Đón bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, khai hội chùa Tây Phương và chùa Thầy
Ngày 23/4, Lễ đón bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, quyết định công nhận bảo vật Quốc gia và khai hội chùa Tây Phương, huyện Thạch Thất, Hà Nội đã được tổ chức trọng thể. Đông đảo nhân dân và khách thập phương đã đến dự.
|
Chùa Thầy nhìn từ trên cao với thủy đình lung linh trên mặt nước. |
Chùa Tây Phương là di tích nổi tiếng của xứ Đoài, có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ. Đặc biệt, đây là một di tích tiêu biểu nhất về mặt kiến trúc, điêu khắc và tạc tượng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XVIII. Tương truyền, chùa có từ thời Đường, sau được trùng tu vào đời Mạc, thời Lê và thời Tây Sơn. Với kiến trúc kiểu chữ Tam, chùa Tây Phương trở thành điển hình cho các ngôi chùa Bắc bộ với hai tầng mái dấu thềm, lợp ngói mũi hài, các mái đao bay lên cong vút, trên có gắn tứ linh. Xung quan diềm mái của tòa nhà đều chạm trổ tinh tế theo hình lá triện cuốn. Tổng thể ngôi chùa toát lên vẻ trang nghiêm mà thoáng đãng, phù hợp với triết lý sắc sắc không không của nhà Phật.
Đáng chú ý trong các kiệt tác nghệ thuật điêu khắc của chùa Tây Phương là hệ thống tượng Phật, mang phong cách hiện thực. Ẩn chứa trong mỗi pho tượng là thần thái nội tâm, đạo lực từ bi, vị thiền, giải thoát đều hiển hiện dưới từng nét chạm, sinh động, từ nếp áo đến dáng điệu. Trong số này, pho tượng Tuyết Sơn, tượng La Hầu La Đa được xem là tượng đẹp nhất trong toàn bộ nền nghệ thuật điêu khắc Việt Nam.
Với những giá trị đặc sắc riêng, chùa Tây Phương được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt và công nhận Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ XVIII là Bảo vật Quốc gia.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên đã trao bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt và quyết định công nhận bảo vật Quốc gia cho chính quyền và nhân dân huyện Thạch Thất.
Lễ hội chùa Tây Phương diễn ra từ ngày 6 – 10/3 âm lịch với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống.
* Cùng ngày, tại Khu danh lam thắng cảnh chùa Thầy, huyện Quốc Oai tổ chức lễ đón bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, quyết định công nhận bảo vật Quốc gia và khai hội chùa Thầy.
Chùa Thầy được xây dựng từ thời Lý, là một tổ hợp nhiều công trình lớn, rất cổ kính, vừa to đẹp về quy mô, vừa tinh xảo trong trang trí điêu khắc, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên. Nơi đây còn lưu giữ nhiều cổ vật quý, đặc biệt là bệ đá hoa sen hình hộp, nhị cấp, được các nhà nghiên cứu xếp niên đại vào thời Lý Trần và bộ tượng Di Đà Tam Tôn niên đại đầu thế kỷ 17 được công nhận bảo vật Quốc gia. Đây là bộ tượng Di Đà Tam Tôn từng được biết đến là bộ tượng đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo tác trong giai đoạn Phật giáo hưng khởi.
Chùa không chỉ là danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà còn là địa chỉ đỏ trong cách mạng kháng chiến. Nơi đây thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Sơn Tây cũ, cũng là nơi được nhiều lần đón Bác Hồ về ở và làm việc trước khi Người lên chiến khu Việt Bắc chỉ đạo kháng chiến.
Lễ hội chùa Thầy diễn ra từ ngày 5 – 7/3 âm lịch hàng năm. Đây cũng là dịp trình diễn rối nước ngay tại Thủy Đình, một bộ môn nghệ thuật độc đáo có từ thời Lý mà Đức Thánh Từ Đạo Hạnh được tôn vinh là Tổ nghề./.
Nguồn ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.