Địa chí Tiền Giang: Từ buổi đầu khai hoang đến giữa thế kỷ XIX

Phần 4: Thành quả khai hoang

Nhờ sự cần cù, bền bỉ, quả cảm, sáng tạo, tinh thần tương ái, tương thân trong lao động của những người đi khai hoang, và một số chính sách, biện pháp khẩn hoang của chính quyền chúa Nguyễn, nên đến cuối thế kỷ XVIII, diện mạo vùng Tiền Giang đã được thay đổi một cách cơ bản, tạo điều kiện cho việc mở rộng địa bàn khai phá và phát triển nông nghiệp vào những thời kỳ tiếp theo.

Theo Phủ biên tạp lục hồi bấy giờ, đất đai đã được khai phá thành ruộng đồng, “Từ cửa biển đi đến đầu nguồn, người ta phải đi đến sáu, bảy ngày, toàn đi qua những đồng ruộng bao la, bát ngát, mắt trông chẳng thấy bờ ruộng ở đâu. Ruộng đồng bằng phẳng, mênh mông”. Dân số và diện tích ruộng đất ở Tiền Giang ngày càng gia tăng. Cụ thể là các thuộc Tam Lạch, Bả Canh, Bà Lai, Bà Kiến và châu Định Viễn trong những năm 70 của thế kỷ XVIII có số dân đinh và số ruộng như sau:

Bang bieu 1-1

Trong khi đó, tổng diện tích khai khẩn của toàn Nam bộ là 32.000 sở ruộng với 21.000 dân đinh. Như vậy, các địa phương thuộc Tiền Giang ngày nay có số dân chiếm tỉ lệ 71,42% số dân đinh và diện tích khai khẩn chiếm tỉ lệ 50% diện tích khai khẩn toàn Nam bộ.

Sản xuất nông nghiệp đi dần vào ổn định. Ruộng đất màu mỡ, phì nhiêu và cho năng suất cao. Theo Lê Quí Đôn ở hai thuộc Bả Canh và Tam Lạch “cứ cấy một hộc thóc giống thì thu hoạch được 300 hộc”; trong khi đó, ở hai thuộc Quy An, Quy Hóa (có lẽ ở Bến Tre hoặc Vĩnh Long ngày nay) chỉ có 120 hộc mà thôi. Được biết, 1 hộc bằng khoảng 60 lít, tương đương 46 kg.

Với phương cách “đào mương lên liếp”, đến cuối thế kỷ XVIII, cư dân đã chinh phục được những vùng đất ẩm thấp, trồng được nhiều loại cây lấy quả. Cau là loại cây được trồng phổ biến nhất lúc bấy giờ.

Nhìn chung, cuộc sống của cư dân ở vùng đất mới ngày càng được ổn định và sản xuất nông nghiệp đạt được những kết quả khả quan. Mỹ Tho trở thành vùng sản xuất lúa gạo và cau chủ yếu của đồng bằng sông Cửu Long nửa sau thế kỷ XVIII.

Việc khai khẩn của lưu dân vào buổi đầu còn tùy nghi, dễ dàng, Chúa Nguyễn cũng chưa có pháp chế chặt chẽ; nên ở vùng Tiền Giang chỉ có một loại hình sở hữu ruộng đất là tư điền, tư thổ. Lúc đầu, tư điền, tư thổ của người nông dân tự canh giữ vị thế chủ yếu. Nhưng về sau, quá trình tích tụ ruộng đất dần dần được diễn ra. Một số “nhà giàu” có vốn liếng, có nhân lực bằng nhiều phương cách đã bắt đầu bao chiếm ruộng đất và tạo nên các chủ điền. Tầng lớp nầy xuất hiện vào khoảng những thập niên cuối thế kỷ XVIII.

Lúc bấy giờ, thóc gạo được vận chuyển ra bán ở Phú Xuân – Thuận Hóa. Giới thương buôn chuyên kinh doanh thóc gạo được hình thành. Những người này thường đi thuyền lớn từ miền Trung vào neo đậu tại các cửa biển hoặc tại các thương cảng, phố chợ lớn; rồi cho thuyền nhỏ đi khắp nơi để thu mua thóc gạo.

Ngoài số thóc gạo hàng hóa, chính quyền chúa Nguyễn còn có một khối lượng thóc gạo nhất định được trữ trong các kho của nhà nước. Đó là số thóc thuế do dân đóng. Lúc bấy giờ là thóc thuế của hai trường Tam Lạch và Bả Canh ở Tiền Giang nộp vào kho Định Viễn. Hằng năm, một phần thóc thuế các kho địa phương được chở về miền Trung trữ ở các kho, như thóc thuế của kho Định Viễn được chuyên chở về kho Thọ Khang thuộc phường Thọ Khang, huyện Phú Vang (Phú Xuân), thuộc quyền quản lý của Nội Các.

Như vậy, vùng Tiền Giang xưa nói riêng đồng bằng sông Cửu Long nói chung là nơi cung cấp lúa gạo chủ yếu cho vùng Thuận Hóa và cả miền Trung. Pierre Poivre trong nhật ký ngày 27-20-1749 viết: “Hiện nay, Đồng Nai (chỉ chung vùng đồng bằng sông Cửu Long) là một vựa lúa của cả xứ Đàng Trong. Vùng này đã cung cấp cho toàn xứ một khối lượng lớn về thóc”. “Vùng đồng bằng sông Cửu Long, ngay từ rất sớm, đã là vựa lúa lớn, sản xuất thóc gạo dư thừa, so với nhu cầu lương thực tại chỗ. Lúa gạo sản xuất được ở đây, ngoài việc thỏa mãn nhu cầu lương thực của nhân dân tại chỗ, còn được đem bán đi các nơi khác ở trong nước, chủ yếu là các phủ phía ngoài của xứ Đàng Trong, nhất là xứ Thuận Hóa”. “Thóc gạo từ Nam chuyển ra miền Trung là nhiều; nhưng không tính được số lượng cụ thể” (1)

Chính nhờ vậy, xứ Đàng Trong mới có đủ lương thực cung ứng cho nhân dân, mặc dù vùng Thuận Hóa và Quảng Nam có sự gia tăng dân số liên tục và đặc biệt là từ đầu thế kỷ XVIII, khỏi phải mua thóc gạo của Xiêm và Cao Miên. Như vậy, từ thế kỷ XVIII, Tiền Giang đã góp phần tích cực vào việc đảm bảo đầy đủ lương thực cho đất nước.

Thóc gạo của đồng bằng sông Cửu Long còn được xuất khẩu ra nước ngoài, nhất là thị trường Trung Quốc. Sách Phủ biên tạp lục cho biết: “Tại phủ Gia Định, lúa thóc không biết bao nhiêu mà kể, các khách buôn người Tàu thường tới những nơi ấy mua bán đã quen thuộc, ai cũng tấm tắc khen ngợi”. Về số lượng gạo được xuất khẩu theo con đường này, theo Trần Ngọc Định dẫn lại từ P. Vial trong Les premières années de la Cochinchine, vào những năm 70 của thế kỷ XIX, hàng năm, có khoảng 12.000 tấn thóc gạo đã được bán ra nước ngoài bởi các thương buôn Trung Quốc.

Cho-chinh-o-My-Tho-nam-1969trung-tam-duong-pho-My-Tho-nhin-ra-nha-thuoc-tay

Chợ Mỹ Tho năm 1969. Ảnh: Internet

Sau thóc gạo, cau là mặt hàng nông sản đứng hàng thứ hai được tiêu thụ rất mạnh trên thị trường. Borri cho biết: “Cau là nguồn lợi lớn ở xứ này, có vườn cau thì cũng như ở xứ chúng ta có ruộng nho và ruộng ô liu vậy”. Cau hồi thế kỷ XVIII được sử dụng vào các việc sau đây:

– Đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, đó là nhu cầu rất to lớn, bởi vì phong tục ăn trầu cau còn rất phổ biến lúc bấy giờ.

– Xuất khẩu sang Trung Quốc. Mục đích của thương buôn Trung Quốc thu mua cau là “để mang về Quảng Đông cho người ta ăn thay thứ trà phù (chè trầu)”

Cau cũng được xuất sang châu Âu, vì hạt cau với hàm lượng tanin cao, rất cần cho công nghiệp nhuộm và thuộc da đang phát triển mạnh ở châu Âu hồi thế kỷ XVIII. Năm 1799, Olivier, một người Pháp đánh thuê cho Nguyễn Ánh, chở một thuyền cau sang bán tại Malacca (Singapo).

Ngoài thóc gạo, cau, các loại thủy sản cũng là mặt hàng được bán rất chạy trên thị trường. Lê Quí Đôn cho biết, nguồn lợi cá tôm ở vùng cửa Tiểu là rất lớn; và nhiều đến nỗi người ta ăn không hết, làm khô, bán cho các bạn hàng. Ở vùng Đồng Tháp Mười, cá, tôm ở sông rạch, chằm ao, đồng ruộng nhiều không kể xiết. Từ đó, giới thương lái chuyên buôn bán cá, tôm được hình thành mà dân gian quen gọi là “lái rỗi”. Họ đóng những chiếc ghe lớn để rộng cá và chở đi bán khắp nơi, thu được mối lợi lớn.

Nền kinh tế nông nghiệp ở vùng Tiền Giang trong thế kỷ XVII và nhất là sang thế kỷ XVIII đã có sự vươn lên mạnh mẽ. Điều đó đã góp phần tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế Nam bộ, mà có nhà nghiên cứu cho rằng, đó là “một nền kinh tế mang dấu hiệu của phương thức sản xuất tiền tư bản chủ nghĩa”.

Cùng lúc với quá trình khai hoang và phát triển sản xuất, lưu dân người Việt đã xúc tiến việc thiết lập thôn ấp. Với nếp sinh hoạt xã hội có tổ chức ở quê hương mà đặc trưng chung là tính cộng đồng và tinh thần tương thân tương ái, khi vào vùng đất mới, lưu dân người Việt đã nhanh chóng “kết thành chòm xóm”, gồm năm, mười nóc nhà để “dựa vào nhau làm ăn; đùm bọc, giúp đỡ nhau trong lúc gặp khó khăn, hoạn nạn; bảo vệ lẫn nhau, chống lại thú dữ, trộm cướp”.

Lúc đầu, các chòm xóm thường được hình thành dọc theo tuyến sông rạch, những nơi điều kiện sản xuất và đời sống của cư dân được đảm bảo. Lúc bấy giờ, các chòm xóm mang tính tự trị. Chính quyền chưa có những quy định nghiêm ngặt bằng luật lệ. Do đó, chòm xóm thường “dễ hợp, dễ tan”; tức là, nơi nào làm ăn, sinh sống dễ dàng thì cư dân ở lại, theo kiểu “đất lành chim đậu”; Nơi nào khó khăn thì họ bỏ đi nơi khác, có khi cả xóm cùng ra đi, để tìm một mảnh đất mới, thuận lợi hơn, gọi là xiêu tán.

Trong các thế kỷ XVII, XVIII, để đẩy mạnh tốc độ khai hoang, quản lý cư dân và thu thuế, chính quyền chúa Nguyễn cho thành lập trại, mạn, nậu. Đây là những đơn vị hành chính cơ sở mà chính quyền chúa Nguyễn lập ra ở những vùng đất mới khai hoang.

Trại là những đơn vị hành chính có đất đai rộng rãi nhưng còn hoang sơ, dân cư thưa thớt. Đứng đầu là Cai trại. Ở Chợ Gạo có trại An Hòa; ở Gò Công, hiện nay còn địa danh Trại Cá.

Nậu cũng là nơi đất đai phì nhiêu, dân đông và chuyên về nghề ruộng, hoặc các nghề đốn củi, lấy mật ong… .

Mạn là nơi còn hoang dã, dân cư thưa thớt. Ở Gia Định, dân đánh cá, dân cày thuê cấy mướn thường lập mạn,còn gọi là vạn.

Các trại, mạn, nậu, theo quy định của chính quyền chúa Nguyễn, đều “được lệ phụ vào thuộc”. Thuộc là một loại hình đơn vị hành chính ngang với tổng, đứng đầu là chức Cai thuộc.

Đồng thời với việc thành lập các đơn vị hành chính như đã kể trên, chính quyền chúa Nguyễn từ cuối thế kỷ XVII đã chủ trương “đặt ra phường, ấp, xã, thôn, chia cắt địa phận, chuẩn định thuế đinh điền và lập bộ tịch đinh điền”. Thông thường, các trang, trại, mạn, nậu; sau khi đã ổn định và dân cư đông lên, sẽ được lập thành thôn xã. Năm 1790, sau khi thu phục được vùng đất Gia Định, để tăng cường sự quản lý của chính quyền đối với toàn bộ vùng đất này, Nguyễn Ánh ban hành hai quy chế thiết lập thôn xã. Quy chế thứ nhất cho phép nơi nào chiêu tụ được 40 dân đinh trở lên thì được thiết lập thôn xã, có mộc triện và ban hương chức đầy đủ; nơi nào không đủ số ấy thì cũng được thiết lập thôn xã, có ban hương chức nhưng không được cấp mộc triện. Quy chế thứ hai quy định nơi nào hợp được 10 nhà thì được lập thành một ấp nhỏ; nơi nào hợp được 50 nhà thì được lập thành một ấp lớn, có Tri ấp cai quản.

Khác với những nơi khác, ở Tiền Giang, đơn vị hành chính cơ sở không có xã, mà chỉ có thôn, ấp, phường, bởi các đơn vị nầy nhỏ, dễ quản lý hơn.

Về tiến trình thành lập thôn, ở vùng Gò Công, Chợ Gạo, do được khai phá trước, nên thôn được thành lập sớm. Có một số thôn đã xác định được tên người và niên đại khai lập, như thôn Bình Phục Nhứt do Trần Văn Sung lập và thôn Bình Trị do Trần Văn Dõng lập đều vào năm 1743. Tiếp theo, việc lập thôn lan dần đến vùng Mỹ Tho, Châu Thành, như thôn Điều Hòa do Nguyễn Văn Trước lập, thôn Bình Thuyên (nay là Nhị Bình) do Nguyễn Văn Lữ lập, thôn Kim Sơn do Lê Công Giám lập…. vào khoảng giữa thế kỷ XVIII. Sau cùng, là đến vùng Cai Lậy, Cái Bè; như các thôn Hội Sơn, Xuân Sơn (nay là xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy), Cẩm Sơn (nay là xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy), Thanh Sơn (nay thuộc xã Thanh Hòa và thị trấn Cai Lậy), Phú Sơn (nay thuộc xã Phú An, huyện Cai Lậy). Thôn Tân Sơn (nay thuộc xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) được tái lập năm 1785.

Do dân số đông hoặc do thôn quá lớn, khó quản lý, cần phải tách ra, hoặc do dân từ các nơi khác đến khẩn hoang, nên thôn mới được hình thành. Tên của thôn mới thường dựa trên nguyên tắc là tên của thôn cũ kết hợp với các từ chỉ phương hướng (đông, tây, nam, bắc), ví dụ như Tân Hương- Tân Hương Tây – Tân Hương Đông (nay là xã Tân Hương, huyện Châu Thành). Nhưng, có một số trường hợp, các từ chỉ phương hướng không đúng với thực tế. Như các thôn có tên chung là Bình Chánh. Nguyên khi mới thành lập, thôn có tên là Bình Chánh. Sau đó, tách ra lập thành một làng mới ở phía đông, gọi là Bình Chánh Đông. Rồi lại tách tiếp, lập thêm một làng mới ở về phía cực đông, nhưng được gọi là Bình Chánh Trung. Dân số của thôn nầy ngày càng đông, trong khi diện tích ruộng đất có hạn; cho nên, một số người chuyển vào rạch Bà Thửa ở về phía bắc của thôn cũ, lập ra một thôn mới là Bình Chánh Tây. Hoặc như thôn Tân Lý Tây ở về hướng đông và Tân Lý Đông ở về hướng tây…

Đồng thời, tên thôn mới còn được cấu tạo theo nguyên tắc: tên thôn cũ cộng các chữ số (nhất, nhì), như Bình Phục Nhứt (nay thuộc huyện Chợ Gạo) và Bình Phục Nhì (nay thuộc huyện Gò Công Tây). Lại có trường hợp tên thôn di chuyển khá xa, như thôn Mỹ Thuận (huyện Cái Bè) và thôn Mỹ Thuận Đông, Mỹ Thuận Tây (huyện Châu Thành). Sở dĩ có tình trạng đó, là do sự phiêu tán của nhân dân, vì giặc cướp hoặc vì đói kém mà ra. Một số người từ thôn cũ ra đi và khi đến nơi định cư mới, họ đã lấy tên của thôn cũ đặt cho thôn mới thành lập.

Ngoài ra, cách đặt tên thôn còn có những trường hợp cá biệt như thôn Miếu Ông, (sau đổi thành thôn Từ Linh), vì nơi đây có miếu thờ Nam Hải Long vương; Hay thôn Trà Tân (nay thuộc xã Long Trung-Cai Lậy) là tên một con rạch chảy qua…

Bên cạnh những thôn thông thường, ở Tiền Giang còn có một số thôn khác biệt. Trường hợp thứ nhất là, hai thôn cùng “liên danh” với nhau, như Tăng Huy – An Hòa nhị thôn. Dưới thời Minh Mạng (1820 – 1840), hai thôn này hợp nhất lại thành một thôn, lấy tên là Tăng Hòa. Trường hợp thứ hai là thôn Giang trạm Điều Hòa, vì hầu hết dân ở thôn nầy đều làm nghề đi trạm. Tiền hiền lập thôn nầy là Nguyễn Văn Trước, đội trưởng trạm Định Hòa.

Bên cạnh sự hiện diện của thôn, ở Tiền Giang còn có phường và ấp. Đó là phường Toàn Phước, thuộc thôn Dương Phước (Gò Công). Phường nguyên là loại hình hành chính quy tụ những hộ cùng làm một nghề thủ công, sau mới có địa phận lập làng. Phường Toàn Phước chuyên nghề đánh cá, sau đổi thành thôn Kiểng Phước. Thiên Thủy ấp (Chợ Gạo), Hữu Hòa ấp (Cai Lậy)…. Ấp là loại hình hành chính có diện tích và dân số ít hơn thôn, xuất hiện từ buổi đầu khẩn hoang; và cũng như thôn, dân chúng canh tác nông nghiệp là chủ yếu, nhưng thường do một cá nhân quản lý.

Như vậy, đến cuối thế kỷ XVIII, hệ thống thôn ấp ở vùng Mỹ Tho – Gò Công đã được hình thành và đi vào ổn định. Điều đó có tác dụng tích cực trong việc tiếp tục đẩy mạnh tốc độ khai hoang và sự phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương.

(1) Lâm Quang Huyên: 300 năm kinh tế Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh

Mời quý độc giả đón xem tiếp địa chí Tiền Giang phần tiếp theo với chủ đề “Tình hình kinh  tế – xã hội Tiền Giang nửa đầu thế kỷ XIX” kỳ sau.

Nguồn: http://www.tiengiang.gov.vn