Doanh nhân trước thềm năm mới: Nhận diện và tự tin

Năm 2012 có thể nói là năm sàng lọc doanh nghiệp – doanh nhân (DN-DN) về mọi mặt, từ bản lĩnh đến trí tuệ, từ đạo đức đến tham vọng… và những doanh nhân còn “ký tên đóng dấu” trong những ngày đầu năm 2013 có thể nói là những người đã chịu đựng được những cơn  lốc quay cuồng trên thương trường những năm qua.

Bước vào năm 2013 được dự báo là năm những khó khăn chung do hậu quả “chiến trường” thế giới và trong nước của những năm trước để lại vẫn còn tác động xấu vào đội ngũ DN-DN hiện tại rất mạnh mẽ. Do đó không chỉ doanh nhân phải nỗ lực hết mình, mà Chính phủ và các cơ quan công quyền cần phải thực hiện vai trò, trách nhiệm “hậu cần”, chi viện “hỏa lực”… một cách nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời, đúng địa chỉ để giúp “người lính xung kích” vượt qua cửa ải, các trở ngại, tiến nhanh đến mục tiêu là duy trì phát triển doanh nghiệp bền vững với tốc độ phù hợp, có thể đương đầu với mọi “sóng gió” thương trường.

Trong dòng chảy kinh tế, có nhiều ý kiến tỏ ra bi quan về đội ngũ doanh nhân Việt Nam và thường đổ lỗi cho Nhà nước. Điều này theo tôi thấy chưa thật thỏa  đáng, chưa khách quan, chưa thuyết phục.
Doanh nhân (nhà buôn), nhà sản xuất… cũng là một nghề gọi là nghề “kinh doanh”; như vậy thì doanh nhân phải có tay nghề (kinh nghiệm quản lý) cao, muốn có nhiều kinh nghiệm phải xông vào thực tế làm việc mà trải nghiệm trong sự thành – bại vốn là quy luật.

          

csdfs
Với quy trình sản xuất – xuất khẩu khép kín, năm 2013 Công ty cổ phần Gò Đàng phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 40 triệu USD. Ảnh: T.T

Dưới góc độ lịch sử thì sự ra đời và phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam so với thế giới vốn ngắn hơn rất nhiều. Dưới góc độ kinh tế học thì từ lý thuyết đến thực tiễn là một khoảng cách, dù đó là sự bổ trợ cơ bản, cần thiết.

Ví dụ như vào tháng trước, tôi nghe một vị tiến sĩ kinh tế nói chuyện, phía dưới là hàng trăm doanh nhân “há miệng” nghe ông nói chuyện về triển vọng đầu tư năm 2013, khó khăn, thuận lợi… nhưng đến khi kết luận ông nói: “Đây là nhận định, đánh giá của tôi, quý vị nghe rồi suy nghĩ, về đừng vội làm theo, kẻo thua lỗ, thất bại tôi không chịu trách nhiệm đâu, chuyên viên như chúng tôi nói giỏi nhưng làm thường thất bại”.

Ông còn đùa: “Vợ tôi đã từng nghe tôi đi đầu tư chứng khoán và bị thua lỗ thảm bại”. Điều đó cho thấy là quy luật kinh tế thị trường tuy rất khách quan, nhưng vai trò chủ quan của doanh nhân có tính chất quyết định.

Có thể thấy qua việc vận dụng các chính sách vĩ mô, việc xử lý tình huống trước thời tiết, thảm họa thiên nhiên, chiến tranh, tranh chấp giữa các thế lực chính trị, thần quyền… những vấn đề không lường trước hoặc lường trước chưa hết cũng là yếu tố quan trọng để doanh nhân cần tính đến khi xây dựng và thực hiện dự án. Đó là chưa kể đến yếu tố văn hóa của khách hàng…

Trở lại vấn đề lịch sử, trên bình diện truyền thống gia đình hoặc nói bằng ngôn nữ văn hóa thì đó là nghiệp tổ. Đây là yếu tố có tính di truyền, là tài sản vô hình, chính nó làm nên giá trị và nền tảng bản lĩnh doanh nhân. Điều này càng được chứng minh trước mỗi trận “phong ba, bão táp”. Vì vậy, trong cơ chế thị trường thì yếu tố nhà nước chỉ là một trong nhiều yếu tố quyết định sự thành đạt của doanh nhân mà thôi.

Bằng chứng là trong thời gian qua không thiếu những doanh nghiệp thất bại nhưng cũng không thiếu doanh nghiệp thành công rực rỡ;  song vì trong tình hình chung họ chẳng dại gì phô trương.Những kiểu làm le, phô trương giàu có đối với những doanh nhân thật sự có tài, có đức thành đạt bằng trí tuệ, sức lực của mình thì quả là xa lạ. Từ bình diện đó, nhìn vào năm 2013, ngay cả Chính phủ có chính sách hỗ trợ thì những khó khăn của chứng khoán, bất động sản cũng chỉ “nhúc nhích” chứ chưa có cơ sở căn bản để phát triển.

Còn đối với thị trường xuất khẩu của nước ta vẫn rất đáng lạc quan dù có thể tăng trưởng không cao, vì hàng xuất của chúng ta tuy giá trị không cao, hàm lượng khoa học kỹ thuật không nhiều nhưng đa số là mặt hàng thiết yếu bắt buộc cho ăn mặc, sinh sống hàng ngày nên dù có suy giảm thu nhập thì vẫn không thể từ bỏ được; hơn nữa những mặt hàng này phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, nếu thiên nhiên biến đổi thì tác động ngay đến sản lượng, từ đó giá cả cũng biến đổi theo. Đó là những thuận lợi và khó khăn, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tính tới.

          

szd
Cùng với dự báo thị trường năm 2013, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đang chuyển hướng nâng chất lượng để tăng giá trị.

Đối với doanh nghiệp đã đầu tư cho phương tiện và máy móc, thiết bị với vốn lớn trong những năm qua, nay cần được hỗ trợ giảm lãi suất xuống tương đương với mức dưới 10%/ năm. Đâu là cơ hội giúp doanh nghiệp điều chỉnh giá thành sản phẩm và các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật cho sản phẩm và thu hồi vốn – lời.

Về đầu tư công và các loại đầu tư từ các nguồn vốn ngoài doanh nghiệp Việt Nam rõ ràng có giới hạn. Quy mô thị trường trong nước tăng không cao, song với chính sách vĩ mô là đảm bảo an sinh xã hội  thì chắc chắn thị trường không suy giảm.

Nguồn lực chi tiêu  nội địa chính của dân ta vẫn là nông dân, nông nghiệp (chiếm hơn 70%) do đó nếu không mất mùa, không bị dịch bệnh nặng thì thị trường nội địa sẽ tăng, do đó thị trường nội địa (không kể thị trường nhà đất) sẽ là cứu cánh của doanh nghiệp trong năm 2013. Chân trời đã có ánh sáng dù còn ít “nhưng bão tới thì bão phải qua”, “mưa rồi thì phải tạnh”…

Về thị trường tiêu thụ nội địa, cũng cần chú ý đến giới trẻ trong các nhóm dân cư. Doanh nhân hãy nghĩ đến họ trong chiến lược sản phẩm  hiện tại và tương lai của mình.

Trải qua hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, vấn đề phát triển kinh tế là trung tâm đã mang lại những thành tự lớn lao. Trong thành công đó, điều dễ thấy là chúng ta có nền kinh tế khá mạnh mẽ, năng động; đồng thời chúng ta đã xây dựng, đào tạo được một đội ngũ doanh nhân Việt Nam gần nửa triệu người.

Năm nay xuất hiện nhiều doanh nhân 6X, 7X, 8X thành đạt. Họ sinh ra trong thời bình, được đào tạo học tập bài bản, giỏi ngoại ngữ, năng động, sáng tạo; không ít các em là con cháu doanh nhân thành đạt lớp trước, nên đã được kế thừa từ gien doanh nhân đến kinh nghiệm thực tiễn, lớp doanh nhân trẻ này đang dần thay thế lớp doanh nhân đầu tiên đã quá tuổi “đáo cung đình” sang tuổi “cổ lai hy…”.

Họ chính là niềm hy vọng của chúng ta trong những năm tới. Hy vọng đội ngũ doanh nhân thế hệ này sẽ có nhiều người đủ đức độ tài năng, bản lĩnh tiến ra “chiến trường” thương mại toàn cầu để “đấu” với doanh nhân quốc tế…

Sẽ còn rất nhiều khó khăn chờ đón doanh nhân Việt Nam trong năm 2013, nhưng tôi vẫn tin với những chiến công đã có, với những khó khăn từng gánh chịu kể cả những mất mát đã trải qua, đội ngũ doanh nhân Việt Nam sẽ tự hoàn thiện mình chuyên nghiệp hơn, bản lĩnh hơn. Doanh nhân Việt tâm sáng, chí bền, khó khăn đã trải, gian nan đã từng, năm Quý Tỵ chắc thành công.