Đối thoại Nga-Nhật có bỏ qua được “hòn đá tảng quần đảo Kuril”
Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe sẽ thăm Nga từ ngày 28-4 đến ngày 30-4 theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây là chuyến thăm Nga đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản trong 10 năm qua, đem lại hy vọng khởi sắc mối quan hệ Nga-Nhật vốn bị phủ bóng bởi tranh chấp lãnh thổ trong nhiều năm qua
Thông cáo của Điện Kremlin cho hay hai nhà lãnh đạo Nga và Nhật Bản sẽ có cuộc hội đàm vào ngày thứ 2.
Ưu tiên kinh tế
Chương trình nghị sự sẽ tập trung vào các vấn đề: thương mại, kinh tế, đầu tư, năng lượng, nhân quyền, hợp tác khoa học và kỹ thuật, tình hình bán đảo Triều Tiên.
Theo Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hiroshige Seko, trong chuyến thăm này, Nhật Bản và Nga dự kiến sẽ ký kết 20 thỏa thuận, và mở quỹ đầu tư .
Nhật Bản cũng hy vọng Nga sẽ giới thiệu một đề xuất để Nhật Bản có thể tham gia vào việc xây dựng đường ống dẫn dầu vùng dầu mỏ Đông Siberia và một dự án xây dựng trung tâm khí đốt Vladivostok trị giá 38 tỷ USD của Gazprom.
Nhật Bản là nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên thế giới và có thể cung cấp cho Nga một số tiền cũng như công nghệ để phát triển khu vực viễn đông xa xôi kém phát triển của Nga. Về phần mình, Nhật Bản cũng coi Nga như một đối tác chiến lược khi nước này đang xem xét việc đa dạng hóa và giảm giá nhập khẩu LNG, do nhu cầu của Nhật Bản tăng cao sau thảm họa 2011 tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima.
Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Seko nói: “Với mục tiêu đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng, chúng tôi trông đợi một lời đề nghị từ phía Nga trong chuyến thăm này”. Tuy nhiên, ông Seko cũng nói thêm rằng một thỏa thuận chính chưa chắc đã có thể được ký kết.
Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe diễn ra hai tháng sau cuộc thảo luận về việc mở rộng các thỏa thuận cung cấp khí đốt mà ở đó, Nhật Bản đang ép Gazprom phải đưa ra một bản kế hoạch chi tiết dự án Vladivostok, trong đó có việc giải thích vai trò của các công ty Nhật Bản.
Theo ông Seko, Thủ tướng Abe sẽ tới Nga với một phái đoàn gồm 120 doanh nghiệp lớn, trong đó có từ 30 đến 40 giám đốc điều hành của các công ty trong các lĩnh vực như giao dịch nhà đất, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp.
Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản và Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga dự kiến sẽ thành lập một quỹ trị giá lên tới một tỷ USD nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Nga.
Trong chương trình nghị sự của chuyến thăm này, hai bên sẽ tổ chức một hội thảo doanh nghiệp vào ngày thứ 3, trong đó có sự tham gia của một số doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản như tập đoàn Olympus, tập đoàn công nghiệp nặng Sumitomo và tập đoàn công nghiệp nặng Kawasaki.
Ông Seko cho hay: “Với phái đoàn doanh nghiệp này, chúng tôi muốn thuyết phục phía Nga rằng họ sẽ đạt được những kết quả xứng đáng trong mối quan hệ tốt đẹp lâu dài với Nhật Bản”.
Tháo nút căng thẳng lãnh thổ?
Trong chuyến thăm lần này, Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Seko cho hay, một trong những vấn đề cốt lõi trong quan hệ song phương là vấn đề Lãnh thổ phương bắc mà phía Nga gọi là quần đảo Kuril cũng sẽ được hai nhà lãnh đạo thảo luận.
Vấn đề quần đảo này đã cản trở việc ký kết một hiệp ước hòa bình vĩnh viễn giữa Nga và Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới Thứ II và vẫn là hòn đá lớn ngăn cản sự phát triển mối quan hệ song phương Nga-Nhật Bản.
“Thông qua việc thiết lập mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo, chúng tôi muốn phía Nga cảm thấy rằng bằng việc giải quyết nhanh vấn đề Lãnh thổ phương Bắc, Nhật Bản có thể đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của Nga nói chung và khu vực Siberia nói riêng”.
Vấn đề tranh chấp lãnh thổ này đã phủ bóng lên mối quan hệ Nhật Bản-Nga hơn 60 năm qua.
Ông Seko nói: “Cho đến nay, bởi vấn đề Lãnh thổ phương Bắc, Nhật Bản không thể nói chuyện được với Nga về các vấn đề nào khác ngoài vấn đề năng lượng. Đây luôn là vấn về nút thắt chính”.
Trong tháng 2, Thủ tướng Nhật Bản Abe đã nói rằng ông muốn tìm một “giải pháp chung chấp nhận được” cho vấn đề căng thẳng này.
Theo các nhà quan sát, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Nhật Bản và Nga lần đầu trong 10 năm qua có thể mở cánh cửa tiến triển trong đối thoại về vấn đề tranh chấp lãnh thổ lâu dài giữa hai bên nhằm đưa ra những lợi ích chiến lược. Đồng thời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, là nhà lãnh đạo đầu tiên trong một thập kỷ qua, dường như đã có đủ tầm ảnh hưởng cũng như sức mạnh cần thiết để đưa ra các cam kết.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.