Đồng bằng sông Cửu Long: Nông dân gặp khó khăn với vụ lúa hè thu

       Nhiều hộ nông dân đang lâm vào cảnh khốn khó khi đang kỳ thu hoạch gặp phải mưa lớn kéo dài, lúa bị mọc mầm không có chỗ để phơi, giá lúa thu mua quá thấp…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, vụ lúa hè thu năm 2013, địa phương gieo cấy hơn 76.000 ha, đạt 101% kế hoạch năm. Dự kiến, đến cuối tháng 6 đầu tháng 7 tới sẽ thu hoạch dứt điểm, ước đạt tổng sản lượng lúa cả vụ khoảng 420 nghìn tấn, trong đó lúa hàng hóa khoảng 350 nghìn tấn.

Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác trong khu vực, tại tỉnh Hậu Giang, nhiều hộ nông dân đang lâm vào cảnh khốn khó khi đang kỳ thu hoạch gặp phải mưa lớn kéo dài, trời mưa đã khiến cho lúa bị mọc mầm do không có chỗ để phơi. Theo các hộ nông dân ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, lúa vừa thu hoạch lên bờ, gặp mưa, người thu mua chỉ trả 2.850/kg. Trong khi đó, chỉ tính phần công thu hoạch, mỗi ha lúa đã tiêu tốn 8 triệu đồng.

Những hộ nông dân ở đây cho biết, chỉ riêng tiền thuê gặt, chuyên chở và suốt lúa cũng đã bằng tiền bán lúa. Chưa kể là tiền phân bón, giống phải bỏ ra trước đó, nên người nông dân lỗ nặng.

Mưa lớn kéo dài gây đổ lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long
(Ảnh: K.V)

Kể từ ngày 15/6/2013, đợt thu mua tạm trữ lúa gạo vụ hè thu 2013 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chính thức bắt đầu. Sau khoảng chục ngày tiến hành mua lúa tạm trữ, giá lúa không tăng mà có chiều hướng giảm. Tại Hậu Giang, giá lúa có nơi chưa được 3 nghìn đồng. Lỗ vốn, nhưng nông dân buộc phải bán bởi nếu lúa lên mầm thì mất trắng.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo cho các công ty nâng cao việc thu mua tạm trữ để nâng giá mua lên nhưng các công ty cũng chỉ nâng nhẹ bởi hiện giá gạo thế giới rất thấp, trong khi các công ty lại chịu trách nhiệm về kinh doanh.

Cũng theo Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, do gặp nhiều yếu tố khó khăn, tỉnh chỉ thu mua tạm trữ từ 10 nghìn đến 15 nghìn tấn gạo, tương đương khoảng từ 20 nghìn đến 30 nghìn tấn lúa trong vụ hè thu này. Trong đó, phần lớn sản lượng thu mua giao cho Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang đảm nhận thực hiện. Tuy lượng lúa thu mua này chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng lúa vụ hè thu trong dân, nhưng các công ty, các doanh nghiệp trên địa bàn đang phàn nàn về khó khăn trong việc thiếu kho bãi, đầu ra…

Cụ thể, Bộ Tài chính công bố giá thành sản xuất lúa hè thu của tỉnh Hậu Giang là 4.816 đồng/kg, trong khi đó hiện nay giá lúa trên thị trường nông dân bán thấp hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, quyết định thu mua tạm trữ lúa, gạo của Chính phủ lại chậm so với lịch thời vụ sản xuất của địa phương. Do đó, một bộ phận lớn người trồng lúa chưa được hưởng lợi từ chủ trương này. Khi quyết định chưa có hiệu lực, một phần lớn diện tích lúa vụ hè thu đã thu hoạch. Đây là thời điểm mà người dân bị thương lái ép giá, vì thị trường lúc này chưa có khung giá thành chung. Trong khi đó, nông dân thu hoạch lúa buộc phải bán, vì không có điều kiện trữ lại, thiếu sân phơi, lò sấy, không có vốn đầu tư tái sản xuất vụ tiếp theo…

Tại tỉnh Đồng Tháp, địa phương có khả quan hơn trong việc thu mua, tuy nhiên, khó khăn vẫn còn rất lớn đang ở phía trước. Trong đợt thu mua tạm trữ lúa gạo vụ hè thu 2013, Công ty Lương thực Đồng Tháp được phân bổ thu mua 33 nghìn tấn quy gạo. Tính đến ngày 24/6, Công ty đã thu mua gần 8 nghìn tấn, chủ yếu tập trung ở các điểm thuộc huyện Tân Hồng và Hồng ngự. Hiện Công ty đang huy động mọi nguồn lực để thu mua để đảm bảo chỉ tiêu tạm trữ gạo trên giao.

Ông Đặng Văn Khương, Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh của Công ty lương thực Đồng Tháp cho biết, để đạt các chỉ tiêu thu mua tạm trữ, Công ty đã phải chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vốn, mạng lưới thu mua. Hiện nay, hệ thống kho và máy móc thiết bị của Công ty đã được đầu tư hiện đại và trữ lượng kho lớn với tổng sức chứa trên 100 nghìn tấn, đáp ứng nhu cầu thu mua tạm trữ.

Hiện, giá mua lúa tươi tại ruộng, lúa IR 50404 có giá từ 3.800-4.000 đồng/kg, lúa hạt dài 4.000-4.250 đồng/kg. Theo ông Đặng Văn Khương, tình hình giá cả thị trường lúa, gạo tăng nhưng rất ít sau khi có quyết định thực hiện mua tạm trữ vụ hè thu năm 2013, cụ thể giá lúa các loại tăng từ 50 đến 100 đồng/kg.

Tuy nhiên, do mưa kéo dài, liên tục nên lúa thu hoạch vụ hè thu có chất lượng kém, khi chế biến ra gạo thường bị đen, không đạt tiêu chuẩn gạo để xuất khẩu, tỷ lệ hao hụt khoảng 17%, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thu mua. Đồng thời, nguồn tồn kho lúa, gạo vụ đông xuân 2012-2013 của Công ty còn khá lớn, trong khi đầu ra xuất khẩu bị ảnh hưởng khó khăn chung, giá gạo xuất khẩu sụt giảm tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tranh thủ có nắng, nông dân phơi lúa vừa thu hoạch
(Ảnh: K.V)

Theo kế hoạch phân bổ thu mua lúa gạo tạm trữ được Hiệp hội Lương thực Việt Nam, 4 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo của tỉnh Vĩnh Long được phân bổ 48 nghìn tấn. Ngoài ra, 2 doanh nghiệp có kho chứa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cũng sẽ thu mua tạm trữ tại khoảng 7.000 tấn gạo.

Tại buổi làm việc với Sở Công Thương Vĩnh Long, lãnh đạo 4 doanh nghiệp trong tỉnh đã thông báo kế hoạch thu mua tạm trữ lúa gạo trong vụ lúa Hè Thu 2013. Theo đó, 4 doanh nghiệp sẽ thu mua tạm trữ khoảng 32.000 tấn lúa gạo của nông dân trong tỉnh, số còn lại thu mua ở các vùng nguyên liệu của các xí nghiệp, nhà máy trực thuộc ngoài tỉnh.

Hiện doanh nghiệp đã thu mua lúa gạo tạm trữ, nhưng theo các doanh nghiệp, lượng lúa gạo thu mua chưa đạt yêu cầu và do mưa nhiều nên chất lượng gạo không cao. Các doanh nghiệp cũng dự báo với tình hình xuất khẩu gặp khó thì lúa gạo phẩm chất thấp như IR 50404 sẽ rất khó tiêu thụ.

Có thể thấy, sau khi quyết định tạm trữ lúa gạo vụ hè thu chính thức có hiệu lực, giá lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang ở mức rất thấp. Áp lực về sân phơi, kho, bãi tàng trữ đang đè nặng lên vai người trồng lúa, bởi hiện nay, khu vực này vẫn đang trong thời tiết xấu, mưa kéo dài chưa dứt.

Tại một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long, lúa hạt tròn cũng chỉ được thu mua từ 3.400 – 3.600 đồng/kg, lúa hạt dài được mua từ 4.000 – 4.200 đồng/kg. Tuy nhiên, số lượng thương lái thu mua lúa trong dân cũng rất hạn chế, tình hình thu mua lúa gạo hè thu diễn ra khá chậm. Cũng chính vì tiến độ thu mua chậm nên người nông dân càng khó khăn chồng chất khó khăn, khi mà vụ thu hoạch sắp kết thúc.

Có thể thấy, các loại chi phí sản xuất tăng cao, dịch bệnh trên lúa xuất hiện nhiều, đầu ra sản phẩm lúa, gạo chưa thông suốt, giá thành thấp, thu mua tạm trữ nhỏ giọt như hiện nay… đang là những khó khăn đối với nông dân địa phương. Trong khi đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, vào đầu tháng 4/2013 chỉ riêng các doanh nghiệp trong tổ chức này tồn kho tới gần 2 triệu tấn gạo, còn tồn kho của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nói chung đầu tháng 5 vẫn là trên 2 triệu tấn và đầu tháng 6 khoảng 1,7 triệu tấn.

Một vụ mùa khó khăn, nhọc nhằn với hạt lúa xuống giá, sản xuất thua lỗ đang đe dọa hàng triệu nông dân Đồng bằng sông Cửu Long, nếu thị trường lúa gạo không sớm được cải thiện. Thực tế nêu trên đang đòi hỏi các cấp, các ngành chức năng cần có những giải pháp tích cực và kịp thời để khắc phục, góp phần giảm bớt khó khăn cho nông dân. Giải quyết vấn đề này không dễ dàng, bởi cho dù được hỗ trợ lãi suất, nhưng với giá xuất khẩu còn thấp, lối ra cho mặt hàng gạo vẫn đang là bài toán khó. Tuy vậy, đây là việc cần phải nỗ lực ở mức cao nhất để giải quyết, bởi Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất ở nước ta, có vai trò quan trọng và ảnh hưởng lớn đến thị trường lúa gạo của cả nước./.