Đoàn công tác Quốc hội thị sát hiện trường dự án cao tốc Bắc–Nam phía Đông
Trong hai ngày 4 và 5-6, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế (UBKT) Quốc hội do Phó Chủ nhiệm UBKT Quốc hội Nguyễn Đức Kiên dẫn đầu đã đi thị sát hiện trường dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh để phục vụ công tác thẩm tra Dự án cao tốc Bắc – Nam. Tham dự có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, cùng đại diện các lãnh đạo các địa phương liên quan. |
Tại hiện trường, đoàn công tác đã khảo sát tại các vị trí nút giao, điểm kết nối của tuyến cao tốc Bắc – Nam với các tuyến đường như: Nút giao qua xã Mai Sơn (huyện Yên Mô, Ninh Bình), điểm kết nối tuyến QL217, QL47, Tỉnh lộ 513 (qua Thanh Hóa), QL7 và QL46B (qua Nghệ An), nút giao Bãi Vọt với QL 8, đoạn qua Sông Lam (Hà Tĩnh). Dựa trên hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cũng như hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần đã được nghiên cứu trước đây, đoàn công tác đã kiểm tra, đối chiếu với thực tế tại hiện trường, đánh giá tính khả thi, khả năng kết nối với các khu kinh tế, các trung tâm kinh tế – chính trị, các trục đuờng hiện tại của các dự án thành phần giai đoạn phân kỳ, nhằm đánh giá hiệu quả của từng dự án cũng như các dự án giai đoạn phân kỳ.
Theo thông tin của Bộ GTVT, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Hội đồng thẩm định Nhà nước đã thẩm định, báo cáo Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo quy định của Luật đầu tư công đối với dự án quan trọng quốc gia. Ngày 30-5 vừa qua, Chính phủ đã có tờ trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án gửi tới Quốc hội. Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông có điểm đầu tại nút giao Cao Bồ (điểm cuối cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình) thuộc địa phận huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Điểm cuối dự án tại nút giao Dầu Giây (điểm cuối cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây), thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Dự án có chiều dài khoảng 1.372km, đi qua 16 tỉnh, thành phố: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đồng Nai. Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư toàn dự án với quy mô hoàn chỉnh khoảng 312.435 tỷ đồng. Giai đoạn 1 (2017 – 2025) khoảng 243.312 tỷ đồng, trong đó: giai đoạn 2017 – 2020 sẽ đầu tư 713 km các đoạn có nhu cầu vận tải lớn (gồm đoạn Mai Sơn – Bãi Vọt, đoạn Cam Lộ- La Sơn và đoạn Nha Trang – Dầu Giây; đồng thời mở rộng đoạn Cao Bồ – Mai Sơn và đoạn La Sơn – Túy Loan từ 2 làn xe lên 4 làn xe cao tốc), dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 130 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2021 – 2025 sẽ đầu tư 659 km các đoạn còn lại để nối thông cao tốc Bắc – Nam, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 113 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn sau năm 2025, tuỳ thuộc nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực, sẽ thực hiện mở rộng theo quy mô quy hoạch được duyệt. Theo ý kiến của Phó Chủ nhiệm UBKT Quốc Hội Nguyễn Đức Kiên và thứ trưởng Nguyễn Nhật: Dự kiến từ nay đến 2020, đường cao tốc đoạn phía Bắc có thể hoàn thành và kết nối đến Bãi Vọt (Hồng Lĩnh). Việc kết nối cao tốc tại Bãi Vọt giao với QL 8 sẽ tạo thuận lợi cho phát triển mạng lưới giao thông cho cả vùng cùng với nước bạn Lào thông qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và cảng nước sâu Vũng Áng như thỏa thuận giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào. Theo ý kiến của Phó Chủ nhiệm UBKT Nguyễn Đức Kiên, việc cân đối nhu cầu, nguồn lực để lựa chọn điểm phân kỳ giai đoạn 2017 – 2020 phía Bắc tại QL 8 (Bãi Vọt) là phù hợp và có cơ sở. Trong quá trình triển khai các bước tiếp theo, nếu cân đối được nguồn vốn nên ưu tiên nghiên cứu đầu tư đoạn tiếp theo từ Bãi Vọt đi Vũng Áng và kết nối đến Bùng (Quảng Bình). Từ Bùng đường cao tốc phía Đông sẽ trùng với đường cao tốc phía Tây (đường Hồ Chí Minh) để cơ bản thông tuyến cao tốc (phía Bắc) từ Lạng Sơn vào đến Quảng Ngãi….đây là thẩm quyền của Chính phủ và Bộ GTVT sau khi Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư. Ngoài ra, việc triển khai cao tốc Bắc – Nam đoạn Cao Bồ – Bãi Vọt ở phía Bắc đồng thời cũng thể hiện quan điểm của Việt Nam thực hiện cam kết của hai chính phủ Việt Nam và nước bạn Lào về đầu tư dự án đường bộ cao tốc Viêng Chăn – Hà Nội. Đoàn công tác mong muốn lãnh đạo các địa phương tập trung vào công tác GPMB và bảo đảm an ninh trật tự để các gói thầu của Dụ án đường cao tốc phía Đông được triển khai nhanh nhất trong điều kiện có thể. Có như vậy sẽ phát huy được hiệu quả kinh tế – xã hội, tạo điều kiện kết nối và phát triển liên vùng cũng như tạo điều kiện cho hàng hóa nước bạn Lào thông qua Cảng Vũng Áng lưu thông được thuận lợi hơn. |
Nguồn Nhân dân
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.