Điện Biên – điểm hẹn của tháng 5 lịch sử
Những ngày này, hàng triệu con tim của người dân đất Việt đều hướng về mảnh đất Điện Biên lịch sử. Những du khách ở nhiều lứa tuổi, trong đó có nhiều người sinh ra chưa hề biết đến chiến tranh và họ chọn Điện Biên là điểm đến với tấm lòng tri ân trước những hy sinh, cống hiến của cha anh. Và đây cũng là điểm hẹn ý nghĩa mỗi tháng 5 về của những cựu chiến binh, những con người mà năm xưa từng xả thân để làm nên một chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”.
Dọc theo Quốc lộ 6 là những đoàn xe cắm cờ, khẩu hiệu nối nhau hướng về thành phố Điện Biên Phủ. Trên đại lộ Võ Nguyên Giáp xuyên suốt thành phố phấp phới cờ hoa, biểu ngữ; các điểm di tích lịch sử nhộn nhịp du khách thập phương. Một trong những điểm dừng chân đầu tiên của du khách khi đến với Điện Biên là Nghĩa trang A1 – nơi nằm lại của 644 liệt sĩ, những người đã không trở về trong cuộc chiến 56 ngày đêm ròng rã năm xưa. Vào những ngày này, nơi đây luôn tràn ngập hương hoa tỏa ngát và dòng người lặng lẽ với những lời cầu nguyện an lành…
Hòa trong dòng người viếng Nghĩa trang A1, chúng tôi gặp cựu chiến binh Nguyễn Thế Vinh của Tiểu đoàn 383 năm xưa. Ông sinh năm 1933, trở về với đời thường ông là nhạc sĩ, phó giáo sư, nguyên Phó giám đốc Nhạc viện Hà Nội. Trong Chiến dịch Điện Biên, ông chính là người có sáng kiến cứu pháo sau đó lập tức được phổ biến toàn đơn vị, trở thành bài học kinh nghiệm cứu pháo trong những tình huống hiểm nghèo.
Ông Vinh bồi hồi chia sẻ: Tôi đã lên đây nhiều lần trong những dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng lần kỷ niệm 60 năm này, Điện Biên Phủ thật huy hoàng, tráng lệ… Cho đến bây giờ, Điện Biên luôn mãi trong ký ức của tôi. Sau 10 năm trở lại, tôi rất mừng vì được gặp lại đồng đội cũ hiện sinh sống ở thành phố Điện Biên, như bác Cừ ở tiểu đoàn 394 – tiểu đoàn của Anh hùng Tô Vĩnh Diện. Và khi gặp lại chiến sĩ đồng đội đã hy sinh, những người bạn cùng chung chiến hào năm xưa, tôi không kìm nén được cảm xúc. Qua nén hương thơm, chỉ biết cầu mong các anh luôn yên giấc. Tổ quốc, đồng bào luôn nhớ và biết ơn sự hy sinh của các anh.
Giữa cái nắng oi ả của buổi trưa hè, khi những đoàn khách viếng thăm đã vãn, có một người phụ nữ mặc bộ Cóm màu hồng (váy áo của dân tộc Thái) vẫn ngồi bên cạnh ngôi mộ nằm phía cuối nghĩa trang. Gặng hỏi mãi chị mới trả lời với giọng nói nghẹn ngào nước mắt. Chị là Cầm Thị Liên, ở xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Cách đây 60 năm, ông bà và các bác trong gia đình chị đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và trong đó có người đã hy sinh tại đây. Lần này chị cho con gái đi cùng với mong muốn cho cháu hiểu rõ hơn về sự hy sinh, mất mát vì nền độc lập của đất nước của thế hệ cha ông đi trước. “Tôi mong cháu biết phấn đấu trong học tập, biết trân trọng cuộc sống hòa bình và phải sống có ý nghĩa. Đặc biệt, đừng bao giờ quên sự hy sinh của cha anh”, chị Liên bùi ngùi nói.
Cách Nghĩa trang A1 không xa là di tích đồi A1- điểm cao cuối cùng trực tiếp che chở cho Sở chỉ huy quân Pháp và được ví như “chìa khóa” của cả Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Địch đã bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự kiên cố, vững chắc. Trận tiến công cứ điểm trên đồi A1 là một trong những trận đánh oanh liệt nhất của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ… Chúng tôi gặp rất nhiều đoàn khách là những cựu chiến binh, có cụ không tự đi được một mình phải chống gậy hoặc phải có người dìu, nhưng qua cách trò chuyện các cụ đều bộc lộ niềm vui, sự hồ hởi bởi vì các cụ được thỏa ước nguyện trở lại thăm mảnh đất lịch sử.
Cụ Phan Huy Gia, ở xã Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc xúc động kể lại: Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi là Đội trưởng đội Quân y, Trung đoàn 675. Sau 60 năm, tôi mới có dịp trở lại nơi đây cùng với mọi người trong đoàn cựu chiến binh của tỉnh Vĩnh Phúc. Tôi hết sức vui mừng phấn khởi vì sự đổi thay của thành phố này. Trước đây, xung quanh khu vực đồi A1 là đất hoang, mà bây giờ lại có con đường lớn, trải dài mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khiến tôi thật sự ngỡ ngàng. Tôi cũng như những đồng đội khác rất tự hào mình là người lính cụ Hồ tham gia trực tiếp trong trận đánh hào hùng năm xưa.
Cái nắng đầu hè càng gắt gao hơn, chúng tôi tiếp tục theo chân chị Lê Thị Dung – thuyết minh viên của Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên đến với căn hầm của Đờ Cát nằm ở trung tâm lòng chảo Điện Biên Phủ. Chỉ tay về phía căn hầm, chị Dung nói một chất giọng thanh sáng đầy cảm xúc khiến ai nghe cũng bị cuốn hút. Trong chiến dịch, xung quanh hầm là những hàng rào dây thép gai và những bãi mìn dày đặc, bốn góc là 4 chiếc xe tăng và phía tây là một trận địa pháo bảo vệ. Hầm dài 20m và rộng 8m, chia làm bốn ngăn, là những phòng làm việc và nghỉ ngơi của Bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Tại căn hầm này, tướng Đờ Cát đã tiếp đón nhiều quan chức cấp cao của Anh, Pháp, Mỹ và các nhà báo lên thăm Điện Biên Phủ. Đúng 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, đồng chí Tạ Quốc Luật, đại đội trưởng Đại đội 360, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 dẫn đầu đơn vị, chiếm hầm Đờ Cát, bắt toàn bộ Bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm ra hàng, kết thúc Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Đây chính là bằng chứng và là mốc đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân Pháp ở nước ta. Hiện căn hầm này đã được tôn tạo lại bằng những vật liệu bền vững và có mái vòm bảo vệ.
Lần đầu tiên đến với mảnh đất Điện Biên lịch sử, em Vũ Thị Ninh, sinh viên Trường Đại học Ngoại Thương đến từ Hà Nội cho biết: Trước đây, chúng em chỉ biết đến Điện Biên Phủ qua những trang lịch sử. Đây là lần đầu tiên em và vài người bạn cùng trường đến Điện Biên. Sau khi tham quan và nghe về lịch sử khu di tích hầm Đờ Cát chúng em thực sự cảm phục và biết ơn về sự hy sinh anh dũng của cha ông trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Là thế hệ trẻ, chúng em nguyện sẽ học tập thật tốt, để mai sau cống hiến, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm cả địa cầu “chấn động” nhờ tinh thần chiến đấu quả cảm, anh dũng, không ngại hy sinh của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu kéo dài 56 ngày đêm máu lửa. Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp xâm lược của quân và dân ta. Gần 60 năm qua đi, nhưng những chiến tích của cuộc chiến vẫn còn đó như một chứng nhân lịch sử mà mỗi khi du khách đến thăm thành phố Điện Biên đều không thể bỏ qua. Đó cũng chính là những hình ảnh làm sống lại những trang sử hào hùng để những thế hệ mai sau, những người chưa từng biết đến chiến tranh thêm trân trọng và gìn giữ truyền thống quý báu của cha anh.
Nguồn QDND.VN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.