Địa chí Tiền Giang: Từ buổi đầu khai hoang đến giữa thế kỷ XIX
Phần 1 – Cảnh quan thiên nhiên trước cuộc khai hoang
Vùng đất Nam bộ, trong đó có Tiền Giang, trước khi người Việt đến khai phá là một vùng đất còn hoang vu. Châu Đạt Quan, sứ thần nhà Nguyên, trong dịp kinh lý đến kinh đô Ăngco (Campuchia) năm 1296, khi đi ngang qua vùng Tiền Giang, cho biết: “Hàng trăm, hàng ngàn trâu rừng tụ họp từng bầy. Tiếp đó, nhiều con đường dốc đầy tre chạy dài hàng trăm dặm… Chúng tôi đi ngang qua biển Côn Lôn và vào cửa sông. Sông này có hàng chục ngả, nhưng ta chỉ có thể vào cửa thứ tư (tức cửa Đại-NV); các ngả khác có nhiều bãi cát, thuyền lớn không đi được. Nhìn lên bờ, chúng tôi thấy toàn là cây mây cao vút, cổ thụ, cát vàng, lau sậy trắng, thoáng qua không dễ gì biết được lối vào.”(1) Còn Phan Huy Chú cho biết:“Phủ Gia Định, đất Đồng Nai, từ các cửa biển Cần Giờ, Xoài Rạp, Tiểu, Đại, toàn là những đám rừng hoang vu cỏ rậm, mỗi đám rừng có thể rộng hơn nghìn dặm(2)”.
Lúc bấy giờ, do còn là rừng rậm, đồng hoang, nên ở Tiền Giang có nhiều loại thú dữ như cọp, voi, heo rừng, cá sấu, rắn v.v… hoành hành khắp mọi nơi, là mối đe dọa đối với những người khai hoang.
Mặc dù thiên nhiên ở Tiền Giang được xem là thuận lợi hơn Đàng Ngoài, như sông rạch chằng chịt, nguồn nước đầy đủ, khí hậu điều hòa, ít bão lụt, ít hạn hán, đất đai bằng phẳng, phì nhiêu… nhưng cũng không phải là không có khó khăn. Vùng ven biển Gò Công có lúc bị bão tố hoành hành và khan hiếm nước ngọt. Tại những nơi giáp Đồng Tháp Mười đất bị nhiễm phèn và nước lũ dâng lên hàng năm, khiến cho sản xuất và cuộc sống gặp nhiều gian nan, vất vả.
Xã hội luôn bất ổn vì nạn giặc cướp. Người dân khai hoang phải học võ để tự vệ. Năm Mậu Thân (1868), Phó tướng Long Môn là Huỳnh Tấn nổi loạn, giết chủ tướng Dương Ngạn Địch, tự xưng là Phấn Dũng Hổ huy tướng quân. Hắn thống lĩnh quân Long Môn, cầu viện Kampuchia, đắp lũy ở Rạch Nan(1), đúc đại bác, đóng chiến thuyền đi cướp bóc dân lành. Chúa Nguyễn nhiều lần sai quân tướng đánh dẹp, cuối cùng lập kế giết được Huỳnh Tấn và giao quân Long Môn cho Tổng binh Trần Thượng Xuyên cai quản. Trần Thượng Xuyên đem quân đóng tại Doanh Châu ( nay thuộc Vĩnh Long).
Thù trong giặc ngoài là mối đe dọa không nhỏ đối với người khai hoang. Năm Ất Dậu (1705), quân Xiêm thường kéo xuống quấy phá, cướp bóc. Chúa Nguyễn sai Nguyễn Cửu Vân đắp lũy, đào kinh từ quán Thị Cai đến chợ Lương Phú (Bến Tranh), chận đánh tại Rạch Gầm, quân giặc đại bại rút về nước. Vào năm 1784, khi Nguyễn Phúc Ánh cầu viện, giặc Xiêm đã tràn vào xâm lược Nam bộ. Bọn chúng đi đến đâu là cướp của, giết người, đốt nhà, hãm hiếp phụ nữ đến đó. Hàng mấy chục làng nằm dọc theo bờ tả ngạn sông Tiền từ Mỹ Tho đến Trà Lọt (Cái Bè) bị quân giặc dày xéo, dân chúng chạy tứ tán khắp nơi. Sự kiện dẫn đến trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử tại Rạch Gầm – Xoài Mút.
Dịch bệnh cũng khiến nhân dân lo âu. Nhiều trận dịch lớn đã giết hàng loạt người dân khai hoang. Năm 1757, có một trận dịch bệnh ở Cái Bè. Năm 1820 (đời Minh Mạng) có trận dịch khắp Nam kỳ lan đến kinh đô Huế, kéo dài nhiều tháng và giết chết hàng vạn người.
Dù cho ở vùng đất mới có những khó khăn nghiệt ngã, nhưng vẫn không ngăn được bước chân của những dòng người đi khai hoang từ Đàng Ngoài vào tìm đất mới.
(1) Châu Đạt Quan – Chân lạp phong thổ ký.
(2) Phan Huy Chú- Lịch triều hiến chương loại chí.
(3) Rạch Nan ở thôn Bình Ninh, nơi tiếp giáp sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây (nay thuộc Long An). Vị trí nầy có thể ngăn chặn đại quân của chúa Nguyễn từ Đồng Nai kéo xuống.
Mời quý độc giả đón xem tiếp địa chí Tiền Giang phần 2, đề cập đến: Lực lượng khai hoang ở kỳ sau.
Nguồn: http://www.tiengiang.gov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.