Điện Biên Phủ, những ký ức còn mãi với thời gian
Điện Biên hôm nay vươn mình trở thành một thành phố trẻ hội nhập, nhưng vẫn lưu giữ được trong mình những câu chuyện đầy giá trị về một thời đạn bom.
63 năm về trước, chảo lửa Điện Biên Phủ chỉ là cảnh tượng hoang tàn, đổ nát chìm trong khói bom và những đau thương mất mát của cuộc chiến trường kỳ với thực dân Pháp xâm lược. Còn giờ đây, mảnh đất bom đạn ngày nào đã trở thành thành phố trẻ vươn mình hội nhập, mà vẫn lưu giữ được những chứng tích, những câu chuyện đầy giá trị về một thời đạn bom.
Như tiếng chuông lịch sử vang mãi với tiếng lửa của thời gian, nhắc nhở các thế hệ sinh ra trong hòa bình trân trọng những công lao của các thế hệ cha anh đi trước, ngã xuống để dựng xây nên hòa bình, phát triển hôm nay.
63 năm trở lại chiến trường xưa, cựu chiến binh Phạm Thắng vô cùng xúc động trước đổi thay của mảnh đất Điện Biên. |
Thành phố Điện Biên Phủ những ngày đầu tháng 5 trở nên náo nhiệt hơn, bởi dòng người từ khắp muôn phương đổ về thăm lại chiến trường xưa. Nơi mà 63 năm về trước quân và dân ta đã làm nên chiến thắng vang dội đi vào lịch sử 5 châu, chấn động địa cầu. Hòa trong dòng người tấp nập đó là những màu xanh áo lính đã bạc theo thời gian. Họ là những cựu chiến binh của chiến trường Điện Biên Phủ ngày nào giờ trở lại thăm chiến trường xưa. Đối với họ từng tấc đất, từng chiến hào, từng lô cốt đều thấm đẫm những kỷ niệm của một thời hoa lửa hào hùng.
63 năm mới có dịp trở lại chiến trường xưa, nhưng trong tâm trí cựu chiến binh Phạm Thắng, nguyên là chiến sỹ trung đoàn 102, Trung đoàn thủ đô, thuộc Đại đoàn 308 vẫn nhớ như in giây phút sinh tử khi cùng 11 đồng chí trong tiểu đội vác bộc phá lên đồi A1.
Đối với thực dân Pháp, đồi A1 là “Cối xay thịt”, còn đối với ông Thắng, đồi A1 là nơi tưởng niệm những đồng đội của ông mãi mãi ra đi, bởi mỗi ngày ở đó có hàng trăm chiến sỹ đã hy sinh dưới pháo đạn, bom mìn của quân thù. Trong tâm trí, ông không bao giờ quên cảnh tượng vác bộc phá đi dọc chiến hào và vấp phải những mảnh xác người vẫn còn vương vãi vì bom, mìn, trong đó có cả đồng đội của mình. Tiểu đội ông khi đó đi lên 11 người, thì 9 người mãi mãi không trở về.
Đến hôm nay, sau 63 năm mới trở lại chiến trường xưa, ông chỉ biết lặng nhìn những đổi thay của mảnh đất Điện Biên anh hùng: “Tôi không thể tưởng tượng được đồi A1 ngày hôm nay khác xa với đồi A1 63 năm trước. Đồi A1 63 năm trước toàn là đất đỏ cày xới lên và bộ đội ta đi dọc chiến hào lên. Cứ 10 người hy sinh thì 10 người khác lên thay. Tiểu đội tôi lên 11 người thì chết 9. 85 tuổi được trở lại chiến trường xưa, được đứng trên ngọn đồi A1 này tôi phải thực sự cám ơn những người bà con của mình đã lên xây dựng Điện Biên, để Điện Biên có được ngày hôm nay. Và cũng nhân dịp này tôi muốn chia sẻ với vong linh các đồng đội của tôi đã hy sinh, các đồng chí hãy về nhìn cảnh tượng này. Và bà con nhân dân đến thăm quan ở đồi A1 hãy nhớ rằng, đồi A1 này hàng trăm, hàng nghìn chiến sỹ ta đã hy sinh để có được ngày hôm nay”.
Nếu như trên mặt đất, bộ đội chủ lực băng chiến hào trực tiếp đánh trả quân địch, thì dưới các hầm ngầm có một lực lượng vô cùng quan trọng trong chiến dịch vẫn âm thầm vừa cầm súng chiến đấu vừa chăm sóc vết thương cho thương binh. Đó là lực lượng quân y đường hầm.
Ông Bùi Văn Đáp, cựu chiến binh lực lượng quân y đường hầm ngày nào giờ vẫn khắc sâu trong tâm trí giây phút chữa trị cho một bệnh nhân nữ được mổ vết thương lồng ngực chuyển sang khu Trung thương của ông. Nhưng do bệnh nhân khó thở, lại không còn thuốc nên cả đêm ấy, 5 người trong kíp trực lại ngồi thay nhau làm chỗ tựa cho bệnh nhân dễ thở và động viên tinh thần. Nhưng cuối cùng vẫn không thể cứu được bệnh nhân ấy. Rồi mỗi ngày trôi qua, ông Đáp lại phải chứng kiến những người đồng đội của mình lần lượt ra đi trong xót xa, thầm tiếc vì ở điều kiện chiến tranh, không có đủ thuốc men, thiết bị để cứu chữa cho bệnh nhân, trong khi những vết thương của bệnh nhân về từ chiến trường thì quá nặng.
Dù tuổi cao song cựu chiến binh Bùi Văn Đáp vẫn thường xuyên dành thời gian cùng con cháu đến thắp hương cho các đồng đội tại các nghĩa trang anh hùng liệt sỹ trên địa bàn. |
Cựu chiến binh Bùi Văn Đáp bồi hồi kể lại: “Công việc hàng ngày của tôi là điều trị, khám xét, cắt lọc vết thương. Nếu không cắt lọc vết thương thì rửa vết thương. Ngày nào cũng như ngày nào, cứ khoảng 14 giờ tôi còn phải làm danh sách chuyển thương binh về tuyến sau. Đến 17 giờ lại nhận thương binh ở mặt trận về và tiếp tục chuyển thương binh cũ đi. Ước lượng mỗi một đêm như thế chuyển vào khoảng 100 thương binh. Khi đó một người phải làm việc bằng 3, bằng 4, thậm chí bằng 5 người ở địa phương, thế cho nên hầu hết cán bộ quân y ngày đêm không có lúc nào được ngủ. Chỉ tranh thủ ngủ gật được lúc nào thì ngủ và thức liên tục trong 56 ngày đêm. Đến ngày 56 giải phóng thì ai cũng sung sướng”.
Đối với mỗi người con trên mảnh đất Điện Biên, những ngày tháng 5 lịch sử bao giờ cũng tràn đầy ý nghĩa. Và ở bất cứ đâu trên mảnh đất này, chúng ta cũng có thể được nghe những câu chuyện như thế. Những câu chuyện về sự đánh đổi tuổi thanh xuân, hạnh phúc riêng và máu xương cho mảnh đất này. Và để giành được chiến thắng vinh quang như ngày hôm nay, ngoài sự kiên cường trong chiến đấu còn có niềm tin tuyệt đối, sự lạc quan, yêu đời của các cựu chiến binh dẫu trong hoàn cảnh sợi dây nối giữa sự sống và cái chết mong manh nhất.
63 năm đã đi qua, nhưng những ký ức của các cựu chiến binh Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Họ, những con người đã đi vào lịch sử của dân tộc, nhưng ngọn lửa cháy trong mình vẫn hừng hực khí thế. Để mỗi du khách đến Điện Biên hôm nay được chứng kiến sự đổi thay của mảnh đất lửa và lắng nghe những dòng tâm sự này sẽ không khỏi xúc động và không bao giờ quên lịch sử. Dẫu thời gian vẫn từng ngày trôi qua, người còn – người mất, thì những câu chuyện của họ vẫn sẽ còn mãi như lời khẳng định rằng chúng ta luôn hướng tới tương lai, nhưng không bao giờ quên lịch sử!/.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.