Đột phá công nghệ phim Việt
Ngoài sứ mệnh mở đường thành công với thể loại “võ hiệp kỳ tình” và có những khám phá mãn nhãn về cảnh sắc VN, Thiên mệnh anh hùng còn đánh dấu chặng đường mới hiện đại hơn về công nghệ, kỹ xảo.
Phim có những đột phá ở khâu kỹ xảo mang lại hiệu quả tốt - Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Xứng đáng với 25 tỉ
Để thổi vào bộ phim hơi thở võ hiệp, đạo diễn đã sử dụng phần lớn số tiền đầu tư hơn 25 tỉ đồng cho việc hóa trang, đạo cụ, phục trang, kỹ xảo… nhằm dàn dựng rất nhiều cuộc chiến trải dài gay cấn từ đầu đến kết phim. Những kỳ công về đầu tư đó đã nhận được tín hiệu tích cực khi phim được đánh giá cao ở nhiều khâu.
Các cảnh quay được dàn dựng công phu qua sự chỉ đạo của đạo diễn võ thuật Johnny Trí Nguyễn đã mang tới hiệu quả cao về thị giác. Là người có kinh nghiệm về võ thuật và diễn xuất nên các màn võ thuật dựa trên các môn võ cổ truyền của VN, đặc biệt là các màn đấu kiếm do Trí Nguyễn dàn dựng rất giàu tính điện ảnh, vừa đem lại cảm giác thật khi các nhân vật đánh nhau, vừa đem lại hiệu quả hình ảnh tốt. Theo Trí Nguyễn, người xem có xu hướng hay so sánh giống võ của Trung Quốc, nhưng với võ thuật dùng trong điện ảnh, luôn có những động tác tương đồng giữa võ thuật các quốc gia, như các thế đánh thẳng, đá thẳng, từ trên xuống hay từ dưới lên. Còn những động tác bay lượn hay phóng chưởng thì đây là đặc trưng của phim fantasy (kỳ ảo). Trí Nguyễn cho biết: “Phim có phần bay nhảy nhiều nên không ít bối cảnh đòi hỏi phải kéo dây, phải tập luyện cho diễn viên biết điều khiển tư thế khi bay trên dây; phần đánh nhau dùng vũ khí dễ bị thương nên phải tập cho diễn viên từ văn bản đến võ thuật và diễn”.
500 bộ trang phục
Vấn đề luôn được mang ra mổ xẻ “nhiệt tình” nhất trong các bộ phim cổ trang Việt chính là phục trang, hóa trang. Riêng ở khâu này, đạo diễn và nhà sản xuất đã mời được những chuyên gia hàng đầu, như nghệ sĩ Lilian Tran - một Việt kiều Mỹ chuyên về hóa trang đặc biệt để hóa trang cho những tạo hình lạ trong phim. Thiết kế chính trang phục là họa sĩ Huỳnh Mỹ Ngọc, người đã thiết kế cho phim Khát vọng Thăng Long trước đây, và nghệ nhân Vũ Văn Giỏi. Có tổng cộng gần 500 bộ trang phục đã được may cho phim và trang phục tốn nhiều công sức nhất là của Hoàng Thái hậu (do Vân Trang thủ vai) vì có rất nhiều chi tiết. Đạo cụ cho phim cũng thế, bộ phận chế tác phải đặt làm mới toàn bộ để phù hợp với bối cảnh phim, đặc biệt là các loại vũ khí nhìn rất thật từ các chất liệu gỗ, inox và nhôm. Phụ trách chính việc thiết kế đạo cụ và cảnh trí trong phim là họa sĩ Joji Panminhtuan; tổ chức thực hiện đạo cụ và bối cảnh là chuyên gia Vũ Huy Ngọc Bảo. Phim cũng phải xây dựng mới nhiều bối cảnh lớn, công phu như cảnh đường phố kinh thành Thăng Long, các cảnh nội như mật thất trong phủ Vương gia. Những đạo cụ lớn nhất là các khối lắp ghép tạo ra cổng thành, các ngôi nhà trên phố, hai con kỳ lân.
Không chỉ làm một cuộc “cách mạng” về trang phục, đạo cụ, võ thuật… cho thể loại phim võ hiệp, Thiên mệnh anh hùng còn có những đột phá ở khâu kỹ xảo khi được đầu tư nhiều công sức để có được hiệu quả tốt nhất so với các phim Việt từ trước đến giờ. Có 3 công ty tham gia làm kỹ xảo cho phim: 2 công ty từ Việt Nam là Vinamation và Cyclo, cùng 1 công ty Hàn Quốc là Atom chuyên về kỹ xảo 3D. Công ty Kantana của Thái Lan đảm trách chỉnh màu. Phim cũng sử dụng 2 loại máy quay hiện đại hàng đầu, đó là máy RED cho các cảnh bình thường và máy EPIC cho các cảnh hành động. Máy EPIC có khả năng quay tới 300 khung hình cho một giây nên các cảnh hành động, bay lượn được quay rất chi tiết, đem lại hiệu quả cuối cùng rất đẹp. Việc xử lý các cảnh kỹ xảo cho phim tốn rất nhiều thời gian, từ xóa dây trong các cảnh hành động có bay lượn đến việc tạo các hình ảnh nền cho các cảnh quay trên phông xanh. Có những cảnh kỹ xảo trong phim rất khó thực hiện, như đoạn kỳ lân nổi dậy ở đầu phim hay cảnh Nguyên Vũ thi triển ngón đòn kỳ lân công, nhưng cuối cùng đạo diễn cũng thở phào vì những thước phim bắt mắt.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.