Dự án đầu tư BOT điện và vấn đề đặt ra

Ảnh minh hoạ (Nguồn: binhphuoc.pc2.vn)

       Với mục tiêu tốc độ tăng trưởng nguồn điện giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 14,1-16% và giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 11,3-11,6%, từ năm 2011-2020 Việt Nam sẽ cần phải đầu tư, xây dựng các nhà máy điện mới với tổng công suất trên 50.000 MW.

Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện vai trò chủ đạo trong đảm bảo đầu tư phát triển nguồn điện, Việt Nam cần đẩy mạnh việc khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng các công trình nguồn điện theo các hình thức khác nhau, trong đó có hình thức BOT để xây dựng kết cấu hạ tầng điện, góp phần đưa nền kinh tế phát triển bền vững.

Thời gian qua, Việt Nam đã và đang ra sức đàm phán xây dựng các nhà máy điện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc đàm phán này thường có thời gian tương đối dài, từ 1 đến 5 năm do phát sinh nhiều vướng mắc. Để tháo gỡ những vướng mắc và đẩy mạnh việc đàm phán xây dựng các dự án BOT điện, ngày 12/9/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ra công văn số 1604/TTg-KTN về một số chính sách đối với việc xây dựng nhà máy điện theo hình thức BOT. Có thể thấy, đây là văn bản quan trọng, tạo ra tiền lệ tích cực để phát triển các dự án hạ tầng cung cấp điện trong khi chờ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hình thức đầu tư này trong lĩnh vực điện lực tại nước ta.

Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần sớm có chính sách để giải quyết những vướng mắc phát sinh để khuyến khích mạnh hơn hình thức BOT điện. Thực tiễn cho thấy, các ngân hàng cho vay trong dự án BOT luôn yêu cầu doanh nghiệp đầu tư dự án BOT phải có thế chấp đối với toàn bộ động sản và bất động sản (bao gồm cả quyền sử dụng đất). Nhưng, điều này đã làm nảy sinh vấn đề với trường hợp doanh nghiệp được miễn tiền thuê đất, nhưng ưu đãi này lại không bảo đảm được quyền được thế chấp quyền sử dụng đất của doanh nghiệp. Vì, theo Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn không cho phép thế chấp quyền sử dụng đất khi doanh nghiệp BOT được miễn tiền thuê đất. Mặt khác, Luật Đất đai cũng chỉ đề cập tới trường hợp thế chấp bất động sản cho các tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Do đó, để giải quyết những vướng mắc này và đáp ứng yêu cầu thế chấp cho ngân hàng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đề nghị được nộp một khoản tiền thuê đất tượng trưng và đề nghị được thế chấp bất động sản cho một ngân hàng trong nước làm đại lý bảo đảm cho các ngân hàng nước ngoài.

Để giải quyết những vướng mắc về việc các doanh nghiệp nước ngoài trong thế chấp, ngay từ năm 2001, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 09/2001/NQ-CP của Chính phủ ngày 28/8/2001 về việc nghiên cứu các giải quyết yêu cầu của doanh nghiệp nước ngoài đầu tư thực hiện các dự án lớn tại Việt Nam cần thế chấp giá trị quyền sử dụng đất đã được giao hoặc cho thuê dài hạn để vay vốn của các tổ chức tín dụng hoạt động ở nước ngoài trong trường hợp các tổ chức tín dụng ở Việt Nam không có khả năng đáp ứng nhu cầu vốn. Tuy nhiên, đây là vấn đề không dễ. Có ý kiến cho rằng, việc thế chấp sẽ làm cho nước ngoài sở hữu bất động sản; cũng có ý kiến cho rằng, việc thế chấp bất động sản đối với doanh nghiệp nước ngoài cần phải đợi sửa đổi Luật Đất đai để có đủ cơ sở pháp lý;… Trong thực tế, việc thế chấp bất động sản đã từng được xem xét và chấp thuận cho một số dự án BOT điện vào năm 2002, như dự án BOT điện Mông Dương 2. Ngày 16/9/2011, dự án BOT điện Mông Dương 2 chính thức khởi công. Đây là dự án BOT nhiệt điện đốt than công suất 1.200 MW và tổng mức đầu tư ước tính khoảng 2 tỉ USD. Hoạt động vận hành thương mại của nhà máy sẽ bắt đầu vào giữa năm 2015 và dự kiến chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam sau 25 năm hoạt động theo đúng tinh thần của Công văn 1604 về thời hạn hợp đồng (25 năm đối với điện than; 20 năm đối với điện khí).

Nhìn chung, kể từ năm 2001 khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 09/2001/NQ-CP của Chính phủ ngày 28/8/2001, Việt Nam đã có chính sách chung (Công văn số 1604/TTg-KTN) cho phép doanh nghiệp BOT được thế chấp bất động sản cho ngân hàng trong nước làm đại lý bảo đảm và cho phép người nhận chuyển nhượng tài sản được thừa kế quyền sử dụng đất gắn liền với tài sản trong thời gian còn lại của hợp đồng BOT điện. Trên cơ sở đó, Bộ Công thương đang triển khai đàm phán và chuẩn bị hồ sơ mời thầu để phát triển 11 dự án nguồn điện theo hình thức BOT với tổng công suất trên 13.000 MW. Trong đó, 8 dự án đã có chủ đầu tư và 3 dự án đang triển khai đấu thầu chọn chủ đầu tư. Mới đây, ngày 9/9/2011 tại Hải Dương đã diễn ra Lễ khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương. Nhà máy có công suất thiết kế 1.200 MW, bao gồm 2 tổ máy, số vốn đầu tư 2,25 tỷ USD theo hình thức BOT. Dự kiến, tổ máy số 1 sẽ đưa vào sử dụng quý 4-2016 với hợp đồng mua bán điện 25 năm với EVN. Kết thúc thời gian vận hành, dự án này sẽ được bàn giao cho Bộ Công thương.

Có thể thấy, bên cạnh việc cho phép các doanh nghiệp BOT điện thế chấp bất động sản, Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp mang tính tình thế để tháo gỡ những vấn đề nảy sinh trong quá trình đàm phán với các nhà đầu tư nước ngoài, tuy những chính sách này có thể còn mâu thuẫn với pháp luật hiện hành. Điều này đã thể hiện sự nỗ lực và mạnh dạn của Việt Nam trong việc đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng (còn yếu kém), tuy đây là những giải pháp tình thế mang tính cấp bách. Việc nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư vào dự án BOT điện cũng thể hiện niềm tin của họ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam trong khi môi trường pháp lý chưa hoàn thiện.

Với quy mô nền kinh tế của nước ta còn nhỏ, việc triển khai các dự án BOT điện cũng cần thực hiện từng bước. Một số yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài chưa thể đáp ứng được ngay. Chẳng hạn, nhiều nhà đầu tư và ngân hàng cho vay mong muốn Việt Nam phải đảm bảo chuyển đổi ngoại tệ với toàn bộ doanh thu của dự án BOT điện, trong khi Chính phủ bảo lãnh cho họ chuyển đổi thành USD đối với 30% doanh thu của dự án bằng VND sau khi đã trừ đi số chi tiêu bằng VND. Đây là điều bất khả kháng và hợp lý, vì nguồn dự trữ ngoại tệ của nước ta chỉ khoảng 10 tỷ USD và phải dự phòng cho nhu cầu ngoại tệ của cả nước. Trong khi đó, với những dự án BOT điện với nước ngoài, tổng vốn đầu tư đã vượt con số 15 tỷ USD. Chỉ tính riêng 2 dự án BOT điện Mông Dương 2 và Nhiệt điện Hải Dương, đã có tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ USD.

Hội nghị Trung ương 4 khoá XI đã nhấn mạnh, hạ tầng cung cấp điện là một trong 4 lĩnh vực trọng tâm về xây dựng kết cấu hạ tầng để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Do đó, nước ta cần hoàn thiện cơ chế và có chính sách khuyến khích đầu tư đối với các doanh nghiệp ngoài nước nhằm thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, góp phần phát triển hạ tầng cung cấp điện phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo hướng hiện đại và bền vững./.