Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân
Hội nghị nêu ý kiến nhân dân góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) – Ảnh: TH. |
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 14 chương và 206 điều (tăng 7 chương, 60 điều) đã cụ thể hóa thành luật các vấn đề phát sinh hiện nay, nhất là việc tranh chấp đất đai, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Dự thảo Luật đã nâng cao vai trò, quyền lợi của người dân, tránh lãng phí đất, từ đó giảm bớt khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và các vấn đề tranh chấp đất đai trong nhân dân.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định: Sửa đổi Luật Đất đai là vấn đề được toàn xã hội quan tâm và có liên quan đến nhiều cấp, ngành, đặc biệt là liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân, nhất là người nông dân. Việc sửa đổi Luật Đất đai lần này phải giải quyết được những vướng mắc, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai, góp phần cải cách thủ tục hành chính về đất đai, vừa bảo đảm quản lý chặt chẽ, vừa bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận tiện; khắc phục tận gốc những hạn chế có thể gây mất ổn định xã hội.
Đồng chí Vũ Trọng Kim lưu ý các đại biểu tập trung góp ý vào những điểm mới liên quan đến các vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tài chính đất đai, giá đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất…
Tại Hội nghị, đa số các đại biểu đồng tình với Dự thảo tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Đồng thời đề xuất, Luật Đất đai (sửa đổi) cần bảo đảm tính thống nhất, nhất quán với những quy định của Hiến pháp. “Luật phải xử lý mối quan hệ: Kinh tế thị trường và vai trò của Nhà nước nhằm điều tiết các lợi ích một cách tương đối hợp lý” – GS Trần Ngọc Hiên, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh tế của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lưu ý.
Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến xung quanh Chương V về vấn đề thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Một số ý kiến cho rằng, cần làm rõ người hoặc cơ quan có trách nhiệm tham gia quá trình quản lý, sử dụng đất. Đại biểu Phạm Gia Hải, Hội đồng tư vấn kinh tế Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề xuất: “Cần làm rõ vấn đề đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Đại diện chủ sở hữu phải là cơ quan lập pháp, thống nhất quản lý cơ quan hành pháp. Đồng thời quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống cơ quan đại diện chủ sở hữu. Cùng với đó, thông qua quy hoạch đất đai toàn quốc, trong đó có theo từng lĩnh vực và vùng lãnh thổ. Địa phương chỉ làm kế hoạch thì mới đảm bảo tính thống nhất trong sử dụng đất đai”.
Vấn đề bồi thường giá đất, hỗ trợ và tái định cư cũng được nhiều ý kiến quan tâm góp ý. Các ý kiến cho rằng, Dự thảo mới chỉ chú ý đến việc bồi thường giá trị đất và giao đất mới mà chưa thực sự chú ý đến đời sống của người dân sau tái định cư. Đồng thời cần phải làm rõ khái niệm bồi thường là gồm những cái gì. Bởi hiện nay mới đặt vấn đề bồi thường đất ở chứ chưa chú ý đến việc đảo lộn sinh hoạt của người dân. Thực tế, khi người dân thay đổi chỗ ở là kéo theo những thay đổi về cuộc sống, nếp sinh hoạt, văn hóa, phong tục, tập quán. Do đó, quy định về bồi thường cần chú ý hơn đến những khía cạnh này.
Các đại biểu cho rằng cần công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Cùng với đó là cải tiến, tinh gọn, tránh các thủ tục rườm rà liên quan đến thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và bám sát quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt. Về cơ chế thu hồi đất cần có chính sách đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân khi có đất bị thu hồi…
Đa số các đại biểu đồng tình với Dự thảo tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu – Ảnh: TH |
Liên quan đến giá đất, các ý kiến đều cho rằng, việc định giá đất trên cơ sở nào là một vấn đề lớn cần nghiên cứu kỹ trong lần sửa đổi này. Đồng thời cần quy định rõ các hình thức giám sát của dân đối với các hình thức sử dụng đất đai. “Người dân có thể trực tiếp góp ý với các cơ quan chức năng hoặc gián tiếp thông qua hội nghị cử tri. Cần có cơ chế, chính sách để MTTQ tham gia giám sát, coi đây là quyền, trách nhiệm của mình. Cùng với đó là cần quy định rõ người dân có quyền biết các kế hoạch sử dụng đất đai của các cơ quan hành chính cũng như giá đất, việc sử dụng đất…” Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Duy Lượng góp ý.
Các nội dung quan trọng khác về thời hạn giao, cho thuê đất… cũng được các đại biểu quan tâm góp ý với nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc…/.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.