Điệu múa Khmer Bảy Núi

Về Bảy Núi (An Giang), những ngày lễ hội, khi đã hòa mình vào tiếng nhạc, tiếng trống, tiếng đàn của những cung bậc dàn ngũ âm dân tộc cũng là lúc những cô gái, chàng trai đồng bào Khmer vận những chiếc áo, quần đẹp mắt bắt đầu những vũ điệu đặc sắc.


Tiết mục biểu diễn múa truyền thống Khmer trong lễ hội văn hóa tại An Giang.

Dẫu cuộc sống còn nhiều bộn bề lo toan vất vả, thế nhưng khi tiếng nhạc, tiếng ngũ âm vang lên, bà con dân tộc Khmer Bảy Núi trở thành những con người hoàn toàn khác. Họ hăng say, yêu đời và đắm mình trong âm nhạc, vũ điệu dân tộc. Đã rất nhiều lần tôi được chiêm ngưỡng những vũ điệu của các cô gái, chàng trai Khmer trong các dịp lễ, Tết, thế nhưng lần nào cũng không thể rời mắt bởi nét độc đáo và cuốn hút lạ thường.

Điệu múa của bà con Khmer không những thu hút bằng các động tác tay, chân, hình thể mà còn là hoạt động mang tính tập thể cao, tính cộng đồng cùng sinh hoạt. Múa của đồng bào Khmer không bao giờ lẻ loi từng cặp mà nó là cộng đồng tập thể hòa cùng tạo thành tổng thể cấu trúc. Vào những dịp lễ hội cổ truyền như Tết Chol-Thnam-Thmây, Dol-ta, Oc-Om-book… những làn điệu răm-vông, sa-ra-vanl hay các điệu lăm-lêu… đều được trai gái hòa nhịp rộn ràng. Điệu thức đơn giản nhưng cấu trúc tinh tế, những cái xòe tay, cong duỗi đôi chân, nhún vai… đều thật gọn gàng và hòa nhịp. Múa phải tập thể và chung trong một sân khấu rộng không cần cầu kỳ tựa như sân vườn, bãi cỏ, hiên nhà… cũng thành một sàn múa hát thật đầm ấm, vui tươi.

Giờ đây, khi văn hóa giữa các dân tộc dần hội nhập, những lễ hội truyền thống các dân tộc đã được các địa phương tiến hành phục dựng, đào tạo, kế thừa nhằm giữ gìn sự đa dạng của nghệ thuật văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em. Chính điều đó đã giúp múa hát dù-kê, răm-vông, sa-ra-vanl hay các điệu lăm-lêu… của đồng bào Khmer An Giang nói riêng, Nam Bộ nói chung dần hồi phục trong lễ hội và những tiệc cưới trong các gia đình, phum, sóc…

Nguồn Báo Nhân Dân Online