Điện ảnh Việt sẽ về đâu?
Những gì đang thấy của điện ảnh Việt Nam hôm nay không cho phép người trong giới và những ai quan tâm có cái nhìn lạc quan
Thị trường điện ảnh đang ngày càng mở rộng. Hệ thống rạp chiếu hiện đại đang thi nhau mọc lên ở các đô thị lớn trong nước bằng vốn đầu tư xây dựng của tư nhân – một thực tế mà cách đây 15 năm, những người lãnh đạo ngành điện ảnh Việt Nam không tìm ra giải pháp. Hệ thống rạp chiếu mở rộng nên nguồn thu bán vé của các phim Việt ra rạp nếu ăn khách bảo đảm khả năng thu hồi vốn và có lãi cao. Đây là cơ sở để nền điện ảnh Việt Nam phát triển mạnh mẽ, trở thành nền công nghiệp mang lại lợi ích cả về kinh tế lẫn văn hóa cho nước nhà. Thế nhưng, những gì mà ta đang thấy của điện ảnh Việt Nam hôm nay không cho phép người trong giới và những ai quan tâm có cái nhìn lạc quan.
Hai thái cực
Rất dễ dàng nhận ra điện ảnh Việt Nam đang phân chia thành 2 thái cực: điện ảnh phía Bắc làm phim tạm gọi nghệ thuật, còn điện ảnh phía Nam làm phim hoàn toàn thương mại. Sở dĩ gọi phim của phía Bắc là nghệ thuật bởi yếu tố làm nghề được coi trọng, tính sáng tạo và ngôn ngữ điện ảnh có trong tác phẩm. Còn phim thương mại của phía Nam thuần túy là kinh doanh, làm những gì có thể câu khách, thu được nhiều tiền mà không cần quan tâm đến tính học thuật, trình độ tay nghề, giá trị nhân văn… của tác phẩm nghệ thuật.
Điều nghịch lý là thị trường điện ảnh ngày càng mở rộng nhưng những bộ phim của điện ảnh phía Bắc lại khó chen chân vào. Phim “Người trở về” được người trong giới và báo chí khen ngợi nhưng không được chiếu thương mại rộng rãi trên các rạp cả nước.
“Quyên” của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, nếu không của BHD sản xuất cũng sẽ khó có cơ hội trụ lại dài ngày ở hệ thống rạp chiếu của BHD. Trước đây, “Những người viết huyền thoại” dù được hệ thống rạp chiếu này ưu ái, tạo điều kiện phát hành nhưng doanh thu cũng chỉ là con số nhỏ nhoi, bất chấp đó là phim được nhiều giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam. Phim “Đập cánh giữa không trung” sau khi chu du các liên hoan phim quốc tế trở về vẫn chưa có cơ hội ra rạp chiếu. Rõ ràng, tính thương mại không có trong những bộ phim của điện ảnh phía Bắc dù được làm bằng vốn tài trợ của nhà nước hay là dự án phim độc lập.
Tính thương mại ở đây không hiểu như kiểu của điện ảnh phía Nam là câu khách bằng mọi cách, mọi giá. Phim của điện ảnh phía Bắc làm không nhắm đến nhu cầu thưởng thức của công chúng rộng rãi nên khó bán vé. Cũng làm đề tài chiến tranh nhưng phim Mỹ, thậm chí Hàn Quốc, rất ăn khách. Tất nhiên, phim đề tài chiến tranh của Việt Nam làm bằng vốn tài trợ của nhà nước cũng chỉ “liệu cơm gắp mắm” trong số kinh phí được cấp quá ít ỏi nên muốn có cảnh chiến tranh ác liệt để có thể hấp dẫn người xem như phim Mỹ, phim Hàn là điều quá khó.
Vì vậy, những bộ phim của điện ảnh phía Bắc ra đời ít ỏi mỗi năm chỉ để phục vụ nhiệm vụ chính trị là chính. Chúng được chiếu ra mắt trong các ngày lễ, sau đó phát hành trong quân đội, chiếu miễn phí lưu động cho dân nghèo nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Vì mục đích phục vụ các đợt sinh hoạt chính trị nên dòng phim này vẫn không thể vươn tới thị trường điện ảnh. Nó trở thành dòng chảy riêng không mang yếu tố cạnh tranh và không góp phần điều chỉnh thị hiếu người xem ở thị trường này.
Thị trường điện ảnh tại Việt Nam nhiều năm qua chỉ là sân chơi của phim ngoại và phim thương mại của các hãng tư nhân khu vực phía Nam. Dòng phim thương mại này đang bùng nổ khiến thị trường điện ảnh trong nước ngày càng sôi động, thu hút nhiều nhà đầu tư với kinh phí sản xuất từ nguồn vốn của tư nhân lên đến hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Thế nhưng, người làm nghề và khán giả yêu thích điện ảnh đi xem hàng loạt bộ phim Việt ra rạp thời gian qua – như: “Tèo em”, “Để Hội tính”, “Sơn đẹp trai”, “Lật mặt”, “Thám tử Hên-ry”, “Cầu vồng không sắc”, “Bộ ba rắc rối”, “Kung fu phở”, “Hy sinh đời trai”… – đều nhận xét rằng họ không thể nhận ra đó là tác phẩm điện ảnh.
Ai định hướng sáng tác?
Thời gian gần đây, có những phim thương mại ra rạp đã đạt mức doanh thu 100 tỉ đồng, theo các nhà phát hành. Lợi nhuận thu về quá lớn cho nhà sản xuất sau thời gian ngắn đầu tư của một số bộ phim thương mại đã cuốn nhiều người tham gia vào thị trường đang hái ra tiền này.
Ai cũng có thể trở thành nhà sản xuất phim, đạo diễn phim dù có biết nghề hay không. Ca sĩ, người mẫu, diễn viên hài, “hot girl” đều thành nhà sản xuất phim. Chỉ với một câu chuyện đậm chất hài, có yếu tố câu khách, nhà sản xuất mời nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tham gia các vai diễn lớn nhỏ để lấy tên quảng cáo là có thể thành phim ăn khách.
“Điệp vụ 3 Lờ” của nhà sản xuất – ca sĩ Thủy Tiên vừa họp báo ra mắt đoàn làm phim mới đây đã gây tranh cãi bởi cái tên bộ phim nghe rất phản cảm. Dù phía nhà sản xuất giải thích “3 Lờ” không hàm nghĩa phản cảm như mọi người nghĩ nhưng ai cũng thừa hiểu đây là cách đặt tên nhằm câu khách rất đặc trưng của những bộ phim thương mại lâu nay.
Dự án phim “Vòng eo 56” được giới thiệu là phim điện ảnh đầu tay do Ngọc Trinh sản xuất và đóng vai chính, cuối cùng cũng đã có những cảnh quay đầu tiên tại Đồng Tháp. Trước đó, dự án phim này cũng được PR (quảng cáo) rầm rộ là câu chuyện thật về cuộc đời Ngọc Trinh, từ cô gái quê, nghèo khó, thất học trở thành người mẫu thành đạt, giàu có, với biệt danh tự phong “nữ hoàng nội y” như bây giờ.
Phim “Vòng eo 56” khi còn là dự án đã gặp phải sự chỉ trích của công luận, trong đó có báo chí nhưng rồi chẳng ai thay đổi được gì khi người quyết định sản xuất là nhà đầu tư. Đạo diễn Cường Ngô tránh búa rìu dư luận nên rút lui khỏi dự án này, lập tức đạo diễn Vũ Ngọc Đãng thế chỗ ngay sau đó.
Sau thất bại thảm hại của phim “Hy sinh đời trai”, đạo diễn Lưu Huỳnh đã phải lên báo phân bua, đổ lỗi cho nhà sản xuất, diễn viên… và cay đắng tuyên bố anh sẽ quay lại với sở trường của mình, như đã từng làm: “Áo lụa Hà Đông”, “Huyền thoại bất tử”, “Lấy chồng người ta”… Thời buổi làm phim “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” này, mấy người còn biết sĩ diện với dân trong nghề như anh.
Những tên tuổi được đào tạo bài bản tại các nền điện ảnh lớn của thế giới ôm hoài bão trở về Việt Nam để thực hiện những giấc mơ điện ảnh của mình cũng bị thương mại hóa nhanh chóng chỉ sau 1-2 phim nghệ thuật đầu tay làm lấy tiếng. Họ chấp nhận “đốt sách” để làm theo ý muốn kiếm tiền bằng mọi giá của nhà sản xuất.
Điện ảnh Việt Nam đang rơi vào tình trạng làm phim không đòi hỏi đội ngũ có trình độ học thuật, tay nghề được đào tạo từ trường lớp. Diễn viên không cần phải tốt nghiệp diễn xuất từ các trường điện ảnh. Đó là nguy cơ gây rối loạn về định hướng sáng tác, dẫn đến phá sản chiến lược đào tạo con người cho nền điện ảnh Việt Nam phát triển căn cơ và lâu dài.
NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.