Đổi mới thi tốt nghiệp THPT: Nhiều Đại học vẫn phải tổ chức thi thêm

Để đảm bảo nguồn tuyển sinh “đầu vào”, nhiều trường ĐH, CĐ bắt buộc phải tổ chức thêm 1 kỳ thi.

Trong Dự thảo phương án tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia nhấn mạnh đến kết quả của kỳ thi này sẽ được lấy làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Dự thảo phương án này đã khiến nhiều trường ĐH, CĐ, đặc biệt là trường ngoài công lập cảm thấy được “cởi trói” bởi quy định về điểm sàn mà nhiều năm nay Bộ GD-ĐT đưa ra.

 

Mặc dù Bộ GD-ĐT có cho các trường ĐH, CĐ được lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển thì nhiều trường tốp trên hoặc trường có tính chất đặc thù vẫn phải tổ chức thêm 1 kỳ thi để sàng lọc thí sinh (ảnh minh họa)

Thế nhưng, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ có những yêu cầu khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ có mục đích xác nhận trình độ của học sinh nên có bao nhiêu em đạt được trình độ theo yêu cầu thì bấy nhiêu em sẽ được công nhận đỗ tốt nghiệp. Còn kỳ thi ĐH, CĐ mang tính tuyển lựa, số điểm thí sinh đạt được là điểm cạnh tranh theo chỉ tiêu tuyển sinh của mỗi trường.

Nếu như chỉ căn cứ vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để chọn lựa thí sinh vào ĐH, CĐ, nhiều trường sẽ không chọn được thí sinh đạt tiêu chuẩn và phù hợp với trường của mình cũng như chất lượng nguồn tuyển sinh đầu vào. Điều này được thể hiện rất rõ đối với các trường ĐH, CĐ tốp trên (trường có uy tín về chất lượng đào tạo) hay những trường có tính chất đặc thù như: Âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu điện ảnh, thể dục thể thao…

Trước khi có Dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, từ 2 năm nay, Học viện Âm nhạc Huế đã thực hiện Đề án tuyển sinh riêng cho khối ngành đặc thù văn hóa nghệ thuật do Bộ GD-ĐT phê duyệt. Theo đó, thí sinh dự thi vào Học viện không phải thi khối C (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) như những năm trước đây mà thay vào đó là được lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn cộng với điểm trung bình của 3 năm học lớp 12 và điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Trong đó, để được xét tuyển vào Học viện, thí sinh phải có điểm thi môn Ngữ văn thấp nhất là 5.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng

Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế cho biết, nếu chỉ dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh chưa đủ điều kiện để được xét tuyển vào trường mà phải trải qua một kỳ thi Năng khiếu do trường tổ chức.

Còn nếu theo Dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT vừa công bố, Học viện Âm nhạc Huế vẫn phải tổ chức một kỳ thi Năng khiếu nữa thì mới chọn được thí sinh đủ có tiêu chuẩn về âm nhạc, thanh nhạc…

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, đối với một số trường có các ngành đặc thù như: Thiết kế thời trang, mỹ thuật, kiến trúc không chỉ lấy điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh để xét vào trường.

Những trường này có thể tuyển lựa theo cách thức lấy điểm trung bình của 2 môn Toán và Ngữ văn hoặc điểm trung bình của kỳ thi tốt nghiệp THPT kết hợp với cho thí sinh thi thêm môn Vẽ.

Không chỉ có những trường đặc thù phải tổ chức thêm 1 kỳ thi để tuyển chọn thí sinh mà những trường tốp trên có chuyên ngành khác nhau cũng phải thực hiện việc làm này như tổ chức phỏng vấn, viết luận, kiểm tra IQ… Ví dụ như một số trường ĐH thuộc khối Khoa học Tự nhiên không thể chỉ dựa vào kết quả bài thi tích hợp môn Toán, Lý, Hóa của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển thí sinh vào trường mà có thể tổ chức thêm một đợt thi kiểm tra chỉ số IQ hoặc 1 kỳ thi bổ sung kiểm tra năng lực, tư duy của thí sinh. Tương tự, một số trường thuộc khối Xã hội vẫn có thể tổ chức thêm một vòng tuyển chọn năng khiếu viết văn, viết báo, viết tự luận của thí sinh.

GS.TS Phạm Quang Trung, Chủ tịch Hội đồng Tuyển sinh, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, phương án thi 3 chung (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển) tồn tại từ nhiều năm nay đã được xã hội và nhiều trường ĐH, CĐ, trong đó có ĐH Kinh tế Quốc dân đánh giá cao. Thực hiện theo phương án này, nhà trường được rất nhiều lợi thế khi hoàn toàn yên tâm vào đề thi do Bộ GD-ĐT ra.

 

GS.TS Phạm Quang Trung

Từ nhiều năm nay, nhiều trường phải đợi và phụ thuộc vào điểm sàn mà Bộ GD-ĐT công bố thì mới xác định điểm chuẩn cho thí sinh vào trường. Tuy nhiên, là trường tốp đầu đào tạo nguồn lực cán bộ kinh tế và quản trị kinh doanh cho đất nước, nhiều năm trở lại đây, điểm chuẩn của ĐH Kinh tế Quốc dân không phụ thuộc vào điểm sàn của Bộ GD-ĐT, thậm chí điểm chuẩn xét tuyển của trường còn cao hơn điểm sàn của Bộ rất nhiều.

Thực hiện chủ trương đổi mới thi và tuyển sinh, trong tháng 9 tới, ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ trình lên Bộ GD-ĐT đề án tuyển sinh riêng từ năm 2015-2020. Tuy nhiên, dù theo phương thức nào thì nhà trường cũng phải đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh đầu vào của một trường có uy tín và chất lượng hàng đầu, chứ không thể chỉ thông qua kết quả của học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất

Trước mục đích của đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT để lấy đó làm căn cứ xét tuyển thí sinh vào các trường ĐH, CĐ, PGS.TS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh Hà Nội cho rằng, Bộ GD-ĐT cần phải thành lập ngân hàng đề thi tích hợp đảm bảo những câu hỏi, những phần đảm bảo được yêu cầu của việc công nhận tốt nghiệp THPT và chọn lựa, sàng lọc thí sinh vào ĐH, CĐ.

Ngoài ra, Bộ cũng nên quy định cụ thể, rõ ràng về điểm thi để xét tốt nghiệp THPT và điểm thi để xét thí sinh vào từng trường ĐH, CĐ.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội công bố vào đầu tháng 7/2014, thất nghiệp trong nhóm lao động có bằng ĐH trở lên là 162.400 người. Như vậy, trong quí I/2014, lượng lao động có trình độ đại học thất nghiệp đã tăng thêm hơn 90.000 người, so với con số 72.000 người đến cuối quí IV/2013.

 

PGS.TS Văn Như Cương

Sở dĩ cần phải để cho các trường ĐH, CĐ tổ chức thêm 1 kỳ thi hoặc 1 hình thức thi khác là để đảm bảo nguồn tuyển sinh “đầu vào” và thí sinh phù hợp với từng chuyên ngành, đặc thù của các trường. Đây cũng là điều kiện để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực “đầu ra” cho xã hội.

Bài học về việc thời gian qua, nhiều trường tuyển sinh ồ ạt nhưng hàng trăm nghìn sinh viên tốt nghiệp không thể xin được việc làm hoặc phải làm trái ngành nghề vì không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng một lần nữa nhắc nhở các trường về chất lượng đào tạo và chọn lọc thí sinh vào trường.

PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý Giáo dục nêu ý kiến, việc các trường ĐH, CĐ tổ chức thêm một đợt thi hoặc bổ sung thêm hình thức thi khác để chọn lựa thí sinh là điều nên làm.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cần kiểm soát chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường, nhất quyết không để cho các trường tuyển sinh ồ ạt, đào tạo chỉ vì lợi nhuận mà coi nhẹ lợi ích của người học. Về phía các trường cũng phải có trách nhiệm đối với nguồn tuyển thí sinh vào trường và cần chú trọng đến chất lượng đào tạo sinh viên theo nhu cầu xã hội. Đây không chỉ là trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đòi hỏi của xã hội và hội nhập quốc tế mà còn là vì sự tồn tại của các trường.

Theo Dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, các trường ĐH, CĐ được lấy kết quả tốt nghiệp THPT để xét tuyển thí sinh vào trường. Điều này có thể giúp các trường ngoài công lập giảm được áp lực về quy định điểm sàn của Bộ GD-ĐT.

Tuy nhiên, nếu nguồn tuyển sinh “đầu vào” không đảm bảo, sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng được các nhu cầu của xã hội thì một phần nguyên nhân là do trường ĐH, CĐ không đào tạo chất lượng. Đó là ý kiến của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.

Ở nhiều nước trên thế giới, các trường ĐH, CĐ đã lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT và kèm theo 1 kỳ thi để sàng lọc thí sinh vào trường. Tuy nhiên, trong quá trình học, nếu sinh viên nào không nỗ lực phấn đấu thì có thể sẽ bị trượt và ra khỏi trường ngay từ năm đầu tiên. Chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào có thể phù hợp với năng lực tài chính, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên của trường nhưng không phải sinh viên nào vào được ĐH, CĐ là sẽ tốt nghiệp hết.

 

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ

Còn ở Việt Nam, sinh viên nào đỗ ĐH, CĐ là coi như đều được công nhận tốt nghiệp. Những sinh viên học lực khá, giỏi cũng như sinh viên yếu, kém đều  được cấp bằng tốt nghiệp sau 4-5 năm ngồi trên giảng đường. Tuy nhiên, bất cập là ở chỗ, nhiều sinh viên khi cầm trong tay tấm bằng ĐH để đi xin việc thì không được tuyển dụng vì trình độ và năng lực quá kém, không đáp ứng được đòi hỏi của nhà tuyển dụng.

Ngoài ra, một số trường ĐH, CĐ chưa thực sự chú trọng đầu tư đến cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên để thúc đẩy chất lượng giảng dạy nên sinh viên chưa có nhiều kỹ năng, thực hành còn hạn chế. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực mà trường đó đào tạo ra không theo kịp với nhu cầu của xã hội đang cần.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, dù các trường ĐH, CĐ có lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển thí sinh vào trường hay không thì mấu chốt của vấn đề vẫn là đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực tương lai cho đất nước.

Dự thảo phương án đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận xã hội trước khi lựa chọn phương án cuối cùng khả thi nhất. Tuy nhiên, dù phương án chọn lựa là như thế nào thì mục đích của kỳ thi không chỉ là xét công nhận tốt nghiệp THPT và để các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả đó trong tuyển sinh; tác động tích cực đối với việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, kiểm tra, đánh giá học sinh mà còn hướng tới việc việc giảm tiêu cực và tốn kém cho xã hội.

Nguồn VOV