Đồng bằng sông Cửu Long: Đẩy nhanh tiến độ 2 dự án đường cao tốc trọng điểm
Sau khi dự án đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 được khởi công, các địa phương nỗ lực khẩn trương gia tăng tỷ lệ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Dù đối diện nhiều khó khăn như nền đất yếu, địa bàn sông nước vận chuyển vật liệu khó khăn nhưng An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng cùng nhà thầu đều quyết tâm cố gắng, nỗ lực để tuyến cao tốc hoàn thành đúng tiến độ.
Thi công trụ cầu vượt quốc lộ 61 trên địa bàn huyện Vị Thủy – Dự án thành phần đoạn Hậu Giang – Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 |
Tập trung bàn giao mặt bằng
Từ Cần Thơ chúng tôi men theo quốc lộ 61C để đến điểm khởi công dự án đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng trên địa bàn huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Ở điểm gần giáp ranh giữa huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) và huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang), hàng chục chiếc xe tải, xe cuốc đang thi công nhộn nhịp đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ.
Ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang, cho biết: Hiện các cơ quan chức năng của tỉnh đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng còn lại cho đơn vị thi công (khoảng 16%). Chỗ nào đã bàn giao mặt bằng thì nhà thầu triển khai thi công.
Đại tá Vũ Phúc Hậu, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, cho biết: Dự án đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng là dự án lớn thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL. Dự án lớn, nhiệm vụ rất nặng nề đối với cả chủ đầu tư cũng như nhà thầu với đặc điểm thi công ở địa bàn vùng sông nước, địa chất phức tạp, rất khó khăn trong vấn đề xử lý nền đất yếu. Nguồn vật tư, vật liệu khan hiếm, khó khăn và việc vận chuyển ở địa bàn sông nước, nước cạn nên các tàu lớn không ra vào được tận chân công trình”.
Hiện trên địa bàn Hậu Giang cùng lúc đang thi công 2 tuyến đường: đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng do cùng một nhà thầu thi công.
Sau lễ khởi công, tỉnh Hậu Giang đang tập trung các phần việc rất quan trọng còn lại. Đó là 16% số hộ dân mà địa phương chưa thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Các sở, ngành của tỉnh và các địa phương đang nỗ lực phối hợp để vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng dứt điểm cho đơn vị thi công triển khai công việc.
Trong thực hiện giải phóng mặt bằng còn có các đơn vị liên quan đến kỹ thuật như: nước, điện, viễn thông nên phải tiếp tục thực hiện việc di dời cho nhanh để đảm bảo tiến độ. Bên cạnh đó, một số hộ dân chưa có tái định cư kịp thời. Hậu Giang đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khu định cư để đảm bảo đủ điều kiện cho bà con vào khu tái định cư, ở nơi có vị trí tốt hơn những nơi mà bà con đã sinh sống trước đây.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tỉnh UBND tỉnh Hậu Giang, hiện nay ngoài tập trung giải phóng mặt bằng dứt điểm để bàn giao cho đơn vị thi công, địa phương cũng đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để nhanh chóng xây dựng các khu tái định cư cho người dân. Khó khăn, vướng mắc hiện nay là nguồn vật liệu cát san lấp khan hiếm, khó đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Ông Nguyễn Văn Hòa kiến nghị Bộ TN-MT, UBND tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long quan tâm hỗ trợ nguồn vật liệu cát san lấp cho dự án.
Được biết, Bộ Xây dựng và Bộ TN-MT cũng đang thử nghiệm việc sử dụng cát biển cho đường cao tốc. Hy vọng kết quả thử nghiệm khả quan sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án qua địa bàn tỉnh cũng như vùng ĐBSCL.
Ông Nguyễn Phú Tân, Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang, chia sẻ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành và UBND tỉnh An Giang, ngành giao thông đã tranh thủ hoàn tất các thủ tục cung cấp khoảng 1,1m3 cát cho dự án đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Nguồn cát này chủ yếu có từ việc tăng 50% công suất khai thác các mỏ cát trên địa bàn. Ngay sau lễ khởi công dự án, tỉnh An Giang đã liên tục chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu thi công khẩn trương đẩy nhanh tiến độ. Ngành giao thông cũng tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan hoàn tất đền bù giải phóng mặt bằng đối với 30% diện tích còn lại.
“Cái khó nhất là cát đắp nền cơ bản đã chuẩn bị đủ, việc còn lại chỉ là đẩy nhanh tiến độ tối đa, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn lao động, tiến độ thực hiện dự án”, ông Nguyễn Phú Tân cho biết.
“Với năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp quân đội trong lĩnh vực thi công xây dựng dân dụng, nhất là kinh nghiệm từ việc triển khai các dự án tuyến cao tốc phía Đông giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch, biện pháp thi công cho phù hợp. Trước tiên, với khối lượng công việc và với các điều khoản trong hợp đồng, nhà thầu chúng tôi phải tổ chức đủ nguồn nhân lực để phục vụ dự án; huy động máy móc trang thiết bị phù hợp hiện đại để triển khai dự án; xây dựng kế hoạch nguồn lực tài chính để đáp ứng cho dự án. Với công tác chuẩn bị như thế, chúng tôi sẽ thực hiện các bước cụ thể với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Làm sao để triển khai thi công dự án đáp ứng được nhu cầu tiến độ theo yêu cầu của chủ đầu tư”, Đại tá Vũ Phúc Hậu, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, nhấn mạnh.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.