Dự báo làn sóng lây nhiễm Omicron tại Mỹ sẽ đạt đỉnh vào tuần tới
Một mô hình dự báo của Đại học Washington cho thấy, làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19 tại Mỹ sẽ đạt đỉnh vào tuần tới.
Giáo sư khoa học số liệu y tế tại Đại học Washington ở Seattle, ông Ali Mokdad cho biết, mô hình này dự báo số ca nhiễm mới ghi nhận hàng ngày tại Mỹ sẽ đạt mức đỉnh là 1,2 triệu ca vào ngày 19-1 tới, sau đó sẽ giảm mạnh “đơn giản vì khi đó tất cả những người có thể nhiễm đã nhiễm”. Giáo sư Mokdad nhận định: “Dịch sẽ giảm nhanh như tốc độ gia tăng”.
Lý do dịch bệnh giảm có thể là vì biến thể Omicron lây lan mạnh đến mức hết người lây nhiễm chỉ trong một tháng rưỡi kể từ khi phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi.
Tại Anh, các số liệu của chính phủ cho thấy số ca nhiễm mới tại vương quốc này tuần trước đã giảm xuống còn khoảng 140.000 ca/ngày, sau khi tăng lên hơn 200.000 ca/ngày hồi đầu tháng. Kevin McConway, Giáo sư về thống kê ứng dụng tại Đại học Open (Anh) đã nghỉ hưu cho biết, dịch Covid-19 có thể đã đạt đỉnh tại London, dù số ca nhiễm tiếp tục tăng ở một số nơi khác như Tây Nam England và West Midlands.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo vẫn có nhiều điều chưa biết giai đoạn dịch tiếp theo có thể diễn ra như thế nào. Sự giảm bớt hoặc duy trì số ca nhiễm tại Mỹ và Anh không diễn ra ở tất cả mọi nơi và cũng không theo cùng một tốc độ. Ngay cả khi làn sóng lây nhiễm đã đạt đỉnh, các bệnh nhân và những bệnh viện đang quá tải vẫn sẽ mất nhiều tuần và nhiều tháng nữa để giải quyết vấn đề.
Những số liệu trên làm dấy lên hy vọng rằng Anh và Mỹ sẽ chứng kiến điều từng xảy ra tại Nam Phi, nơi làn sóng lây nhiễm đạt đỉnh trong một tháng và sau đó giảm mạnh. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa Anh và Nam Phi – như dân số Anh già hơn và xu hướng mọi người ở trong nhà nhiều hơn trong mùa Đông – có thể đồng nghĩa một đợt bùng phát phức tạp hơn ở Anh. Mặt khác, quyết định của nhà chức trách Anh áp dụng các biện pháp tối thiểu phòng ngừa Omicron có thể khiến virus lây lan nhanh hơn so với ở các nước Tây Âu khác áp dụng kiểm soát chặt như Pháp, Tây Ban Nha và Italy.
Shabir Madhi, Trưởng khoa y tế tại Đại học Witwatersrand của Nam Phi cho rằng, các nước châu Âu áp đặt phong tỏa không nhất thiết sẽ vượt qua làn sóng Omicron với số ca nhiễm ít hơn, mà ngược lại, tình trạng lây lan sẽ kéo dài hơn.
Ngày 11-1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, trong tuần qua tại châu Âu có 7 triệu ca nhiễm mới và gọi đây là một “trận thủy triều quét qua châu lục này”. Nhóm nghiên cứu của ông Mokdad dự báo một nửa dân số châu Âu sẽ nhiễm Omicron trong 8 tuần. Giáo sư dược Paul Hunter tại Đại học East Anglia của Anh và các chuyên gia khác cho rằng đến khi đó thế giới đã vượt qua đỉnh Omicron.
Ông Hunter cho biết: “Có thể sẽ có những lúc tăng và giảm trong thời gian này, nhưng tôi hy vọng trước lễ Phục sinh sẽ vượt qua đợt dịch này”.
Tuy nhiên, Giáo sư Prabhat Jha tại Trung tâm nghiên cứu sức khỏe cộng đồng của Viện Michael ở Toronto (Canada) cảnh báo: “Vài tuần tới sẽ rất kinh khủng vì số người nhiễm quá cao và làm quá tải khu điều trị tích cực”.
Về phần mình, Giáo sư Mokdad cảnh báo rằng tại Mỹ, “2 hoặc 3 tuần tới sẽ khó khăn. Chúng ta sẽ phải đưa ra các quyết định khó khăn khi để một số lao động chính tiếp tục làm việc dù biết rằng họ có thể bị nhiễm”.
Theo Giáo sư Meyers tại Đại học Texas, đến một ngày nào đó Omicron sẽ được xem là một điểm bước ngoặt của đại dịch. Miễn dịch có được từ việc nhiễm virus, cùng với các loại thuốc điều trị mới và tiêm phòng có thể giúp chúng ta dễ dàng chung sống hơn với SARS-CoV-2. Giáo sư nhấn mạnh: “Tương lai như vậy có vẻ hợp lý, nhưng cũng có thể sẽ xuất hiện một biến thể mới, một biến thể có thể tồi tệ hơn Omicron”.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.