Dịch sởi lại tăng nhanh
Điều đáng lo ngại là bệnh không chỉ xuất hiện ở trẻ em mà người lớn, thai phụ cũng mắc và số ca mắc hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại
Theo số liệu thống kê của Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới (TP HCM), từ đầu năm 2019 đến nay, BV này quá tải về bệnh sởi. Hiện không có giường cho bệnh nhân nằm, số bệnh nhân gia tăng chưa thấy dấu hiệu dừng.
Tăng dần từ cuối năm 2018
Bác sĩ (BS) CKII Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng Khoa Nội A, BV Bệnh nhiệt đới, cho hay bệnh sởi bắt đầu tăng dần từ tháng 11-2018, với 119 ca bệnh. Đến tháng 12-2018, con số này tăng gấp đôi với 266 ca.
BS Hoa cho biết đáng lo là khi mới bước sang những ngày đầu tháng 1-2019, số lượng người nhập viện đã tới 62 ca, chưa tính số bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú. Số bệnh nhân nhập viện do bệnh sởi hiện chưa có dấu hiệu dừng lại. Đặc biệt, mỗi ngày có 5-7 thai phụ mắc bệnh sởi, tuổi thai từ 8-34 tuần. Nguy cơ lớn nhất với những thai phụ này là sinh non, bé sinh non sẽ có hệ lụy nặng nề. Trong đó, tháng 11 có 1 ca lưu thai, tháng 12 có 1 ca sinh non 24 tuần (sau đó phải chuyển qua BV Từ Dũ hỗ trợ), 2 ca chuyển dạ lúc thai 30-34 tuần.
Các BS cho biết ở người mẹ mang thai, hệ miễn dịch rất kém, nếu cộng thêm bệnh sởi thì hệ miễn dịch càng suy giảm nên dễ có nguy cơ sẩy thai, thai lưu, sinh non…
Một trong những bệnh nhân ở đây là chị T.H.N (28 tuổi, ngụ Bình Dương) đang mang thai 25 tuần. Chị cho biết do có dấu hiệu sốt, mệt nên đi khám; BS ở phòng khám tư cho biết bị cảm sốt thông thường và cho 5 ngày thuốc. Tuy nhiên, sau khi uống vẫn không thấy thuyên giảm mà tình trạng sốt, mệt mỏi, mắt đỏ, mặt và tay nổi những mẩn li ti xuất hiện ngày càng nhiều. Lo lắng, chị được gia đình đưa đến BV Bệnh nhiệt đới để khám và BS cho biết bị sởi, phải nhập viện.
“Hiện tôi đang rất lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của con, tôi cầu mong hết bệnh, cả hai mẹ con cùng vượt qua…” – chị N. thổn thức.
Các trẻ bị bệnh sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2
Tại BV Nhi Đồng 2, trẻ mắc bệnh sởi đến thời điểm hiện nay vẫn có 61 ca điều trị nội trú, trong đó có 5 ca nặng phải thở ô xy. Chị N.M.H (40 tuổi, ngụ Đồng Nai), mẹ của bé N.H.Đ (19 tháng tuổi), cho biết bé bị sốt, người lừ đừ nên cứ nghĩ con mắc bệnh cảm thông thường. Chị ra nhà thuốc gần nhà mua thuốc cho con uống, sau 4 ngày bệnh không giảm mà nặng hơn. “Gia đình tiếp tục đưa bé đến điều trị ở BV địa phương nhưng không khỏi, sau đó bé được nhập viện ở BV Nhi Đồng 2 thì bệnh trở nặng. Sau thăm khám, BS cho biết bé mắc bệnh sởi” – chị H. chia sẻ.
Tương tự, chị L.T.T (42 tuổi, ngụ quận 7, TP HCM) cho biết con gái 2 tuổi, chưa tiêm vắc-xin ngừa sởi, cách đây 1 tuần khi học về có dấu hiệu mệt, sốt… Sau 3 ngày, bé được gia đình đưa đến BV Nhi Đồng 2 thì BS cho biết bé mắc bệnh sởi. “Nằm ở BV hơn nửa tháng rồi, tôi mong con mau khỏe để còn về quê ăn Tết với ông bà ngoại ở Thanh Hóa” – chị T. nói mà như mếu.
Không chủ quan
BS Huỳnh Thị Thúy Hoa khuyến cáo những thai phụ có ý định có thai ở tuổi sinh sản nên tiêm ngừa vắc-xin 3 trong 1 để bảo đảm an toàn cho mẹ và con.
“Như mọi năm, tháng 1 lẽ ra là “cuối mùa sởi” nhưng hiện tại trẻ em, người lớn, thai phụ đang phải nhập viện hàng loạt vì bệnh sởi gia tăng. Trong đó, không ít người lớn chủ quan khi chăm con bệnh sởi, nên lây lan trong gia đình khiến nhiều người cùng mắc. Vừa qua, BV Bệnh nhiệt đới tiếp nhận 3 gia đình (từ 3-4 người trong một nhà) lây bệnh sởi cho nhau rồi vào đây điều trị” – BS Hoa cho biết.
Theo BS Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2, hiện bệnh sởi đang có chiều hướng gia tăng, bệnh nhi nhập viện chủ yếu đến từ tỉnh phía Nam (70%). Có bệnh nhi mới 3-4 tháng tuổi và những trẻ mắc bệnh hầu hết chưa tiêm ngừa vắc-xin sởi.
Thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết chỉ trong tuần đầu tiên của năm 2019, trên địa bàn ghi nhận sự gia tăng mạnh cả 3 loại dịch bệnh ở trẻ, gồm: Sốt xuất huyết, tay chân miệng và sởi. Cụ thể, trong tuần đầu tiên của năm 2019, trên địa bàn có 60 ca mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm 2018 không có ca nào. Hiện 24/24 quận, huyện của TP đều phát hiện ca bệnh sởi, các quận có nhiều ca mắc là: 8, 12, Thủ Đức và Bình Tân. Tuy nhiên, các dịch bệnh này đều được khống chế kịp thời và không có bệnh nhân tử vong.
Trước diễn biến phức tạp của dịch sởi, các chuyên gia y tế khuyến cáo đây là thời điểm người dân đi lại nhiều. Người chưa tiêm chủng mắc bệnh sởi sẽ dễ là đầu mối lây lan ra cộng đồng. Vì vậy, việc tiêm bổ sung vắc-xin cho đối tượng chưa tiêm là cần phải làm.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.