Đồng bằng sông Cửu Long: Trên 70 nghìn ha lúa hè nhiễm bệnh
Bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long tích cực phòng trừ sâu bệnh cho lúa |
Thống kê, toàn vùng hiện có trên 70.000 ha lúa hè thu bị nhiễm bệnh đạo ôn lá. Bên cạnh đó, đồng bằng sông Cửu Long còn có trên 60.000 ha lúa bị nhiễm rầy nâu, 3.000 ha lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, tập trung nhiều ở các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre và Long An.
Để chủ động phòng, chống các loại sâu bệnh gây hại cho lúa hè thu, ngành bảo vệ thực vật yêu cầu các địa phương khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện sâu bệnh; cần thực hiện tốt công tác dự báo, nhất là tình hình rầy di trú để thông tin, cảnh báo, điều chỉnh lịch xuống giống tập trung, đồng loạt và né rầy từng khu vực.
Đối với bệnh đạo ôn, theo ngành chức năng cần thực hiện sử dụng hợp lý thuốc hoá học trên nền áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp theo sự hướng dẫn cụ thể của cán bộ chuyên môn bảo vệ thực vật ở địa phương. Tuyệt đối không phun thuốc khi chưa tới ngưỡng cần thiết, vì càng phun thuốc, rầy nâu càng bộc phá và gây hại nhiều hơn.
Các địa phương cũng đã tích cực bảo vệ diện tích lúa hè thu trước sự tấn công của sâu bệnh. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, bệnh đạo ôn lá có xu hướng bùng phát mạnh, với diện tích và mức độ gây hại đều tăng cao, trong đó có hàng chục ha phải tiêu hủy do mức độ nhiễm bệnh từ 78% trở lên. Nguyên nhân bệnh đạo ôn hại lúa bùng phát là do nông dân sử dụng hai giống lúa IR 50404, OM 4218. Đây là hai giống lúa kháng bệnh đạo ôn yếu, mật độ sạ giống dày, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển.
Thời điểm nông dân bón phân cho lúa ở giai đoạn 20 ngày tuổi, gặp thời tiết diễn biến thất thường, nắng hạn kéo dài, sau đó mưa nhiều liên tục, làm cho hiệu quả của việc bón phân bị hạn chế. Ngoài ra, do nông dân sử dụng phân bón lá dạng nước, gặp thời điểm mưa làm phát tán nhanh lượng phân bón nước với số lượng nhiều, đã làm ngộ độc phân bón cho cây lúa, tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn bùng phát mạnh.
Báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lai Vung- tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện trên các trà lúa vụ hè thu trên địa bàn huyện đang xuất hiện nhiều đối tượng gây hại như: đạo ôn lá gây hại nhẹ 190ha, giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng, tỷ lệ nhiễm 5-10%; sâu cuốn lá gây hại nhẹ 15ha, giai đoạn làm đòng, mật số 20 con/m2; đạo ôn cổ bông gây hại nhẹ 80ha, giai đoạn làm đòng, tỷ lệ 5%; nhện gié gây hại nhẹ 167ha, giai đoạn làm đòng, tỉ lệ 10-15%; lem lép hạt gây hại nhẹ 365ha, giai đoạn đòng - trổ, tỷ lệ 5-10%. Trước tình hình trên, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Lai Vung đã khuyến cáo các địa phương và nông dân cần tập trung kiểm tra, thăm đồng thường xuyên để phát hiện kịp thời các đối tượng sâu bệnh gây hại để có biện pháp phòng trị kịp thời.
Bà con nông dân tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau cũng đang tập trung phòng trừ ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn và sâu cuốn lá phá hại trên 10 nghìn ha lúa. Trung tâm khuyến nông các tỉnh này đã khuyến cáo bà con tập trung phòng ngừa đợt rầy nâu và đề phòng các bệnh cháy bìa lá, khô vằn và nhện gié trong điều kiện thời tiết bất thuận như hiện nay./..
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.