Dịch Ebola chưa dừng lại ở 4000 người chết

Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đến nay thế giới đã có 8.104 trường hợp mắc, trong đó 3.908 trường hợp tử vong do dịch Ebola.

Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới dịch bệnh do virus Ebola tiếp tục gia tăng cả về số mắc và số tử vong tại 6 quốc gia châu Phi. Đến nay, tại Mỹ đã có 1 trường hợp tử vong do dịch Ebola, 1 trường hợp xác định Ebola tại Tây Ban Nha.

Như vậy, tính từ tháng 12/2013 đến ngày 9/10/2014 đã ghi nhận 8.104 trường hợp mắc, trong đó 3.908 trường hợp tử vong.

Cụ thể: Guinea: 1.298 trường hợp mắc, trong đó 768 trường hợp tử vong. Liberia: 3.924 trường hợp mắc, trong đó 2.210 trường hợp tử vong. Sierra Leone: 2.789 trường hợp mắc, trong đó 879 trường hợp tử vong. Nigeria:20 trường hợp mắc, trong đó 08 trường hợp tử vong. Senegal: 1 trường hợp mắc. USA: 1 trường hợp mắc, 1 trường hợp tử vong. Tây Ban Nha: 1 trường hợp mắc. D.R.Cong: 70 trường hợp mắc, trong đó 43 trường hợp tử vong.

Dịch bệnh do virus Ebola tiếp tục gia tăng cả về số mắc và số tử vong

Tổ chức Y tế thế giới cũng ghi nhận 409 trường hợp là cán bộ y tế mắc bệnh, trong đó có 240 trường hợp tử vong.

Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện tại Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm Ebola. Để chủ động phòng chống dịch, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành tài liệu phòng, điều trị. Bộ Y tế phối hợp với các tổ chức quốc tế, theo dõi diễn biến virus Ebola.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị, tại các cửa khẩu quốc tế, hành khách đến từ 4 quốc gia Tây Phi có dịch Ebola phải thực hiện khai báo y tế.

Bộ Y tế yêu cầu khai báo cho cơ quan y tế gần nhất để được theo dõi, tư vấn các biện pháp kiểm tra sức khỏe và phòng bệnh, hạn chế tiếp xúc gần với những người khác, thường xuyên thực hành các biện pháp vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng.

Người đi từ vùng dịch về Việt Nam phải tự theo dõi nhiệt độ và tình trạng sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ ngày xuất cảnh. Nếu có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau họng, tiêu chảy, phát ban… cần thông báo ngay cho cơ quan y tế để được tư vấn kiểm tra sức khỏe.

2

Dịch Ebola chưa có dấu hiệu dừng lại

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố bản báo cáo cho thấy, sự lây lan của dịch bệnh Ebola vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi số lượng nhiễm bệnh ngày càng tăng và số người thiệt mạng đã tăng lên gần 4.000 người.

Mức độ lây lan của dịch Ebola chưa dừng lại ở khu vực châu Phi mà đang có nguy cơ lan ra các khu vực khác, sau khi một nữ y tá người Tây Ban Nha đã nhiễm virus Ebola bên ngoài châu Phi và bệnh nhân đầu tiên bị phát hiện nhiễm virus Ebola ở Mỹ tử vong.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cũng chỉ rõ, dịch bệnh Ebola ở Guinea, Liberia và Sierra Leone hiện vẫn ngoài tầm kiểm soát, lây lan với tốc độ chóng mặt. Không có bằng chứng nào cho thấy, sự lây lan dịch bệnh Ebola ở Tây Phi có thể chậm lại. Và các nước trong khu vực bị ảnh hưởng đã tiến hành các biện pháp đối phó với dịch, nhất là khu vực giáp biên giới với tâm điểm vùng dịch Ebola.

Chương trình lương thực thế giới (WFP) cũng vừa thông báo tăng hỗ trợ cho các nước bị ảnh hưởng bởi dịch Ebola ở Tây Phi, nhằm ngăn chặn vòng luẩn quẩn đói kém do dịch bệnh gây ra.

Không chỉ các nước Tây Phi đối mặt với dịch bệnh Ebola, dịch bệnh này đang có nguy cơ bùng phát ở châu Âu sau khi một nữ y tá người Tây Ban Nha đã nhiễm virus Ebola. Hiện, các bệnh viện ở Madrid đã thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp kiểm dịch y tế nhằm tránh lây lan dịch bệnh này. Hơn 80 người đã từng tiếp xúc với nữ y tá đã được kiểm tra và 4 người trong số đó có nguy cơ cao đang được cách ly, theo dõi tại bệnh viện.

Bên cạnh đó, nhà chức trách Anh cũng đã tăng cường kiểm soát các tàu bè qua lại vùng biển của nước này, đặc biệt là các tàu đã từng đi qua vùng có dịch. Ngoài ra, Chính phủ Anh cũng đang xem xét đặt các tấm quảng cáo tại sân bay để nâng cao ý thức đề phòng dịch bệnh của người dân.

Ngày 9/10, theo báo cáo mới nhất các nhà chức trách y tế ở Queensland đã kiểm tra một nữ y tá 57 tuổi, vừa trở về từ Sierra Leone, tâm vùng dịch Ebola. Nữ y tá này là tình nguyện viên làm việc trong Tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế ở Tây Phi và đã từng tham gia điều trị cho bệnh nhân thiệt mạng vì virus Ebola.