Đồng bằng sông Cửu Long: Năm hạn ngành chăn nuôi
Chưa bao giờ nhiều hộ chăn nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm… ở các tỉnh ĐBSCL lâm vào cảnh khốn khó như hiện nay, khi càng nuôi càng lỗ nặng do giá thu mua giảm, cộng với dịch bệnh hoành hành trên diện rộng, khiến hàng loạt chuồng trại và cơ sở chăn nuôi phải đóng cửa. Cứu ngành chăn nuôi đang là vấn đề cấp bách đặt ra, song các giải pháp hỗ trợ vẫn ỳ ạch…
Từ thua đến lỗ
Mấy ngày nay, chị Nguyễn Thị Hoa, ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), chạy đôn chạy đáo kêu bán đàn heo gần 20 con nhưng thương lái trả giá quá thấp, chỉ 3,3 triệu đồng/tạ. Chị Hoa bộc bạch: “Hồi đầu năm thức ăn có 440.000 đồng/bao, nay lên giá 465.000 đồng/bao; bột cặn từ 2.500 đồng/kg, tăng lên 4.500 đồng/kg; xăng dầu, thuốc thú y… đều tăng, đẩy giá thành nuôi heo lên 3,8- 4,2 triệu đồng/tạ. Vậy mà thương lái trả giá có 3,3 triệu đồng/tạ, lỗ trắng mắt. Đây là đợt xuất chuồng thứ 2 liên tiếp bị lỗ, tình hình này kéo dài vỡ nợ là khó tránh khỏi”.
Đồng cảnh ngộ, anh Trần Văn Tư, hộ nuôi heo chuyên nghiệp ở xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành (Đồng Tháp), thở dài: “Cách đây 2 tháng tôi xuất chuồng 30 con heo với giá 3,4 triệu đồng/tạ, trừ chi phí lỗ gần 20 triệu đồng. Hiện đàn heo 40 con chuẩn bị bán nhưng giá quá thấp 3,3 – 3,7 triệu đồng/tạ (tùy heo xấu, tốt). Với giá này, người nuôi heo tiếp tục lỗ”.
Người nuôi heo ở Đồng Tháp thua lỗ và khó vay vốn ngân hàng. Ảnh: HUỲNH LỢI |
Trong khi đó, nuôi cá tra do thua lỗ kéo dài, nhiều hộ lâm vào cảnh “nợ chồng nợ” mà không biết cách nào xoay xở. Bà Trần Thị Hoạt, ở phường Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ) cho biết, giá cá tra hiện ở mức 22.500-23.000 đồng/kg, trong khi giá thành 24.000 đồng/kg. Riêng những hộ nuôi không đạt, tỷ lệ hao hụt nhiều… giá thành sẽ cao hơn. Đợt rồi bà Hoạt bán 80 tấn cá, vừa lỗ giá thành còn bị doanh nghiệp “nợ” tiền cá kéo dài hơn 4 tháng vẫn chưa trả dứt.
Ông Nguyễn Văn Hưng, cũng ở Thốt Nốt (Cần Thơ) vừa bán 160 tấn cá tra quá lứa (cá lớn trên 1kg/con) chỉ có 20.800 đồng/kg, lỗ hơn 3.000 đồng/kg. Theo ông Hưng, từ năm 2011 đến nay người nuôi cá tra không thể yên tâm, bởi giá cá quá thấp, ai nuôi cũng lỗ.
Dọc theo các tỉnh ven biển ĐBSCL, nhiều hộ nuôi tôm cũng muốn… khóc vì dịch bệnh làm tôm chết trên diện rộng. Ông Võ Văn Chồi, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), thừa nhận: “Kinh tế chính của xã là con tôm, nhưng tôm năm nay nuôi nhiều – chết nhiều; có hộ thả đi thả lại 3- 4 đợt, tôm vẫn chết, thiệt hại bạc tỷ. Chỉ riêng xã Ngọc Tố nuôi 2.100ha tôm thì hơn 80% diện tích thiệt hại hoàn toàn, đẩy hàng ngàn hộ vào cảnh nợ chất chồng”.
Hỗ trợ vốn chưa đến nông dân
Nhiều người nhận xét, năm nay là năm “hạn” của ngành chăn nuôi, bởi nhiều hộ bị thiệt hại “kép” về giá cả lẫn dịch bệnh. Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL cho biết, đã có hàng loạt hộ chăn nuôi, nhất là những hộ nuôi nhỏ lẻ phải đóng cửa chuồng trại, treo ao hầm… vì thua lỗ, phá sản.
Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL |
Tại Đồng Tháp, Long An… lượng đàn heo giảm từ 30% - 50%; trong khi số hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL treo ao từ 30% - 40% diện tích; còn người nuôi tôm cũng đang bỏ ao đầm hàng loạt… Trước tình hình trên, khôi phục ngành chăn nuôi đang là yêu cầu bức thiết. Song, thiếu vốn là vấn đề nhức nhối đối với các hộ chăn nuôi muốn tái đầu tư.
Giải quyết việc này, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện việc giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất các khoản vốn đã vay. Đồng thời tiếp tục cho vay mới với lãi suất thấp (11%) cho các hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nuôi gia cầm, cá tra…
Theo tính toán của Bộ NN-PTNT, để nuôi cá tra đạt sản lượng 800.000 tấn, tổng số vốn cần khoảng 18.000 tỷ đồng; trong đó đề xuất hộ nuôi độc lập được vay 60% và doanh nghiệp vay 40% nhu cầu. Đối với người nuôi tôm, đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ 20 triệu đồng/ha cho những diện tích tôm nuôi thiệt hại từ 70% trở lên… Dù các ngành chức năng đã có những động thái tích cực để “cứu” người chăn nuôi sớm khôi phục sản xuất, nhưng việc triển khai ở các địa phương rất chậm chạp.
Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang thừa nhận, người nuôi cá tra ở ĐBSCL đang khát vốn, song việc tiếp cận nguồn vốn vô cùng khó khăn bởi các ngân hàng rất dè dặt cho vay nuôi cá tra. Lãnh đạo UBND các tỉnh ven biển ĐBSCL cho biết, hầu hết người nuôi tôm thiếu vốn trầm trọng, trong khi các ngân hàng hạn chế cho vay nên việc khôi phục lại những cánh đồng tôm vô cùng khó. Ông Trần Minh Trí, ở phường 2, thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp), bức xúc: “Nghe thông tin giãn nợ, khoanh nợ và tiếp tục cho vay chăn nuôi với lãi suất ưu đãi, người dân rất mừng. Thế nhưng, khi đề nghị vay vốn chăn nuôi thì ngân hàng nào cũng lắc đầu. Cuối cùng mọi chuyện đều vô vọng”.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về việc người dân “kêu” không tiếp cận được vốn chăn nuôi, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp cho biết, đã chỉ đạo 26 tổ chức, tín dụng ở tỉnh thực hiện cho vay sản xuất, chăn nuôi… Qua đó, các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho 753 doanh nghiệp và 43.882 hộ cá thể, với tổng số tiền khoảng 13.000 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 8-2012, dư nợ của tỉnh đạt hơn 25.078 tỷ đồng, trong đó riêng cá tra hơn 4.900 tỷ đồng. Về cơ bản các ngân hàng tiếp tục giãn nợ và cho vay lĩnh vực chăn nuôi; song không phải ai cũng được giải ngân, bởi các ngân hàng có sự lựa chọn những đối tượng đáp ứng được điều kiện cần thiết.
Ông Võ Ngọc Diệp, Giám đốc Ngân hàng Công thương chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm: “Cho vay chăn nuôi vẫn được ngân hàng thực hiện. Đến nay dư nợ cho vay nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hơn 1.930 tỷ đồng, riêng cá tra gần 892 tỷ đồng. Vấn đề là hộ, cơ sở chăn nuôi, doanh nghiệp… phải chứng minh được phương án sản xuất hiệu quả, tính khả thi cao… thì ngân hàng mới cho vay. Ngược lại, nhiều hồ sơ chỉ nói chung chung nên không giải ngân được”.
Cũng theo ông Diệp, với xu thế phát triển hiện nay, các ngân hàng cũng đang chuyển từ việc cho vay sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ, sang cho vay chăn nuôi tập trung - quy mô lớn. Các vùng chăn nuôi phải nằm trong quy hoạch, có đầu tư bài bản về kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, phương án sản xuất, gắn kết đầu ra sản phẩm với doanh nghiệp… Những đối tượng chăn nuôi trên sẽ được ưu tiên nguồn vốn.
Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, đồng tình với phương án giảm chăn nuôi nhỏ lẻ bởi dễ phát sinh dịch bệnh, khó quản lý, chi phí giá thành tăng cao… Nhằm tiến tới mô hình nuôi công nghiệp, có sự kiểm soát chặt chẽ đầu vào - đầu ra, ngành chăn nuôi cần mạnh dạn thay đổi, tìm hướng đi mới để phát triển bền vững.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.