Đón Xuân trên mảnh đất địa đầu của Tổ quốc
Lũng Cú – nơi địa đầu Tổ quốc, mái nhà của Việt
Lũng Cú là tên một xã của huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Xã Lũng Cú có diện tích tự nhiên trên 3000 ha, ở độ cao trung bình 1.600-1.800 m so với mặt biển, bao gồm 9 thôn. Nơi đây có thể coi là điểm cực Bắc của Tổ quốc, với cột mốc 422 nằm ở bản Séo Lủng (105o18’ kinh độ Đông, 23o15’ vĩ độ Bắc), được ví như mái nhà của Việt
Cao nguyên đá Đồng Văn với những cung đường tuyệt đẹp |
Cho đến nay, tên gọi Lũng Cú vẫn có nhiều giả thiết khác nhau. Có giả thiết cho rằng Lũng Cú là do cách phát âm, gọi chệch đi của từ “Long Cư” (Long Cư, tiếng H’Mông có nghĩa là động rồng, là nơi rồng ở). Lại có giả thiết, Lũng Cú là tên người đứng đầu một dòng họ Lô Lô, đã có công khẩn hoang, bảo vệ và phát triển vùng đất này. Nhưng nhiều người cho rằng, Lũng Cú có lẽ bắt đầu từ chữ ”Long Cổ”, nghĩa là: Trống Rồng, Trống của Vua. Theo sử sách lưu truyền của địa phương, thời Tây Sơn, Hoàng đế Quang Trung đã cho đặt ở nơi đây một chiếc trống lớn, cứ mỗi canh giờ lại gióng lên ba hồi trống vang xa, đĩnh đạc khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và cũng là để thông tin nhanh nhất những biến cố nơi biên ải truyền về Kinh thành Thăng Long. Vị trí đặt trống đồng của nhà vua xưa, bây giờ là trạm biên phòng tiền tiêu Lũng Cú. Sử sách còn ghi rằng, Thái úy Lý Thường Kiệt đã có lần hội quân lớn ở địa điểm này, nhằm biểu dương sức mạnh và ý chí bảo vệ bờ cõi, rồi cho dựng một cột cờ để làm biểu tượng cho sự khẳng định non sông bờ cõi nước Việt và cột cờ Lũng Cú cũng đã được ghi trong sử sách từ thời đó đến nay.
Lũng Cú là một điểm đến mà bất cứ du khách nào cũng ao ước khi đã đặt chân đến Hà Giang, đến Cao nguyên đá Đồng Văn – một Di sản thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận. Từ Đồng Văn đến đỉnh chóp Lũng Cú triền miên toàn núi đá. Núi đá trập trùng từng lớp ken nhau, đường đi cheo leo bên vách đá, bên vực sâu nhìn lên cao hoặc nhìn xuống thung lũng đều xa ngút tầm mắt. Đứng trên đường nhìn xuống, dòng sông Nho Quế chỉ còn như sợi chỉ mong manh, xanh lơ, uốn lượn thấp thoáng trong các dãy núi xanh đen. Du khách sẽ nao lòng khi bắt gặp một màu vàng của cánh đồng hoa cải trải dài trong thung lũng hoặc một tia nắng chiều xuyên qua làn nước trong xanh của dòng sông Nho Quế.
Cao nguyên đá Đồng Văn mùa xuân về |
Qua mùa Đông đến mùa Xuân, hoa mận, hoa mai nở trắng rừng Lũng Cú. Màu trắng của hoa xen lẫn những hạt sương còn sót lại long lanh dưới tia nắng mặt trời buổi sáng, tạo nên một phong cảnh thật lãng mạn, nên thơ. Rồi những cánh rừng hoa đào dưới thung lũng, rực lên trong sương sớm, thấp thoáng dải sa mộc bạt ngàn như hàng ngàn chiếc ô vươn lên giữa sương lạnh, đẹp đến nao lòng.
Dễ hiểu tại sao Lũng Cú lại hút hồn và níu chân du khách đến thế!
Cột cờ Lũng Cú, nơi tụ hội hồn thiêng sông núi
Lũng Cú không chỉ được biết đến với phong cảnh hùng vĩ tuyệt đẹp mà còn biết đến với Cột cờ Lũng Cú nổi tiếng bao đời nay như sự trường tồn của non sông gấm vóc, như là điểm hội tụ của hồn thiêng sông núi Việt Nam.
Cột cờ Lũng Cú được xây dựng trên đỉnh núi Rồng, chính tại nơi cột cờ trước kia Lý Thường Kiệt dựng để khẳng định chủ quyền quốc gia. Theo thế phong thủy thì đây chính là “mắt Rồng”. Từ đây đến cột mốc 422 là khoảng 3km theo đường chim bay hướng phía bắc. Năm 1987, Đồn biên phòng Lũng Cú cho dựng cột cờ cao bằng gỗ, thẳng tắp, sừng sững tung bay lá cờ đỏ giữa trời xanh. Năm 2001, cột cờ được chính thức xây bằng gạch, hình lục lăng, cao 12 m, cán cờ cao 8 m. Đến năm 2010, cột cờ quốc gia Lũng Cú được trùng tu lại vào dịp Chào mừng 1000 năm Thăng Long và Đại hội Đảng lần thứ XI. Đây chính là cột cờ hiện nay. Từ chân núi Rồng leo lên đỉnh núi, nơi dựng cột cờ là 389 bậc đá. Cột cờ được xây dựng theo mô hình bát giác như cột cờ Hà Nội, nhưng kích thước nhỏ hơn, chân cột cờ được gắn 8 tấm phù điêu đá xanh minh họa cho các giai đoạn lịch sử của đất nước và phong tục tập quán của các dân tộc tỉnh Hà Giang, phía trên có gắn 8 mặt trống đồng. Phần thân cột cờ cao 20,25 mét, bên trong có 135 bậc thang dẫn lên đỉnh cột cờ. Lá cờ chiều dài 9 mét, chiều rộng 6 mét, diện tích 54m2 thể hiện cho 54 dân tộc chung sống trên đất nước Việt Nam.
Cột cờ Lũng Cú hiên ngang trên đỉnh đồi |
Đứng ngắm lá cờ bay cuồn cuộn, uy nghi trong gió, khẳng định chủ quyền đất nước, trong lòng ai cũng dâng lên một cảm xúc tự hào về Tổ quốc Việt
Đón năm mới cùng đồng bào dân tộc ở Lũng Cú
Đồng bào dân tộc ở Lúng Cú chủ yếu là người Lô Lô và người H’Mông. Phong tục tập quán đón năm mới của hai dân tộc này cũng có những điểm giống nhau và khác nhau. Đồng bào dân tộc H’Mông thường đón Tết từ 30/11 đến khoảng 5/12 Âm lịch, sớm hơn một tháng so với Tết của người Kinh, người Lô Lô. Trước đây, người H’Mông không gói bánh chưng. Trong ngày Tết, nhà nào cũng phải có một mâm bánh giày được làm từ những hạt gạo nếp nương do chính tay người H’Mông làm ra. Bây giờ thì có bánh chưng, nhưng không nhất thiết phải có như bánh giày trong bữa cỗ Tết của họ. Vào những ngày Tết, người H’Mông hay tổ chức thi giã bánh giày. Nhà nào làm được bánh giày vừa dẻo, vừa thơm, ngon, lại đẹp thì sẽ được thưởng. Đặc biệt, nói đến Tết của người H’Mông không thể không nói đến một lễ hội gọi là hội Sải Sán hay Gầu Tào (hội cầu phúc). Trong lễ hội này, sau phần lễ là hát giao duyên, là các trò chơi yêu thích của người H’Mông. Đây là lễ hội lớn nhất của người H’Mông trong năm và nó thể hiện rõ nhất những đặc trưng văn hoá H’Mông trong ngày Tết. Còn người Lô Lô thì gói bánh chưng dài, chứ không vuông như bánh chưng của người Kinh. Đặc biệt trên bàn thờ của người Lô Lô có những thanh gỗ nhỏ bằng ngón tay cái, gọt đẽo như hình người. Đó chính là tượng trưng cho mỗi ông bà tổ tiên đã mất. Cứ mỗi thanh như vậy là một cụ, có khắc tên người đó. Người Lô Lô coi như thế là các cụ đã về cùng ăn Tết với con cháu.
Thiếu nữ dân tộc Lô Lô trong ngày hội |
Người H’Mông và người Lô Lô ở Lũng Cú đều có tục lệ cho các dụng cụ sản xuất hàng ngày nghỉ ngơi ăn Tết. Họ đem dán “niêm phong” các dụng cụ đó lại, để vào một chỗ, không được di chuyển trong các ngày Tết, làm lễ để các dụng cụ đó được ăn Tết. Người H’Mông và người Lô Lô đều không đón Giao Thừa như người Kinh. Đối với họ, tiếng gà gáy đầu tiên trong bản vào rạng sáng Mồng Một, bất kể là gà nhà ai gáy, chính là cái mốc đánh dấu một năm mới bắt đầu. Đêm 30 Tết, thanh niên nam nữ và mọi người thường tụ tập ở những sân chơi, các ngả đường để chờ đón tiếng gà gáy. Người Lô Lô còn có tục đi lấy may, lấy lộc vào đêm 30 Tết. Lấy may, lấy lộc ở đây là đi lấy trộm của người khác. Vật lấy trộm không phải là những đồ vật có giá trị, chỉ là thanh củi, hay củ hành, củ tỏi, cây rau… và cũng không lấy nhiều. Có người cầu kỳ thì lấy đủ 12 thứ tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Khi đi lấy may, lấy lộc đêm 30 thì phải lặng lẽ, không để ai biết, gặp người quen không chào hỏi. Mà thường thì khi biết, mọi người cũng làm ngơ như không biết.
Chia tay Lũng Cú, chia tay vùng đất của chè Shan, mật ong và thắng cố, mảnh đất địa đầu Tổ quốc, trong tôi vẫn còn dư âm tiếng trống đón Xuân của đồng bào người Lô Lô ngân nga vang khắp cả vùng núi, những hình ảnh các cô gái người H’Mông, người Lô Lô trong bộ váy áo sặc sỡ dập dìu bên người yêu, tiếng khèn gọi bạn tình réo rắt, những tiếng cười vui nô đùa của đám trẻ tung tăng chạy nhảy, của tiếng cười nói rộn ràng của mọi người khi nâng ly rượu ngô nồng ấm đón Xuân.
Lũng Cú đang bắt đầu một mùa Xuân mới…
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.