Đồng bằng sông Cửu Long: Chủ động ứng phó triều cường, lũ đầu nguồn

Ngày 17-9, tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL tiếp tục có mưa lớn, nguy cơ triều cường kết hợp mưa lũ đầu nguồn tràn về.

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, trên khu vực biển Đông, triều cường có xu thế tăng và đạt đỉnh vào ngày 19 và 21-9. So sánh đỉnh triều cùng kỳ: cao hơn khá nhiều trung bình nhiều năm phổ biến xấp xỉ và thấp hơn mức báo động (BĐ) II, riêng trạm Gành Hào cao hơn mức BĐ III. Lượng mưa dự báo trong những ngày tới trên lưu vực hạ lưu sông Mê Công ở mức khá cao. Mưa trên vùng ĐBSCL ở mức cao và có xu thế tăng, riêng ngày 18-9, lượng mưa phổ biến từ 20-60mm, một số nơi trên 60mm.

Đỉnh lũ đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc trong kỳ triều cường nửa cuối tháng 9 năm 2024 sẽ tăng do mưa lũ thượng nguồn tăng kết hợp triều cường cao (kỳ triều giữa tháng 8 âm lịch). Khả năng lũ sẽ đạt đỉnh từ ngày 19 đến 22-9, tại Tân Châu dao động ở mức 3-3,2m; cao hơn năm 2023 từ 0,07-0,27m.

Mực nước đỉnh lũ nội đồng vùng ĐBSCL trong kỳ triều cường kết hợp mưa lũ đầu nguồn đổ về một số trạm biến đổi từ BĐ I – BĐ II, một số trạm vượt mức BĐ II gồm trạm Long Xuyên (An Giang) và trạm Vàm Nao (An Giang). Mực nước các trạm vùng giữa phổ biến ở mức từ BĐ II – BĐ III, một số trạm ven sông chính vượt mức BĐ III vào thời kỳ triều cường kết hợp lũ đầu nguồn. Đáng lưu ý, đỉnh lũ tại trạm Cần Thơ dự báo đạt mức từ 2,05-2,15m (>BĐ III 0,05-0,15m). Đỉnh lũ tại trạm Mỹ Thuận dự báo đạt mức từ 1,95-2,05m (>BĐ III 0,15-0,25m).

Theo ông Phạm Văn Mạnh, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, nguy cơ cao sẽ xảy ra ngập úng do triều cường kết hợp mưa lũ trên các khu vực có địa hình thấp trũng thuộc vùng ĐBSCL từ 18 đến 22-9. Các địa phương có nguy cơ xảy ra ngập úng do triều cường kết hợp mưa lũ vào đợt triều cường cần lưu ý: rà soát các tuyến bờ bao xung yếu, các tuyến mới đắp và xây dựng các giải pháp ứng phó kịp thời. Đối với các tiểu vùng thủy lợi có cao trình bờ đê bao thấp như trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang và Kiên Giang, cần theo dõi chặt chẽ dự báo mưa và diễn biến thủy triều để có phương án vận hành tiêu thoát nước kịp thời, và chuẩn bị các phương án bơm tiêu nước khi xảy ra ngập úng.

Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã yêu cầu Sở NN-PTNT và các địa phương trong tỉnh khẩn trương triển khai phương án bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp, diện tích nuôi trồng thủy sản nếu có mưa lớn, triều cường xuất hiện. Theo đó, xây dựng lịch điều tiết nước linh hoạt phù hợp với diễn biến triều cường và mưa lớn, kịp thời mở hệ thống cống tiêu thoát nước chống úng để bảo vệ sản xuất; vận hành hệ thống cống biển để chống ngập cho các đô thị vùng Nam quốc lộ 1A; vận hành hệ thống cống do cấp huyện quản lý, hệ thống trạm bơm và ô thủy lợi khép kín để tiêu nước chống úng, phục vụ tốt cho việc thu hoạch vụ lúa hè thu và xuống giống vụ lúa thu đông, vụ lúa trên đất tôm…

Theo SGGP