Địa chí Tiền Giang: Từ buổi đầu khai hoang đến giữa thế kỷ XIX

Phần 2 – Lực lượng khai hoang

Trong các thế kỷ XVI, XVII, do chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến (chiến tranh giữa nhà Mạc và nhà Lê -Trịnh kéo dài từ năm 1539-1600; chiến tranh Trịnh – Nguyễn kéo dài từ năm 1627-1672), sự bóc lột quá đáng của bọn quan lại và địa chủ; thiên tai, mất mùa, đói kém, dịch bệnh nên cuộc sống của nhân dân lao động ở Đàng Ngoài ngày càng cực khổ. Trước tình hình đó, ngoài việc đứng lên phản kháng, nhân dân lao động chỉ còn một con đường là đi dần vào phương Nam để tìm kiếm một cuộc sống dễ chịu hơn.

Khi lưu dân người Việt di cư vào Tiền Giang, đầu tiên, họ sử dụng hình thức di dân tự do, cả gia đình, hoặc người khỏe mạnh đi trước rồi đón gia đình đến sau, hoặc một số người hay một số gia đình kết lại thành nhóm cùng đi với nhau. Tiếp theo là những đợt di dân lớn hơn với những tổ chức di dân quy mô. Đó là quá trình di dân cơ chế, dẫn đến những sự đổi thay to lớn về thiên nhiên, và cảnh quan địa lý, hình thành những vùng cư trú ổn định. Sự di dân cơ chế này còn là hệ quả của việc triều Nguyễn đứng ra tổ chức và bảo trợ những đoàn dân di cư vào Nam. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức cho biết: Các chúa Nguyễn chiêu mộ dân từ châu Bố Chánh trở vô nam đến ở khắp nơi. Bên cạnh đó, quá trình di dân cơ chế cũng được diễn ra khi các chúa Nguyễn ban hành chính sách cho phép những người “có vật lực” chiêu mộ dân nghèo vào Nam khẩn hoang. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú cho biết: Hiếu Minh Vương tức chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) chiêu mộ những người có tiền của ở Quảng Nam, Điện Bàn, Quảng Nghĩa, Quy Nhơn tụ tập dân chúng di cư vào đây.

Phần lớn lưu dân người Việt vào Tiền Giang có gốc gác ở Trung và Nam Trung bộ, nhất là các địa phương Thuận Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn. Ngoài ra, cũng có một số ít từ đồng bằng Bắc bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Trong số lưu dân người Việt đi tiên phong trong việc khai hoang thì đa số là nông dân nghèo khổ. Chính lực lượng này đóng vai trò quyết định trong công cuộc khẩn hoang ở Tiền Giang trong các thế kỷ XVII, XVIII và cả nửa đầu thế kỷ XIX.

Bên cạnh đó, còn có những người bị tù đày; những người chống đối chế độ Lê – Trịnh, Nguyễn, những tay “giang hồ tứ chiếng”; binh lính miền biên cảnh; quan lại cấp thấp; những thầy đồ bất đắc chí v.v…

Về sau, cả những người “có vật lực” cũng chiêu mộ dân nghèo các nơi đi vào Tiền Giang khẩn hoang. Lê Quý Đôn cho biết: Nhà Nguyễn mới cho chiêu mộ những người dân có vật lực từ các xứ Quảng Nam, Điện Bàn, Quảng Nghĩa và Quy Nhơn thiên cư vào ở đất Đồng Nai, thuộc phủ Gia Định….Nhờ những người này mà công cuộc khẩn hoang lập ấp được thêm nhanh chóng(1). Tuy nhiên, số lượng không nhiều, vì những nhà giàu có ở vùng Ngũ Quảng ít khi phiên lưu mạo hiểm.

Trong số những người Việt tiên phong vào khai hoang ở Tiền Giang, có một số nhân vật tiêu biểu:

– Lê Phước Tang từ miền Trung vào khai hoang và lập thôn Hòa Thuận (nay thuộc Long Khánh, Cai Lậy) vào khoảng giữa thế kỷ XVIII. Ông mất năm 1779.

– Nguyễn Văn Lữ, tục gọi là Cai Lữ (có lẽ ông giữ chức Cai đội hoặc Cai cơ trong quân đội chúa Nguyễn) đến khai hoang và lập làng Bình Thuyên (nay thuộc xã Nhị Bình, Châu Thành) với dấu vết còn lại được gọi là giồng Cai Lữ.

– Cai Cơ Ngô Tấn Lễ khai hoang, lập ấp Hữu Hòa (nay là thị trấn Cai Lậy) vào khoảng thế kỷ XVIII. Khi ông mất, để ghi nhớ công lao người khai khẩn đầu tiên, nhân dân đã lấy tên và chức vụ của ông đặt cho vùng đất này là Cai Lễ; nhưng có lẽ, tức Cai Lậy.

– Lê Công Giám vào lập thôn Kim Sơn (nay thuộc huyện Châu Thành) khoảng nửa sau thế kỷ XVIII. Sinh thời, ông làm tới chức Trùm Cả. Sau khi mất, ông được dân làng tôn làm Phúc thần thờ ở địa phương.

– Trần Văn Khủng vào khai phá thôn Bình Cách (nay thuộc xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo) khoảng thế kỷ XVIII. Đến đời thứ năm là Trần Văn Học (1819 – 1879) thì dòng họ này đã sở hữu hàng trăm mẫu đất.

– Phạm Đăng Dinh (Ông nội của Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng) (1717 – 1776) từ Quảng Ngãi vào giồng Sơn Quy (Gò Công) lập nghiệp vào giữa thế kỷ XVIII. Nếu truy nguyên thì dòng họ này vốn ở Thanh Hóa, rồi theo Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa giữa thế kỷ XVI, và sau đó đi dần vào phương Nam.

– Lê Văn Hiếu cùng với con là Lê Văn Toại từ Quảng Ngãi vào ngụ cư tại rạch Trà Lọt (nay thuộc xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè) khoảng giữa thế kỷ XVIII; rồi sau đó chuyển cư đến thôn Long Thạnh (nay thuộc huyện Châu Thành). Dòng họ này vốn gốc ở vùng Sơn Tây – Vĩnh Yên (Bắc bộ). Lê Văn Toại là cha của Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 – 1832).

Bên cạnh người Việt là lực lượng khẩn hoang chủ yếu, còn có một số người thuộc một số tộc người thiểu số cũng đến Tiền Giang khai phá. Họ được những người “có vật lực” ở miền Trung mua làm “nô” để đưa vào Nam khẩn hoang. Lê Quý Đôn viết trong Phủ biên tạp lục như sau: “Lại cho họ (chỉ những người có vật lực) thâu nhận những con trai, con gái người Mọi từ trên đầu nguồn xuống, để mua làm tôi tớ, đứa ở sai khiến, hầu hạ”. Ở vùng đất mới, những người này khẩn hoang làm nghề nông và phục vụ nhà chủ. Họ được “tùy tiện kết thành đôi lứa vợ chồng, rồi sinh đẻ thành nhiều người”. Về sau, có lẽ những người này, do thời gian lao động đã thừa số tiền mà chủ đã bỏ ra để mua họ, nên họ được thoát khỏi thân phận “điền nô” và bắt đầu “ ra sức làm ruộng, để tạo lập sản nghiệp riêng.” giữ được gốc tích của mình đến tận ngày nay như họ Lăng, Nông, Phòng, Chế, Ma, Khưu v.v… Như vậy từ rất sớm, các tộc người thiểu số đã có những đóng góp nhất định trong việc khẩn hoang và phát triển sản xuất nông nghiệp ở Tiền Giang trong các thế kỷ XVII, XVIII. Giữa họ và người Việt có sự đoàn kết chặt chẽ với nhau. Sách Gia Định thành thông chí chép: “Người Kinh và người Thượng tụ tập, kết thành chòm xóm.”.

Ngoài ra, cũng phải kể đến lực lượng người Hoa, tuy không nhiều, đã có mặt tại Tiền Giang hồi cuối thế kỷ XVII. Năm 1679, một nhóm người Hoa do Dương Ngạn Địch chỉ huy, vì chống đối nhà Thanh nên đã chạy sang Đàng Trong tị nạn và được chúa Nguyễn cho định cư ở Mỹ Tho. Tại đây, nhóm người Hoa này chủ yếu làm nghề buôn bán, lập ra Mỹ Tho đại phố nổi tiếng một thời. Sau đó, nhờ sự cộng cư, giao thoa văn hóa và có mối quan hệ hôn nhân với người Việt nên dần dần, họ trở thành người Việt, theo văn hóa Việt, theo phong tục tập quán Việt và xem Việt Nam là Tổ quốc của họ. Ở họ, chỉ còn danh xưng “Minh hương” (tức con dân nhà Minh) để nhắc lại nguồn gốc cũ. Những người Minh hương này cùng với người Việt – vốn đã đến Tiền Giang từ trước và chiếm đa số – chung lưng đấu cật, ra sức phát triển sản xuất, tạo dựng quê hương mới.

Từng đoàn người di cư đã sử dụng ghe bầu, men theo bờ biển, đi vào cửa Tiểu, cửa Đại. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn chép: “Nếu cho thuyền đi xuống miền dưới thì người ta đi vào các cửa Tiểu, cửa Đại”. Sau đó, người ta đến Gò Công, Vàm Giồng, Chợ Gạo, Mỹ Tho, Cai Lậy, Cái Bè v.v… Đi tới đâu, lưu dân người Việt khai phá rừng hoang đến đó. Nhờ thế, các giồng đất từ trong đất liền ra đến tận ven biển, kể cả các cù lao trên sông Tiền, đều được lưu dân khai khẩn, định cư và tiến hành sản xuất nông nghiệp. Làng xóm nằm dọc theo hai bờ sông rạch lớn. Đình, chùa, miếu, chợ đều nằm ở ngã ba, ngã tư sông rạch, những nơi giao thông thuận tiện.

(1) Phủ biên tạp lục-Lê Quí Đôn

(2) Ông nội của Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng.

Mời quý độc giả đón xem tiếp địa chí Tiền Giang phần 3, đề cập việc “Xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi” kỳ sau.

Nguồn: http://www.tiengiang.gov.vn