Đồng bằng sông Cửu Long trúng mùa lúa đông xuân sớm

       Đến trung tuần tháng 2/2012, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thu hoạch 280.000 ha lúa đông xuân sớm trong tổng diện tích hơn 1,56 triệu ha vụ này. Năng suất đạt từ 6,3 tấn/ ha.

          

                                                      Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa đông xuân

Giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.600 – 5.750 đ/kg, lúa dài khoảng 5.750 – 5.900 đ/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.450 – 7.600 đ/kg, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 7.350 – 7.500 đ/kg tùy chất lượng và tùy từng địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì khoảng 8.750 – 8.900 đ/kg, gạo 15% tấm 8.250 – 8.400 đ/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.900 – 8.050 đ/kg tùy theo chất lượng và địa phương. So với năm 2011, giá lúa có giảm nhưng nông dân vẫn lãi từ 30% trở lên.

Các tỉnh cung ứng thêm lúa giống xác nhận đủ cho bà con sản xuất; vận động nông dân sản xuất theo nhóm liên kết. Từng cánh đồng sản xuất cùng một loại giống để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu sản phẩm thuận lợi. Các tỉnh vận động nông dân mở rộng áp dụng biện pháp IPM, “3 giảm 3 tăng”, ”1 phải 5 giảm” (sử dụng giống xác nhận, giảm lượng lúa giống, giảm phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật, giảm thất thoát nước (tiết kiệm nước) và giảm thất thóat sau thu hoạch). Các biện pháp này giúp giảm chi phí, lúa ít sâu bệnh, năng suất lại tăng. Ngành nông nghiệp các tỉnh huy động cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn để phối hợp với chính quyền cơ sở theo dõi chặt chẽ diễn biến của sâu rầy đồng thời hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng theo khuyến cáo khoa học.

Cơ cấu giống được các tỉnh bố trí phù hợp với từng vùng sinh thái. Vùng bán đảo Cà Mau ưu tiên các giống lúa ngắn ngày, chịu phèn mặn và điều kiện khó khăn. Vùng Tây sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên ưu tiên các giống lúa thâm canh cao. Vùng phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu ưu tiên sử dụng các giống lúa cao sản chất lượng cao. Vùng Đồng Tháp Mười ưu tiên các giống lúa cực ngắn ngày, chịu phèn. Các tỉnh bố trí thời vụ theo hướng tập trung né rầy, thời vụ gieo sạ tập trung cho từng vùng của mõi tỉnh, thành. Những tỉnh cạnh nhau phối hợp để các vùng giáp ranh cùng chung một đợt xuống giống. Các tỉnh mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn để trồng lúa theo tiêu chuẩn “Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt - VietGap” để gia tăng số lượng gạo chất lượng cao xuất khẩu, đồng thời giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng nông sản theo hướng tập trung với khối lượng lớn, chất lượng cao.

Nhờ các biện pháp tích cực này, diện tích lúa bị nhiễm sâu rầy đều được kiểm soát tốt, không bùng phát thành dịch.