca thống nhất” sẽ tổ chức ngày 29/4 tại sông Bến Hải
Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 4/3 cho biết Bộ đã phê duyệt kịch bản văn học chương trình nghệ thuật kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015) và kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Chương trình nghệ thuật “Bài ca Thống nhất” trong Lễ hội Thống nhất non sông diễn ra tại bờ Nam Khu di tích đôi bờ Hiền Lương năm 2010. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Chương trình nghệ thuật “Bài ca thống nhất” kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước diễn ra tối 29/4 tại sân khấu đầu cầu Hiền Lương, bờ Nam sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị.
Đây là chương trình nghệ thuật đặc biệt, quy mô cấp quốc gia. Tên gọi của chương trình thể hiện địa danh lịch sử đôi bờ Hiền Lương, Bến Hải – nơi khởi nguồn của nỗi đau chia cắt, niềm vui sum họp.
Địa danh này cũng là điểm xuất phát của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, biểu tượng cho khát vọng hòa bình thống nhất, ý chí quyết tâm chiến đấu giành độc lập dân tộc của quân và dân 2 miền Nam-Bắc.
Chương trình “Bài ca thống nhất” do tác giả Trịnh Vũ Thìn viết kịch bản, nhạc sỹ Nguyễn Quang Vinh làm tổng đạo diễn sẽ đề cập tới công cuộc kháng chiến, kiến quốc của cả dân tộc Việt Nam.
Trong đó, chương trình sẽ dành thời lượng đáng kể, khắc họa chân dung cuộc sống và con người ở đôi bờ Hiền Lương, Bến Hải trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, xây dựng quê hương.
“Bài ca thống nhất” cũng là khúc tri ân đồng bào, đồng chí đã hy sinh anh dũng trên mặt trận Quảng Trị, các chiến trường miền Nam trong những năm tháng kháng chiến cứu nước đầy cam go, ác liệt.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Bài ca thống nhất” diễn ra trong 60 phút, được chia thành 3 chương “Nơi đây giới tuyến,” “Khát vọng thống nhất,” “Đường bốn mùa xuân.”
Bằng những hình tượng nghệ thuật tiêu biểu, sinh động, chương trình này góp phần tập hợp, kết nối các sự kiện nổi bật để tái hiện thiên sử ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Đối với hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915-1/7/2015), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt 2 kịch bản văn học “Hưng Yên khúc hát tự hào” và “Ngọn cờ đổi mới.”
Theo đó, kịch bản văn học chương trình nghệ thuật “Hưng Yên khúc hát tự hào” của tác giả Lê Khánh Toàn, nhà văn Chu Lai viết lời bình, lấy cảm hứng từ cuộc đời hoạt động cách mạng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Chương trình được xây dựng với hình thức nghệ thuật tổng hợp, tích hợp nhiều hình thức và phong cách biểu diễn.
Chương trình sử dụng phương pháp, cách thể hiện của một sử thi nghệ thuật được xây dựng bằng hình thức sân khấu và nghệ thuật Ca múa nhạc tổng hợp gắn với lời bình và phóng sự bằng hình ảnh…
Chương trình gồm 3 phần “Những mùa hoa cúc,” “Hai đầu nỗi nhớ,” “Những cung đường vượt thời gian,” góp phần ca ngợi đường lối lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, ca ngợi truyền thống văn hiến, cách mạng của mảnh đất và con người Hưng Yên, tình cảm của ông Nguyễn Văn Linh với quê hương Hưng Yên…
Kịch bản văn học chương trình nghệ thuật “Ngọn cờ đổi mới” của tác giả Trịnh Vũ Thìn do các nghệ sỹ Nhà hát ca, múa, nhạc Việt Nam dàn dựng, biểu diễn.
Chương trình có thời lượng 30 phút, được xây dựng theo hình thức bán sử thi với các hình tượng nghệ thuật ca múa nhạc kết hợp với lời bình cùng hình ảnh phim tài liệu.
Chương trình gồm 2 phần “Nguyễn Văn Linh với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc” và “Nguyễn Văn Linh với sự nghiệp đổi mới đất nước.”
Bằng những hình ảnh nghệ thuật tiêu biểu, “Ngọn cờ đổi mới” ngợi ca cuộc đời và sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc cũng như công cuộc đổi mới đất nước của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Đây cũng là khúc tri ân của đồng bào, chiến sỹ cả nước đối với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông./.
Nguồn VN+
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.