Chương trình “Dạ khúc tri âm” kỷ niệm 100 năm ra đời vở cải lương đầu tiên

(THTG) Tối 17/3, tại rạp hát Thầy Năm Tú, thành phố Mỹ Tho, Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp tỉnh Tiền Giang tổ chức đêm văn nghệ “ Dạ khúc tri âm lần thứ X”, nhân kỷ niệm 100 năm vở cải lương đầu tiên được biểu tại rạp hát Thầy Năm Tú. Đến dự khán có ông Trần Thanh Đức – Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang.

 

 vlcsnap-2018-03-19-09h20m24s452

vlcsnap-2018-03-19-09h42m20s701

vlcsnap-2018-03-19-09h42m55s785

Các tiết mục trong đêm diễn “Dạ khúc tri âm”. Ảnh: Phi Phụng

vlcsnap-2018-03-19-09h18m58s910

Đại biểu và khán giả tại đêm diễn kỷ niệm 100 năm vở cải lương đầu tiên được biểu tại rạp hát Thầy Năm Tú. Ảnh: Phi Phụng

So với những lần tổ chức đêm văn nghệ “Dạ khúc tri âm” trước đây, đêm văn nghệ “Dạ khúc tri âm” lần thứ X khá đặc biệt, đó là kỷ niệm 100 năm vở cải lương đầu tiên được biểu diễn tại Rạp hát Thầy Năm Tú. Do đó, chương trình văn nghệ cũng có nhiều nội dung phong phú hơn, với các tiết mục đơn ca cổ, ca nhạc, nói chuyện chuyên đề về sự hình  thành và phát triển rạp hát Thầy Nam Tú. Đặc biệt, điểm nhấn của chương trình văn nghệ “Dạ khúc tri âm” lần thứ X là các trích đoạn cải lương “Nỗi đau sợi tơ đồng” của Soạn giả Huỳnh Anh; “Ni cô và kiếm sĩ” của Soạn giả Yên Lang và “Tô Ánh Nguyệt” của Soạn giả Trần Hữu Trang, do các nghệ sĩ đến từ thành phố Hồ Chí Minh và Đoàn nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang biểu diễn, đã đem đến nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem, nhân kỷ niệm 100 năm vở cải lương đầu tiên được biểu tại rạp hát Thầy Năm Tú – Rạp hát cải lương đầu tiên ở Việt Nam.

Rạp hát thầy Năm Tú

Tọa lạc tại đường Lý Công Uẩn (nay thuộc phường 1, TP. Mỹ Tho – gần chợ Mỹ Tho), Rạp hát Thầy Năm Tú được xây dựng khoảng năm 1905, do ông Châu Văn Tú (thường gọi thầy Năm Tú, quê quán xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành) đầu tư kinh phí, ban đầu để chiếu bóng.

Năm 1918 ông Năm Tú mua lại gánh xiếc và ca ra bộ của André Thận, rồi bỏ tiền mời thêm đào kép, thầy tuồng lập nên “Gánh hát Thầy Năm Tú” và Rạp hát Thầy Năm Tú là rạp hát cải lương đầu tiên, nơi trình diễn vở cải lương đầu tiên của Việt Nam vào ngày 15/3/1918…

Vở cải lương đầu tiên

Theo tác giả Lê Ái Siêm trong quyển “Tiền Giang với nghệ thuật sân khấu cải lương”  xuất bản năm 2013  trang 58  ghi: “Đêm 15-3-1918 là đêm lễ hội tưng bừng của Mỹ Tho, vở cải lương Lục Vân Tiên được công diễn. Ghe thuyền của dân lục tỉnh đặc kín sông Bảo Định. Thiên hạ đen nghẹt, xô đẩy giành nhau mua vé…” 

Còn theo TS Võ Thị Yến (Trường ĐH Sân khấu – điện ảnh TP.HCM) trong đề tài luận văn tiến sĩ của bà về lịch sử cải lương khẳng định: “Tuồng hát Kim Vân Kiều của Trương Duy Toản được chọn làm tuồng khai trương gánh hát Thầy Năm Tú”.

Tuy nhiên, tại hội thảo về cải lương diễn ra ngày 18/01/2014 tại Tiền Giang, nhiều đại biểu cho rằng:  Tuồng hát Kim Vân Kiều được chọn làm tuồng khai trương đúng vào ngày sinh nhật của chủ nhân gánh hát Thầy Năm Tú Mỹ Tho là ngày 15-3-1918 tại rạp hát mang tên ông là chính xác, vì ngày 15-3-1918, ông Lê Văn Thận sang gánh hát cho ông Châu Văn Tú, gọi là gánh hát Thầy Năm Tú Mỹ Tho và diễn vở Kim Vân Kiều của Trương Duy Toản tại rạp Cinéma Théâtre – tức rạp Thầy Năm Tú…

Công Luận