Địa chí Tiền Giang: Từ buổi đầu khai hoang đến giữa thế kỷ XIX
Tình hình kinh tế – xã hội Tiền Giang nửa đầu thế kỷ XIX
Sản xuất nông nghiệp có những bước phát triển mới. Năng suất lúa ở Tiền Giang đạt cao nhất ở Nam Bộ. Nông dân lựa chọn được nhiều giống lúa, trong đó nổi tiếng nhất là giống lúa Gò Công. Nghề vườn đã được chuyên canh hóa với loại cây trồng chủ yếu là cau. Việc trồng trọt các loại cây nông sản (đậu, bắp, khoai, dâu, bông vải,…) có sự phát triển nhất định, nhất là nghề trồng dâu ở Tân Hiệp, Tân Đức (Cai Lậy), nghề trồng khoai ở giồng Trấn Định (Châu Thành), nghề trồng bông vải ở Gò Công và các cù lao trên sông Tiền,… Nghề đào ao nuôi cá phát triển mạnh. Ở Nam Bộ, chỉ có Tiền Giang mới có nghề đào ao nuôi cá với quy mô lớn, tập trung tại các địa phương ở ven Đồng Tháp Mười.
Các ngành nghề tiểu thủ công đã sản xuất ra nhiều sản phẩm vang danh khắp nơi như: Ghe Cái Bè, các loại vải ở Cai Lậy, cau khô Trà Tân, bánh tráng Lương Phú, rượu Gò Cát,…
Hoạt động nội thương diễn ra nhộn nhịp. Các chợ Mỹ Tho, Gò Công, Cái Bè, Cai Lậy,… vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc buôn bán, điều phối các loại hàng hóa, nhất là nông sản, giữa Tiền Giang và các địa phương khác.
Cơ chế hành chính có sự thay đổi theo hướng ngày càng hoàn thiện. Năm 1808, dinh Trấn Định được đổi thành trấn Định Tường.
Năm 1826, thành trấn Định Tường được dời từ thôn Mỹ Chánh – chợ Mỹ Tho sang hai thôn Điều Hòa và Bình Tạo. Đây cũng được xem là lỵ sở của trấn Định Tường.
Năm 1832, trấn Định Tường được đổi thành tỉnh Định Tường.
Đời sống tinh thần của nhân dân rất phong phú. Từ trong lao động, nhân dân đã sáng tạo ra một kho tàng văn hóa dân gian hết sức đa dạng, bao gồm ca dao, tục ngữ, dân ca, truyện cười, hò, vè,… nhất là mảng đờn ca, múa hát. Nhân dân ham chuộng võ nghệ và có tinh thần thượng võ. Trường phái “Võ Ba Giồng” nổi tiếng ở khắp nơi.
Tiền Giang cũng là “Vùng đất học” ở Nam Bộ. Trong nửa đầu thế kỉ XIX, nơi đây có 1 người đậu Tiến sĩ (một trong số rất ít vị Tiến sĩ ở toàn Nam Bộ lúc bấy giờ) và 44 người đậu Cử nhân, chỉ đứng thứ hai sau Gia Định, trong số đó có nhiều người đậu thủ khoa.
Đa số nhân dân theo đạo Phật. Nhiều ngôi chùa lớn đã được xây dựng, như chùa: Bửu Lâm, Sắc Tứ, Linh Phong, Phật Đá, Thiên Phước, Vĩnh Tràng,… Những ngôi chùa này, ngoài ý nghĩa tôn giáo còn có giá trị về nghệ thuật và kiến trúc. Bên cạnh đó, nhân dân còn thờ cúng những vị thần thuộc tín ngưỡng dân gian, như thần Nông, thần Thành hoàng, thần cá Ông, Bà Chúa xứ,…
Về xã hội, có hai giai cấp cơ bản là địa chủ phong kiến và nông dân. Trong đó, giai cấp địa chủ sở hữu ngày càng nhiều ruộng đất; còn giai cấp nông dân bị mất dần ruộng đất, trở thành tá điền, cày ruộng thuê cho địa chủ. Do đó, mâu thuẫn giữa hai giai cấp này đã nảy sinh và ngày càng phát triển.
Nguồn: http://www.tiengiang.gov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.