Đến năm 2025, Tiền Giang sẽ có 324 mã số vùng trồng sầu riêng

(THTG) Do phần lớn sản lượng sầu riêng tươi được tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc và muốn nhập khẩu vào thị trường tỷ dân này phải có mã số vùng trồng, truy nguyên nguồn gốc nên hiện công tác cấp mã số vùng trồng cho loại trái cây đặc sản này được tỉnh Tiền Giang tập trung rất cao. Theo tinh thần của kế hoạch số 167 vừa mới ban hành và mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 324 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích khoảng 14.469 ha.

vlcsnap-2023-09-04-11h09m42s780.png

vlcsnap-2023-09-04-12h02m09s678.png

Nông dân chăm sóc vườn sầu riêng. Ảnh: Lê Thi

Tính đến tháng 9 năm 2023 này, chỉ mới có 66 vùng trồng sầu riêng của tỉnh được cấp mã số với diện tích 2.401 ha, chiếm 18,5% tổng diện tích sầu riêng đang ở giai đoạn kinh doanh. Trong khi đó, việc xuất khẩu sầu riêng qua các nước, kể cả Trung Quốc, cũng đã siết chặt yêu cầu về mã số vùng trồng. Do đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung thực hiện các thủ tục, xúc tiến cấp mã số vùng trồng sầu riêng và quản lí duy trì các vùng trồng đã được cấp mã số, nhằm tạo điều kiện thuận cho xuất khẩu sầu riêng chính ngạch.

Theo kế hoạch, ngay trong năm 2023 này, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với lãnh đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về mã số vùng trồng, đồng thời tổ chức tập huấn chuyên môn về các quy định, tiêu chuẩn, thủ tục cấp mã số vùng trồng sầu riêng cho cán bộ nông nghiệp huyện, xã và hợp tác xã để hoàn thành mục tiêu cấp thêm 161 mã số vùng trồng cho diện tích 7.728 ha./

Kim Nữ