Đồng bằng sông Cửu Long: Lũ vẫn diễn biến phức tạp

      Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, tình hình lũ tại Đồng bằng sông Cửu Long còn diễn biến phức tạp. Dự báo trong 1 - 2 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục dao động ở mức đỉnh rất cao, có nơi vượt lũ lịch sử, sau đó xuống chậm.

Theo thống kê ban đầu, lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long đã làm 11 người chết trong đó, tỉnh An Giang 4 người, tỉnh Đồng Tháp 3 người, tỉnh Long An 3 người và thành phố Cần Thơ 1 người. Đã có trên 20 nghìn căn nhà tại khu vực này bị ngập trong lũ, gần 5 nghìn ha lúa thiệt hại hoàn toàn và gần 1,5 triệu ha thủy sản bị ngập, lũ đang gây tổn thất nặng nề cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

*Tiền Giang: Tập trung phòng chống lũ phía Tây, bão và triều cường phía Đông

Lũ đang diễn biến phức tạp ở các huyện phía Tây, trong khi đó các huyện, thị phía Đông cũng đang bước vào cao điểm bão và triều cường.

Trước diễn biến lũ đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh, các huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương triển khai công tác phòng, chống lũ, tập trung vào các công việc bảo vệ tính mạng nhân dân, đặc biệt là trẻ em; diện tích vườn cây ăn trái, và cơ sở hạ tầng. Tại Cai Lậy, huyện đã triển khai cho xử lý các điểm sạt lở đảm bảo ngăn lũ và triều cường; chỉ đạo các xã gia cố hoàn chỉnh các đập do xã quản lý. Bên cạnh đó, để đảm bảo thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, UBND huyện có công văn đề nghị các xã, thị trấn báo cáo công tác này về Phòng NN&PTNT huyện. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai huyện Cái Bè cho biết, đến nay huyện đã hoàn tất phương án phòng, chống lụt; phương án phòng, tránh bão, phương án hộ đê, phân công các thành viên ban chỉ huy phụ trách địa bàn; phố hợp với các ban, ngành, xã, thị trấn kiểm tra, rà soát trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai, đồng thời chuẫn bị tốt công tác phòng, chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ”; tiếp tục xử lý sạt lở, kiểm tra nguồn lực và các điểm xung yếu. Huyện đã tiến hành thống kê phương tiện và tất cả các điểm trường, trụ sở cơ quan,đình, chùa, nhà thờ, hộ dân…; tổ chức kiểm kê hậu cần phục vụ sơ tán khi cần thiết; kiểm tra các tuyến, cụm dân cư chuẩn bị di dời khi có lũ lớn; đưa ra các phương án xử lý các cống chưa đắp đập tạm được khi có lũ lớn xảy ra.

Trước diễn biến lũ hiện nay, Ban Chỉ huy (BCH) Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các huyện tiếp tục đắp đập tạo ngăn lũ và triều cường; kiểm tra kế hoạch gia cố các đoạn đê thấp bảo vệ vườn cây ăn. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các huyện có kế hoạch đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường, đảm bảo cơ sở vật chất giáo dục, điều chỉnh lịch giảng dạy phù hợp; chuẩn bị vật tư, vật lực để đắp đập gia cố đê bao; tổ chức học sinh đi học, điểm giữ trẻ, sơ tán dân khi tình huống xấu nhất xảy ra. Các xã chuẩn bị vật tư tiến hành gia cố các đập và đê bao có qui mô nhỏ trên địa bàn và vật tư dự trữ hộ đê, phương tiện chống úng.

Những nỗ lực từ tỉnh đến cơ sở chủ động ứng phó với lũ, bão và triều cường cho thấy quyết tâm của các cấp, các ngành Tiền Giang nhằm hạn chế thiệt hại thấp nhất do thiên tai gây ra trên địa bàn.

* An Giang dồn sức chống lũ

Lũ đang lên nhanh từng ngày gây vỡ đê ở nhiều địa phương. Cả hệ thống chính trị và nhân dân của tỉnh An Giang đang cùng nhau dồn sức tập trung mọi nguồn lực để cứu đê, bảo vệ sản xuất, tính mạng và tài sản của nhân dân.

 

     Huy động sức người đắp đê chống lũ ở An Giang
                         (Nguồn: angiangonline)
 .

Sau nhiều ngày chống chịu, khoảng 1 giờ sáng 28-9, một đoạn đê kênh 8 (ấp Mỹ Bình, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú) bị nước lũ làm đứt, nước ồ ạt tràn vào làm ngập 270 héc-ta lúa thu đông (vụ 3). Trước đó khoảng 22 giờ 30 ngày 27-9, tuyến đê bao kênh 7 ở ấp Long Hưng, xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú cũng bị đứt một đoạn hơn 30m. Nước lũ tràn vào 1.500 héc-ta lúa thu đông của xã mới xuống giống khoảng 3 tuần tuổi, nhấn chìm toàn bộ 500 héc-ta lúa, đe dọa trực tiếp đến 1.000 héc-ta lúa còn lại của tiểu vùng kinh 7- kinh 10 thuộc xã này. Ngay sau đó, lãnh đạo huyện Châu Phú đã có mặt tại hiện trường chỉ huy công tác bảo vệ đê và huy động phương tiện, lực lượng tiếp tục gia cố đê bao chống lũ. Các lực lượng bộ đội, công an, cán bộ trong và ngoài tỉnh với hơn 3.000 người cùng nhân dân địa phương ra sức khắc phục sự cố, đắp đập ngăn áp lực lũ thượng nguồn đổ về.

Ở huyện Tịnh Biên, liên tục nhiều ngày qua trên tuyến đê Trà Sư, thuộc địa bàn 2 xã Văn Giáo, Thới Sơn lúc nào cũng có rất đông lực lượng cùng sư sãi, à cha của các chùa tích cực gia cố bờ bao tuyến kênh Phước Điền để bảo vệ gần 800 héc-ta lúa thu đông. Những chiếc Ko- be, xe ben, máy ủi hoạt động hết công suất, túc trực 24/24 tại chốt trực, thậm chí ăn uống, ngủ, nghỉ hầu như tại đê.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang: Đến sáng 30-9, hàng loạt điểm đê xung yếu trên địa bàn các huyện Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Tri Tôn, đập số 2 (xã Vọng Thê, Thoại Sơn), đê kinh Phước Điền (xã Văn Giáo, Tịnh Biên), đê bao tại xã Mỹ Hội Đông (Chợ Mới), đê xã Vĩnh Hanh (Châu Thành)… lần lượt vỡ do không chịu nổi áp lực lũ, gây ngập trên 2.700 héc-ta lúa và 100 héc-ta màu. Đặc biệt, lũ dâng cao đã gây ngập trên 2.032 căn nhà, 627 căn xiêu vẹo, nhiều tuyến đường, bờ sông bị sạt lở với chiều dài khoảng 30km, trên 80km đường giao thông bị ngập. Người dân vùng lũ An Giang đang ra sức cùng với các lực lượng ngày đêm chống đỡ với trận lũ lớn hiếm thấy từ nhiều năm nay.

Tại các huyện đầu nguồn sông Hậu, sông Tiền như An Phú, Tịnh Biên, Châu Phú, thị xã Tân Châu… công tác gia cố bảo vệ đê điều được tập trung khẩn trương. Những ngày qua, huyện An Phú huy động hàng trăm chiến sĩ, nhân dân tiến hành đóng trên 8.000 cừ tràm, trải bạt trên 7km, đắp gần 100.000 bao cát và đang tiếp tục gia cố, nâng cao tuyến Tỉnh lộ 957, nhất là khu vực xã Đa Phước và thị trấn An Phú, chống sạt lở, tràn đê, quyết tâm bảo vệ diện tích sản xuất vụ thu đông và đời sống nhân dân. Xã Đa Phước và thị trấn An Phú là vùng sản xuất lúa vụ 3 nhiều nhất với diện tích 1.582 héc-ta, chiếm hơn 50% diện tích lúa vụ 3 của huyện. Để chủ động phòng chống lũ, huyện đã điều động 25 phương tiện hút cát, trong đó có 5 phương tiện trọng tải trên 500 tấn. Song song đó, địa phương huy động lực lượng hàng trăm người gồm bộ đội, công an, dân quân và nhân dân trực chiến 24/24 giờ để ứng phó với lũ.

Tại thị xã Châu Đốc, ngoài việc gia cố hệ thống đê bao bảo vệ tiểu vùng mới mở với diện tích trên 2.000 héc-ta thuộc xã Vĩnh Tế-Vĩnh Châu, còn triển khai máy bơm đề phòng diễn biến xấu có thể xảy ra. Ở huyện Chợ Mới có 81 tiểu vùng và nhiều tuyến đê thấp ở các xã cũng bị rò rỉ… Địa phương đang ra sức ứng trực sẵn sàng đối phó với lũ. Ở Tri Tôn, các tuyến đê bao trên địa bàn vẫn được bảo vệ an toàn, không xảy ra tình trạng vỡ đê nghiêm trọng. Hiện toàn huyện huy động lực lượng công an, quân sự cùng nhân dân tập trung ém các ống bọng dọc theo chân đê, nhằm tránh rò rỉ. Nhân dân canh tác ở các khu vực đê xung yếu còn tự nguyện hiến đất lúa để nâng cấp đê.

Ông Lê Văn Hạnh, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tịnh Biên cho biết: Toàn huyện có 4.270 héc-ta lúa thu đông, trong đó nhiều điểm đang bị áp lực nước lũ đe dọa những tuyến đê xung yếu như: An Nông, kênh Phước Điền (Văn Giáo- Thới Sơn), đê Mặc Cần Dưng (Tân Lập), Vĩnh Trung… Với phương châm “4 tại chỗ”, huyện đã lập 10 chốt trên địa bàn với hơn 100 người túc trực canh đê 24/24 giờ. Đồng thời, huy động khoảng 1.000 người ngày đêm sát cánh cùng nhân dân đắp đê gia cố những nơi xung yếu với tổng chiều dài trên 5km. Tuy nhiên, sau nhiều ngày tích cực giữ đê, do áp lực nước lũ quá mạnh đã làm vỡ tuyến đê Lũ Núi, thuộc trạm bơm Tà Mốc, xã Vĩnh Trung vào tối ngày 29-9 với chiều ngang hơn 20m. Huyện đã huy động lực lượng gần 1.000 người gồm: bộ đội, biên phòng, công an, cán bộ địa phương cùng bà con dân tộc Khơ-me và phương tiện, máy Ko-be đóng cừ, vô hàng ngàn bao cát, tấn lưới B40 để gia cố đê. Riêng diện tích hơn 250 héc-ta bị ngập thì huy động 8 máy để rút nước ngày đêm chống úng nhằm bảo vệ tài sản cho nông dân.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống bão lụt và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang , tỉnh đã huy động trên 11.000 lượt người cùng nhiều phương tiện tham gia gia cố hơn 350km đê, đập tạm, cống bọng, với kinh phí khoảng 35 tỉ đồng để chống lũ dữ.

*Đồng Tháp: Tổng thiệt hại đã vượt trên 300 tỷ đồng

Vào lúc 10 giờ 15 phút sáng 1/10, chiếc xà lan mang biển kiểm soát ĐT 19755 của bà Bùi Thị Phấn đang chở khoảng 200 khối cát chạy từ hướng An Long về thị trấn Tràm Chim, đến địa phận xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, do tránh phương tiện chạy ngược chiều và áp lực nước chảy mạnh làm phần đuôi xà lan va vào nhịp giữa cầu, dẫn đến sập cầu. Cầu Phú Thọ bị sập làm cắt đứt hoàn toàn hệ thống giao thông trên tuyến đường ĐT 843 từ An Long đi thị trấn Tràm Chim.

Khoảng 0 giờ 20 phút sáng 2/10, tuyến đê bao bờ nam kênh Bắc Viện (ấp Thi Sơn, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng) bị vỡ, nước lũ tràn vào gây mất trắng 415 ha lúa vụ 3 của trên 220 hộ dân, số lúa này được 50 đến 65 ngày tuổi. Ngoài ra, 1 xe mô tô, 1 máy phát điện và nhiều vật tư, phương tiện dùng để ứng cứu cũng bị lũ cuốn trôi.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp, đến nay toàn tỉnh đã có 5.963 căn nhà bị ngập nước, 382 hộ đã di dời; 1.060 ha lúa thu đông mất trắng; 929 ha hoa màu bị ngập thiệt hại; 3.176 ha cây ăn trái bị ngập (375 ha thiệt hại 100%); 564 ha thủy sản bị thiệt hại; gần 7000 km đường giao thông nước tràn qua gây sạt lở mái, hư mặt đường và 24 cầu, cống bị hư hỏng; hơn 23.000ha lúa Thu Đông chưa kịp thu hoạch đang bị đe doạ nghiêm trọng. Mối nguy hiểm lớn vẫn đang tiếp tục diễn ra tại các huyện đầu nguồn và vùng sâu Đồng Tháp Mười. Tổng thiệt hại theo các số liệu thống kê đến thời điểm hiện tại đã vượt trên 300 tỷ đồng.