Đi lại, vận tải hành khách công cộng: Phụ thuộc quyết định của các địa phương
Ngày 12-10, thông tin từ Bộ GTVT cho biết, nhiều vướng mắc trong việc khôi phục vận tải hàng không đang được tháo gỡ. Bên cạnh đó, các sở GTVT và doanh nghiệp đang tích cực chuẩn bị việc khôi phục vận tải đường bộ, đường sắt từ 13-10. Tuy nhiên, kết quả nối lại giao thông liên tỉnh phụ thuộc nhiều vào quyết định của các địa phương.
Người dân mua vé tàu tại ga Sài Gòn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Vận tải công cộng: Chưa thống nhất
Cụ thể, những ngày đầu mở cửa trở lại đường bay nội địa, vẫn còn tình trạng thực hiện không thống nhất giữa các địa phương. Từ yêu cầu cách ly ban đầu đối với hành khách bay từ TPHCM, sau đó đã được Hà Nội, Hải Phòng, Thừa Thiên – Huế dỡ bỏ. Theo thông tin từ các hãng bay, việc không phải cách ly tại nơi đến khiến lượng hành khách mua vé tăng mạnh. Nhiều chuyến bay chặng Hà Nội – TPHCM thông báo hết vé từ ngày 12 đến ngày 18-10. Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) Đinh Việt Thắng cho biết, do số chuyến bay ít, lại áp dụng giãn cách nên chi phí tăng lên. Các hãng hàng không trong nước đang kiến nghị bỏ quy định giãn cách ghế trên máy bay trong giai đoạn 2 (sau ngày 20-10).
Về đường sắt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết, việc khôi phục vận tải hành khách đã có tín hiệu rất khả quan khi tàu SE7/8 Hà Nội – TPHCM bán gần hết vé ngay sau khi mở bán. Lượng hành khách đăng ký mua vé tàu trong các ngày từ 14 đến 20-10 vẫn đang tăng lên. Ngành đường sắt đã quyết định lập thêm đôi tàu SE5/6 để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tổng Công ty ĐSVN đã chỉ đạo các đơn vị vận tải đường sắt làm việc với địa phương có ga tàu dừng, đón trả khách để phối hợp triển khai việc đón hành khách và thực hiện các biện pháp phòng dịch của địa phương theo quy định.
Về vận tải đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, các sở GTVT đã chỉ đạo các đơn vị triển khai theo hướng dẫn, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn vướng mắc. Cụ thể, các sở GTVT đều báo cáo tỷ lệ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe được tiêm đủ 2 mũi vaccine còn rất thấp. Bên cạnh đó, quy định đối với hành khách chưa tiêm đủ vaccine khi đi cùng người thân khó thực hiện, do chưa có tiêu chí xác định người thân, dễ xảy ra việc vận chuyển người trái phép. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất là sự chấp thuận của địa phương có bến đối lưu. Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện đã yêu cầu các sở GTVT báo cáo UBND tỉnh mở lại vận tải khách liên tỉnh theo hướng thí điểm một số chuyến xe từ vùng xanh đến vùng xanh. Trong đó, Hà Nội và TPHCM là các thành phố có tỷ lệ người được tiêm đủ 2 mũi vaccine cao, cần mở lại vận tải hành khách liên tỉnh với 5-10 tỉnh, thành phố khác.
Đi lại cá nhân: Mỗi nơi mỗi kiểu
Trong khi đó, việc đi lại bằng xe cá nhân nhiêu khê hơn nhiều. Tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 cầu Tân Hương (Tiền Giang), lực lượng CSGT tại đây cho biết, hiện nay người dân đi từ hướng TPHCM về các tỉnh ĐBSCL ngang qua Tiền Giang phải có giấy test nhanh âm tính với Covid-19 còn hiệu lực, khai báo y tế và xuất trình giấy tờ liên quan hợp lệ, lực lượng chức năng sẽ cho thông chốt. Đối với người từ Tiền Giang đi TPHCM phải có giấy test nhanh âm tính còn hiệu lực, khai báo y tế và giấy đi đường do địa phương nơi cư trú cấp; giấy tiếp nhận của cơ quan, đơn vị nơi làm việc (ở TPHCM), giấy tờ cá nhân hợp lệ… Ngày 12-10, Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cho biết sẽ tiếp tục tạm ngừng hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh từ Tiền Giang đi các tỉnh, thành phố và ngược lại đối với đường bộ, đường thủy. Các phương tiện vận tải hành khách từ các tỉnh, thành phố khác khi hoạt động vận tải qua địa bàn tỉnh Tiền Giang không được dừng, đón, trả khách.
Từ ngày 10-10, toàn tỉnh Bạc Liêu áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19. Theo đó, Bạc Liêu kiểm soát tất cả các trường hợp người và phương tiện vận chuyển hàng hóa vào tỉnh; mọi người không được di chuyển vào Bạc Liêu khi chưa được sự cho phép của UBND tỉnh này. Vì vậy, theo ghi nhận của phóng viên, tại các chốt kiểm soát “vòng ngoài” của tỉnh Bạc Liêu, lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra rất chặt người và phương tiện lưu thông qua chốt. Tương tự, nhiều tỉnh ĐBSCL dù đã nới lỏng giãn cách nhưng chỉ cho phép người dân đi lại trong nội tỉnh; còn người dân, chuyên gia, các doanh nghiệp… khi vào tỉnh phải được sự cho phép của Chủ tịch UBND tỉnh và quy định về cách ly y tế. Đây là một trong những rào cản lớn nhất trong việc đi lại, phục hồi sản xuất của người dân, doanh nghiệp.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.