Đồng bằng sông Cửu Long: Trữ ngọt, phòng hạn mặn
Rút kinh nghiệm từ những đợt hạn mặn gay gắt trước đây, năm nay, người dân các tỉnh ĐBSCL đã chủ động từ rất sớm trong việc làm ao hồ trữ nước ngọt, nhằm ứng phó khi mặn xâm nhập bất ngờ, tránh nguy cơ bị thiệt hại sản xuất.
Lâu nay, huyện Chợ Lách được xem là “vùng ngọt” của tỉnh Bến Tre, tuy nhiên gần đây nước mặn đã tấn công vào khu vực này, gây ra những thiệt hại về hoa kiểng, vườn cây ăn trái. Nhiều nơi khác, nước mặn cũng xâm nhập sâu bất ngờ, độ mặn cao, khiến người dân trở tay không kịp. Riêng xã Tân Thiềng có khoảng 80% cây giống, cây ăn trái và hoa kiểng bị ảnh hưởng do nước mặn tấn công.
Ông Nguyễn Thanh Nhiếm (ngụ xã Tân Thiềng) cho biết: “Nước mặn không còn theo quy luật của tự nhiên và có xu hướng tấn công sâu vào đất liền. Tôi rất lo cho 1ha vườn sầu riêng có nguy cơ bị ảnh hưởng trong mùa hạn mặn 2021-2022. Để ứng phó, tôi đã chủ động mua 2 túi ni lông loại 25-30m3 về trữ nước ngọt; đồng thời dẫn nước từ sông lớn vào đầy các mương vườn để dự trữ…”.
TS Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, cho biết: “Toàn huyện có hơn 7.500 hộ sản xuất giống cây trồng, với diện tích 1.650ha. Đây cũng là trung tâm sản xuất cây giống lớn nhất vùng ĐBSCL. Ngoài ra, Chợ Lách còn có 4.700 hộ sản xuất hoa kiểng với khoảng 560ha. Tất cả các loại cây trên đều rất mẫn cảm với nước mặn. Do đó, ngành chuyên môn khuyến cáo bà con nên kiểm tra độ mặn trước khi tưới cho cây, đồng thời có giải pháp trữ nước ngọt trong mương vườn, trữ trong các dụng cụ khác nhằm ứng phó kịp thời khi hạn mặn về sớm và kéo dài”.
Ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã yêu cầu Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình như cống Sa Kê, cống Giồng Võ (huyện Mỏ Cày Nam); cửa cống Thành Triệu (huyện Châu Thành); đê bao ngăn mặn từ cống Sơn Đốc 2 đến cống Cái Mít (huyện Giồng Trôm)…
Tại Tiền Giang, nông dân các xã từng bị hạn mặn tấn công cũng đang chủ động trữ ngọt để ứng phó. Ông Nguyễn Thanh Tiến (xã Tam Bình, huyện Cai Lậy) cho biết: “Đợt hạn mặn năm 2019, tôi đã đốn bỏ hết 100 cây sầu riêng 5 năm tuổi vì mặn làm chết hàng loạt, và đã trồng lại số này. Để phòng mặn trong đợt này, tôi đào 2 cái ao trữ nước ngọt. Nếu độ mặn thấp, không kéo dài thì 2 ao với diện tích khoảng 100m2 có thể duy trì được 2 tháng”.
Hiện, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang đã triển khai các công trình phòng chống hạn mặn mùa khô năm 2021-2022 nhằm đảm bảo nguồn nước cho khoảng 83.000ha cây ăn trái, 49.000ha lúa và hơn 26.000ha rau màu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho biết, đã và đang thi công các công trình thủy lợi ngăn mặn và trữ nước ngọt; tổ chức vận hành hợp lý các công trình để phục vụ tốt nhất cho sản xuất; sẵn sàng vận hành các giếng cung cấp nước ngọt cho các vùng bị ảnh hưởng…
Ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cũng đã đề xuất khoảng 29 tỷ đồng để nạo vét 16 tuyến kênh ở vùng dự án ngọt hóa Gò Công bị bồi lắng, với chiều dài 135.130m; nạo vét các tuyến kênh ở huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành, Gò Công Tây, Chợ Gạo, Tân Phú Đông…, nhằm phục vụ phòng chống hạn và xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022 cũng như các năm tiếp theo.
Tại Trà Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn kiến nghị Bộ NN-PTNT bổ sung quy hoạch hồ chứa ngọt sông Láng Thé vào quy hoạch hệ thống hồ thủy lợi của Bộ NN-PTNT, nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt vào mùa khô cho tỉnh, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp ổn định và bền vững, không còn phập phồng lo sợ cảnh thiếu nước ngọt vào mùa khô.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo, vào tháng 1-2022, ở các địa phương ven biển ĐBSCL nước mặn có thể vào sâu 35-45km; tháng 2 và tháng 3-2022, mặn có thể xâm nhập 50-65km… Do đó, các tỉnh cần tăng cường giám sát mặn và cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.