Đồng bằng sông Cửu Long: Hoa tết đã sẵn sàng

Thời điểm này các vùng trồng hoa kiểng ở ĐBSCL khẩn trương chăm sóc, o bế… nhằm đảm bảo cho hoa trổ bông đúng dịp tết để bán có giá. Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi nên nhiều nhà vườn trồng hoa kỳ vọng được mùa.

Nhộn nhịp làng hoa tết
Đi dọc các ấp Khánh Hòa, Khánh Nhơn, Đông Khánh (thuộc xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) chứng kiến không khí sản xuất hoa tết khá sôi động.

Đồng bằng sông Cửu Long: Hoa tết đã sẵn sàng ảnh 1Chăm sóc hoa tết ở làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp)
 Ông Nguyễn Văn Bé Ba, Chủ tịch UBND xã Tân Khánh Đông, khoe: “Ở xứ này bây giờ hoa được trồng quanh năm và du khách cũng như thương lái cũng đến quanh năm; tuy nhiên tết vẫn là mùa sản xuất và cung ứng chủ lực…”. Thời gian trước, người dân xã Tân Khánh Đông đa phần trồng rau màu, cây ăn trái, lúa. Gần đây, khi thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng thì hoa kiểng được xem là hướng phát triển phù hợp. Toàn xã hiện có hơn 175ha hoa kiểng các loại. Riêng trong năm 2018 diện tích trồng mới tiếp tục được mở rộng thêm hàng chục ha. Đưa chúng tôi ra thăm ruộng hoa tết của mình, chị Huỳnh Ngọc Tuyền (xã Tân Khánh Đông), cho biết: “Mấy tháng nay diễn biến thời tiết khá thuận lợi cho người dân trồng hoa tết; sâu bệnh không xuất hiện nhiều; mưa trái mùa cũng không đáng ngại nên những hộ trồng cúc mâm xôi khá yên tâm. Người trồng hoa chỉ tập trung đầu tư, chăm sóc chu đáo để hoa phát triển tốt và trổ bông đúng dịp tết…”. Theo nhiều hộ trồng hoa ở TP Sa Đéc tiết lộ, hiện nay có nhiều thương lái đến mua hoa kiểng chở đi các nơi tiêu thụ. Trong đó, cúc mâm xôi giá khoảng 110.000 – 120.000 đồng/cặp; các loại kiểng lá khoảng 60.000 – 70.000 đồng/cặp; còn mai vàng từ vài triệu đồng cho đến hàng chục triệu đồng mỗi cây… Dù vậy, càng gần đến tết thì thị trường tiêu thụ hoa kiểng càng sôi động hơn.
Đồng bằng sông Cửu Long: Hoa tết đã sẵn sàng ảnh 2
Nông dân Chợ Lách (Bến Tre) sản xuất hoa phục vụ tết
Tại làng hoa kiểng Chợ Lách (Bến Tre) cũng có nhiều hộ vào cao điểm sản xuất hoa kiểng tết. Ông Nguyễn Văn Thanh, ngụ xã Long Thới, cho hay: “Tết 2019, gia đình tôi sản xuất khoảng 3.000 chậu hoa các loại như cúc tiger, vạn thọ, tắc kiểng… Tuy có phần hơi vất vả nhưng trong bụng mừng thầm vì thời tiết năm nay chưa thấy dấu hiệu bất thường; chỉ cần hoa nở đúng dịp tết nhằm phục vụ tốt cho bà con vui xuân là thỏa nguyện, bù lại mình cũng có thu nhập ổn định”. Theo ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, dự kiến làng hoa Chợ Lách cung ứng cho thị trường Tết Kỷ Hợi 2019 khoảng 12 triệu chậu các loại, dẫn đầu về số lượng ở ĐBSCL. Hiện nay, thời tiết đang có dấu hiệu chuyển lạnh, vì vậy khuyến cáo bà con trồng hoa tết chuẩn bị các giải pháp đề phòng, nhất là những hộ trồng mai vàng, cúc mâm xôi.

Nâng giá trị hoa kiểng

Năm nay ở làng hoa kiểng Chợ Lách, ngoài những loại hoa kiểng truyền thống thì nhiều nông dân cũng chuẩn bị những giống hoa mới, nhập ngoại để bán tết; song song đó, kiểng thú hình 12 con giáp sẽ tiếp tục được phát huy bởi đây là thế mạnh đặc thù của Chợ Lách. Ông Bùi Thanh Liêm nhìn nhận, hoa kiểng thời gian qua đã mang lại hiệu quả kinh tế tương đối tốt cho nông dân trong huyện. Trong mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp thì huyện xác định hoa kiểng là thế mạnh và không ngừng đầu tư khoa học kỹ thuật, phương pháp sản xuất mới, giống mới… nhằm nâng giá trị và tăng thu nhập cho nông dân, hướng tới làm giàu từ hoa kiểng. Đến nay đã có nhiều hộ trồng hoa cho thu nhập 700- 800 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so trồng lúa; riêng các loại kiểng “độc” có thể mang lại thu nhập vài tỷ đồng/ha là không khó.

Theo ông Võ Thanh Tùng, Chủ tịch UBND TP Sa Đéc (Đồng Tháp), người dân địa phương ngày càng mê trồng hoa kiểng. Chỉ tính riêng năm 2018, nông dân ở làng hoa mở rộng thêm khoảng 42ha, nâng tổng diện tích trồng hoa kiểng ở Sa Đéc lên hơn 600ha, với sản lượng khoảng 25 triệu chậu/năm. Dịp Tết Kỷ Hợi 2019 sắp tới, nông dân trồng khoảng 100ha hoa kiểng với hơn 3 triệu chậu các loại phục vụ nhu cầu tiêu thụ khắp nơi. Nhiều sản phẩm hoa mới như: hoa lưu ly, cúc đồng tiền siêu lùn, hoa hướng dương siêu lùn, cùng nhiều giống hoa mới được nhập từ châu Mỹ, châu Âu… đang được các hộ “o bế” chu đáo để bán tết. UBND TP Sa Đéc đang khẩn trương đầu tư hệ thống hạ tầng, giao thông, bến bãi lên xuống hoa kiểng… nhằm thuận tiện cho việc buôn bán, vận chuyển hoa kiểng tết; hoàn thiện hệ thống chiếu sáng, chỉnh trang đường hoa Cai Dao – Sa Nhiên; xây dựng các tiểu cảnh hoa; xây dựng đài ngắm hoa cao hơn 18m nhằm phục vụ khách du lịch đến làng hoa Sa Đéc. Song hành cùng sản xuất hoa kiểng phục vụ thị trường tết thì làng hoa Sa Đéc còn tập trung mạnh cho việc phát triển du lịch. Dự kiến, sang đầu năm 2019 sẽ thực hiện việc bán vé cho du khách khi đến tham quan ở đây, từ đó góp phần nâng giá trị hoa kiểng”, ông Võ Thanh Tùng cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng cho hay, trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh thì hoa kiểng là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực. Thời gian qua ở làng hoa Sa Đéc đã hình thành được Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, khu nghiên cứu công nghệ sinh học; nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tăng cường các giống hoa mới; xây dựng được những mô hình trồng hoa phục vụ du lịch… Đây là bước tiến quan trọng để phát triển làng hoa Sa Đéc thành thành phố 4 mùa hoa; không chỉ sản xuất hoa tết mà cung ứng hoa kiểng quanh năm.

Nguồn SGGP