Đồng bằng sông Cửu Long: Ì ạch giải ngân vốn đầu tư công

Đã qua hơn 6 tháng nhưng nhiều địa phương tại ĐBSCL có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 còn thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra, thậm chí có chủ đầu tư chưa giải ngân được đồng nào.

Ghi nhận thực tế tại dự án thi công tuyến đường Ninh Quới – Ngan Dừa (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu), chúng tôi thấy phần nền đường đã được láng nhựa và dần hoàn thiện. Tuy nhiên, tại một số vị trí chưa thể thi công được do người dân chưa đồng ý giao mặt bằng; còn hạng mục 8 cây cầu trên tuyến này thì “chậm như rùa”… Dự án có chiều dài khoảng 11km với tổng mức đầu tư hơn 240 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 11-2020, với thời gian thi công 20 tháng. Tuy nhiên, đến nay, dự án này không hoàn thành theo kế hoạch, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Đồng bằng sông Cửu Long: Ì ạch giải ngân vốn đầu tư công ảnh 1
Cống Kênh Tư, nằm trên tuyến đê biển Đông (tỉnh Bạc Liêu), đang thi công nhưng chậm tiến độ 

Qua thống kê, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu còn nhiều dự án giao thông, xây dựng, nâng cấp đê biển… chậm tiến độ, do chậm giải ngân. Cụ thể, đến cuối tháng 6-2022, tỉnh Bạc Liêu chỉ giải ngân được 988/3.268 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch vốn. Trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ  giải ngân đạt 21% kế hoạch; vốn nước ngoài (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đạt 15% kế hoạch.

Tương tự, một số tỉnh trong vùng ĐBSCL dù có chuyển biến trong việc giải ngân, nhưng nhìn chung tỷ lệ vẫn còn thấp. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Kiên Giang giải ngân được 1.410/5.124 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch. Trong đó, có một số ngành làm chủ đầu tư được giao vốn nhiều nhưng tỷ lệ giải ngân rất thấp, như ngành giáo dục mới giải ngân được 15%; ngành giao thông vận tải giải ngân 21%; ngành văn hóa – thể thao giải ngân gần 3%; ngành du lịch giải ngân 11%; lĩnh vực tài nguyên – môi trường giải ngân gần 1%… Đặc biệt, nhiều công trình trọng điểm chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, chưa tổ chức đấu thầu thi công như đường bộ ven biển từ huyện Hòn Đất đi Kiên Lương; đường 3-2 nối dài; đường Minh Lương – Giục Tượng; đường tránh thị trấn Kiên Lương…

Tính đến cuối tháng 6, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công (bao gồm năm 2021 chuyển sang năm 2022) của tỉnh Cà Mau đạt 1.251/3.848 tỷ đồng, bằng 32% kế hoạch vốn, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Trong khi, mục tiêu đến cuối tháng 6-2022, phải giải ngân ít nhất 50%, cuối năm phải giải ngân hết vốn được bố trí. Một số chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân rất thấp được điểm danh là Ban Quản lý dự án công trình NN-PTNT (11%); Ban Quản lý dự án công trình xây dựng (gần 8%); thậm chí có chủ đầu tư chưa giải ngân được đồng nào như Vườn quốc gia U Minh Hạ, Sở KH-CN, Ban Quản lý khu kinh tế.

Từ thực trạng nói trên, lãnh đạo một số tỉnh ĐBSCL cho biết, nhiều khả năng không “tiêu” được hết vốn vào cuối năm nay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Mới đây, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều tiếp tục yêu cầu chủ đầu tư và các địa phương phải phối hợp, tập trung quyết liệt cho giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án; sở, ngành liên quan phải phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ các chủ đầu tư xử lý kịp thời những vướng mắc, theo dõi sát tiến độ giải ngân của chủ đầu tư. Qua đó, quyết tâm thực hiện mục tiêu để kết quả giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản của tỉnh trong năm 2022 đạt từ 95% trở lên.

Còn Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể đối với từng dự án để theo dõi tiến độ; phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm, nhất là các dự án lớn, trọng điểm; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu tập trung nhân lực, phương tiện, thiết bị để triến khai thi công theo tiến độ; kiên quyết xử lý các nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu; chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng tiến độ thực hiện dự án, công trình chậm do nhà thầu không đảm bảo năng lực…

Nguồn SGGP