Đột phá trong quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Ngày 25-2, sau gần 1 năm triển khai thực hiện, Bộ Công an đã khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư và hệ thống sản xuất cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD). 
z6b_nbyi
Quy trình, thủ tục làm thẻ CCCD được thực hiện nhanh, tiết kiệm thời gian hơn cho người dân và lực lượng thực hiện

Đây là 2 dự án “chưa có tiền lệ”, được triển khai đồng loạt trên 63 tỉnh, thành phố với khối lượng công việc khổng lồ và phải đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn cao nhất về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ.

Chuẩn hóa và bảo mật cao nhất

Được Chính phủ giao nhiệm vụ, Bộ Công an (trực tiếp là Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội – C06) đã lựa chọn nhà thầu liên danh VNPT – HADIC – GTEL ICT để thiết kế và xây dựng Hệ thống CSDLQG về dân cư và liên danh GTEL ICT – Tecapro – Egov, liên danh Công ty CP Tập đoàn MK xây dựng và vận hành Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD.

Với nguyên tắc “Hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, chống lãng phí”, 2 hệ thống được thiết kế tập trung bao gồm trung tâm dữ liệu chính đặt tại Hà Nội và trung tâm dữ liệu dự phòng đặt tại TPHCM. Thiết kế chi tiết 2 hệ thống được phê duyệt trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ sinh trắc học đảm bảo tính truy nguyên. Trong đó, hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD đã được thiết kế, xây dựng theo mô hình dùng chung, kế thừa và tận dụng tối đa hiệu quả từ hệ thống CSDLQG về dân cư. Hai hệ thống đáp ứng an ninh an toàn thông tin cấp độ 4 đối với thông tin quan trọng quốc gia theo quy định của Chính phủ và áp dụng giải pháp xác thực, ký số toàn vẹn dữ liệu, bảo mật kênh truyền.

Hệ thống CSDLQG về dân cư được đánh giá là “tài nguyên quốc gia đắt giá”, đóng vai trò quan trọng trong xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số với kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam. Đây là một dự án lớn đòi hỏi các bên tham gia phải có tiềm lực mạnh về công nghệ thông tin cùng kinh nghiệm triển khai các dự án lớn mang tầm quốc gia. Với nền tảng công nghệ mạnh, hiện đại và rộng khắp cùng đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm, Tập đoàn VNPT đã được lựa chọn trong liên danh nhà thầu thực hiện dự án này. Ông Phạm Đức Long, Chủ tịch Tập đoàn VNPT, cho biết, với những kinh nghiệm đã triển khai nhiều dự án lớn trong những năm qua, đặc biệt là những dự án trọng yếu của Chính phủ; với vai trò chủ trì công nghệ của dự án, VNPT đã tập trung cao độ nguồn lực, huy động hơn 3.000 nhân sự có trình độ cao trên cả nước quyết liệt trong triển khai dự án quan trọng này.

Khai thác có hiệu quả Hệ thống CDSLQG về dân sự

VNPT và các đối tác của mình xác định dự án CSDLQG về dân cư rất quan trọng, có mức độ ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ dân cư trên cả nước, cần tính bảo mật cao. Vì vậy, liên danh nhà thầu đã chọn kiến trúc về ứng dụng, hạ tầng, bảo mật đa lớp và đa công nghệ. VNPT cũng đề xuất áp dụng những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại đang được sử dụng trên thế giới cho bài toán cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các công nghệ được sử dụng đảm bảo hệ thống đạt được các tiêu chí khắt khe về an toàn thông tin, tiện lợi cho người sử dụng, dễ dàng mở rộng để đáp ứng các yêu cầu mới trong tương lai. Bộ Công an và các bên liên quan cũng đã hoàn thành việc nghiên cứu, sản xuất thẻ CCCD mới có gắn chip và mã QR với thiết kế mỹ quan, mang yếu tố lịch sử, truyền thống, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và nhất là bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định. Hiện lực lượng công an đã tổ chức triển khai thu nhận và cấp thẻ CCCD có gắn chip trên phạm vi toàn quốc, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến trước ngày 1-7-2021 cấp 50 triệu thẻ đối với các trường hợp đủ điều kiện được cấp thẻ.

Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng C06, cho biết: Dự án CSDLQG về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD là một trong 6 cơ sở dữ liệu được ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử. Vận hành và khai thác có hiệu quả Hệ thống CDSLQG về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp, quản lý CCCD cùng với các giải pháp CNTT đã và đang được triển khai trong thời gian qua, không chỉ làm giàu thêm hệ sinh thái chính phủ điện tử mà còn góp phần kiến tạo chính phủ liêm chính, hành động, phát triển, phục vụ nhân dân, đóng góp thiết thực vào tiến trình xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia số trong tương lai không xa.

CSDLQG về dân cư khi chính thức được đưa vào khai thác sẽ có tác động tích cực đến nhiều mặt hoạt động của đất nước. Tổng chi phí tiết kiệm được là 4.864 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dự án CSDLQG về dân cư cắt giảm được 204 tỷ đồng kinh phí gói tổng thầu; Dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD tiết giảm được 1.015 tỷ đồng so với dự toán trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nguồn SGGP