Dự án đại lộ Đông Tây – Tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội TPHCM
Ngày 20-11, toàn bộ tuyến đại lộ Đông Tây, trong đó có hầm Thủ Thiêm, chính thức thông xe. Đây là công trình giao thông hiện đại tầm cỡ quốc tế của TPHCM.
Từ khu lụp xụp… thành đại lộ
Sau 6 năm thi công với bao trông đợi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP, giờ đây đã có một cung đường uốn lượn bên bờ kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. Hai bên đường với những hàng cây đang đâm chồi như một dải lụa xanh mượt mà. Đây còn là công trình góp phần cải tạo môi trường vốn một thời nổi tiếng là dòng kênh đen, giờ đang dần trong xanh.
Miệng hầm Thủ Thiêm phía quận 2. Ảnh: THANH TÂM |
Vào những ngày này, dọc trên đại lộ Đông Tây, công nhân đang hối hả trồng thêm những ô cỏ xanh, chăm chút lại từng vạch sơn phân làn để chờ đón công trình hiện đại này chính thức thông xe sau bao năm mong chờ. Người dân sinh sống dọc theo con đường này giờ đây có thể tự hào về một TPHCM đã có công trình giao thông mang tầm cỡ quốc tế.
Ông Trần Thanh Quang, ngụ phường 13, quận 5, nơi có gần 10.000 hộ dân bị giải tỏa trắng hoặc giải tỏa một phần diện tích nhà ở dự án đại lộ Đông Tây cho biết, khi chưa có tuyến đường, đa số người dân sống trên đường Hàm Tử, Trần Văn Kiểu ở trong những căn nhà tạm bợ, lụp xụp, nhếch nhác như những khu ổ chuột. Bà con hiểu việc di dời nhà không chỉ giúp xây dựng đại lộ Đông Tây, góp phần vào việc giảm kẹt xe mà còn tạo điều kiện cải tạo môi trường, đem lại cảnh quan sạch đẹp cho TP. Người dân đã được bố trí tái định cư tại các chung cư mới, điều kiện sống tốt hơn, được cho vay vốn làm ăn và đến nay đã ổn định cuộc sống.
Ông Lưu Quang Tửu, một trong hàng ngàn hộ bị giải tỏa trắng trên đường Hàm Tử và được tái định cư ở khu dân cư quận 5, nói: “Gia đình tôi và hàng trăm hộ dân bị giải tỏa di dời để bàn giao mặt bằng thực hiện dự án trong những ngày đầu tiên rất lo lắng về việc tái định cư, thay đổi chỗ ở mới là chuyện không dễ dàng. Nhận thức được tầm quan trọng đây là công trình góp phần phát triển hệ thống giao thông đô thị cải thiện môi trường nhằm nâng cao mức sống và người dân là người được hưởng lợi. Hôm nay công trình đã hoàn thành, người dân rất vui mừng vì TP xây dựng được con đường quá hiện đại”.
Người từng là cư dân bị giải tỏa, ông Nguyễn Quốc An ngụ quận 2 chỉ vào những khu đất trống bằng phẳng và hình dung về một Thủ Thiêm rất khác trong vài năm tới: “Những khu đất này sẽ rũ bỏ cảnh sình lầy hoang hóa, lụp xụp để trở thành trung tâm kinh tế văn hóa mới của TP. Những cao ốc, công viên, quảng trường… sẽ mọc lên bên bờ sông Sài Gòn tạo thành một cụm công trình hiện đại. Và trên tất cả, cuộc sống của người dân nơi đây sẽ đủ đầy, no ấm hơn. Đặc biệt, người dân đi lại trên con đường hiện đại rộng thênh thang…”.
Ước mơ đã hiện thực
Sau gần 8 năm chuẩn bị và giải phóng mặt bằng, ngày 31-1-2005, Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn nút khởi công xây dựng dự án đại lộ Đông Tây (đường Võ Văn Kiệt). Đây là dự án hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất tại TPHCM từ trước đến nay, trải dài trên địa bàn các quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Lúc đó, Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn mạnh, đây là dự án có đường hầm vượt sông đầu tiên ở Việt Nam và cũng là dự án có vốn tài trợ của Nhật Bản lớn nhất vào thời điểm đó.
Để có được một đại lộ thênh thang như ngày nay, trong suốt quá trình xây dựng, TP cũng gặp không ít khó khăn như công tác đền bù giải tỏa, quy trình đấu thầu, xử lý các sự cố… Trong đó, hạng mục xây dựng hầm Thủ Thiêm là công đoạn phức tạp và khó khăn nhất của dự án này. Hầm Thủ Thiêm là hạng mục cuối cùng, đồng thời là hạng mục quan trọng nhất của dự án đại lộ Đông Tây, công trình lịch sử của TP và là đường hầm vượt sông đầu tiên ở Việt Nam, lớn nhất Đông Nam Á, có công nghệ xây dựng hiện đại và phức tạp nhất hiện nay.
Mỗi bên hầm Thủ Thiêm có 2 làn đường dành cho ô tô và xe tải. Ảnh: THANH TÂM |
Đến nay, mọi công đoạn xây dựng của hầm Thủ Thiêm đã hoàn thành. Hiện tại, đại lộ Đông Tây đã hoàn tất, thời gian đi lại giữa 2 hướng này giảm khoảng 20 phút so với trước đây. Góp phần chia tải cho các trục đường khu vực phía Nam nội thành, cho cầu Sài Gòn; đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa từ các cảng thành phố đi về miền Đông và miền Tây Nam bộ. Quan trọng hơn hết, đại lộ Đông Tây có hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn nối trung tâm thành phố hiện hữu với quận 2, khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ góp phần rất lớn vào việc phát triển vùng đất này.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lê Toàn cho biết, đây là trục đường đô thị mới với chức năng là trục đường chính đến xa lộ Hà Nội, cũng như hình thành một phần của đường vành đai trong khu vực phía Nam. Đi trên tuyến đường từ quận 1 ra cửa ngõ về miền Tây (quốc lộ 1A) sẽ rút ngắn khoảng 1/2 thời gian so với đi các tuyến đường khác như Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Kinh Dương Vương có quá nhiều giao lộ và đèn tín hiệu giao thông.
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân xúc động nói: “Để có được tuyến đường như hôm nay, nhà đầu tư các đơn vị thi công, tư vấn giám sát và các sở ngành đã có nhiều nỗ lực vượt qua những thời điểm khó khăn, thách thức; áp dụng nhiều cách làm mới, nhất là trong khâu thủ tục để rút ngắn thời gian. Mặt khác, dự án này được tập trung xây dựng với tiến độ cao nhất, kể cả trong thời kỳ giá vật liệu tăng đột biến nhưng tiến độ thi công hoàn thành trước kế hoạch”.
Chủ tịch Lê Hoàng Quân gửi lời cảm ơn toàn thể nhân dân, các hộ gia đình và các đơn vị liên quan đã hy sinh quyền lợi vì sự phát triển chung của thành phố.
Dự án đại lộ Đông Tây có đến 24 cầu các loại và đặc biệt có hạng mục hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn. Toàn bộ hầm Thủ Thiêm dài 1.490m bao gồm 371m hầm dìm, phần còn lại là đường dẫn. |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.