Đưa quan hệ Việt Nam – Băng-la-đét phát triển lên tầm cao mới

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống nước Cộng hòa Nhân dân Băng-la-đét Md. Áp-đun Ha-mít (Md. Abdul Hamid) và Phu nhân đã thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 9-13/8/2015.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đón Tổng thống nước Cộng hòa Nhân
dân Băng-la-đét Md. Áp-đun Ha-mít tại Phủ Chủ tịch

Ngày 10/8/2014, sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Md. Áp-đun Ha-mít đã tiến hành hội đàm. Tham dự hội đàm về phía Việt Nam có Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, Đại sứ Việt Nam tại Băng-la-đét Nguyễn Quang Thức, cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Về phía Băng-la-đét có Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Sa-ri-a A-lam, Bí thư Quốc phòng Phủ Tổng thống A-bun Hô-sên, Chánh Thư ký Phủ Tổng thống B. Sa-fi-cum Ít-xlam, Đại sứ Băng-la-đét tại Việt Nam Sha-ha U-la và một số quan chức cấp cao khác.

Tại hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Áp-đun Ha-mít bày tỏ vui mừng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước sau 42 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; đánh giá cao tình cảm tốt đẹp và sự ủng hộ chân tình mà hai bên đã dành cho nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước ngày nay. Với nền tảng tốt đẹp đó, hai nhà lãnh đạo cùng khẳng định quyết tâm tăng cường hơn nữa quan hệ song phương nhằm đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới.

Trên tinh thần đó, hai nhà lãnh đạo nhất trí củng cố và làm sâu sắc hơn các lĩnh vực hợp tác hiện có, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực có tiềm năng, với trọng tâm là hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế-thương mại, nông – ngư nghiệp, khoa học-kỹ thuật, văn hóa, du lịch…và hợp tác trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Hai bên nhất trí tăng cường các chuyến thăm cấp cao và các cấp, đẩy mạnh giao lưu nhân dân; nhất trí thúc đẩy tham vấn, trao đổi, đối thoại về chính sách; sớm tổ chức kỳ họp lần thứ ba Uỷ ban Hỗn hợp về Kinh tế, Thương mại, Văn hóa, Khoa học-công nghệ Việt Nam – Băng-la-đét và Tham khảo Chính trị lần thứ nhất giữa hai Bộ Ngoại giao để kiểm điểm và đề ra phương hướng hợp tác cụ thể cho những năm tiếp theo; xem xét ký thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực mà hai nước có thế mạnh.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân chào mừng Tổng thống Md. Áp-đun Ha-mít và Phu nhân sang thăm chính thức Việt Nam

Hai bên nhất trí cho rằng, hợp tác về quốc phòng-an ninh giữa hai nước cần được tăng cường hơn nữathông qua việc trao đổi đoàn, hợp tác đào tạo, hợp tác và chia sẻ thông tin trong phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và chống di cư bất hợp pháp sang nước thứ ba cũng như trao đổi kinh nghiệm tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Bày tỏ vui mừng trước những kết quả tích cực trong hợp tác kinh tế – thương mại (thương mại hai chiều năm 2014 đã tăng 40% so với năm 2013, đạt hơn 800 triệu USD) và đánh giá cao những tiềm năng hợp tác về kinh tế giữa hai nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Áp-đun Ha-mít nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1 tỷ USD vào năm 2016. Theo đó, hai bên sẽ phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, tập quán thương mại, nhu cầu các mặt hàng cụ thể, thủ tục đầu tư kinh doanh tại mỗi nước; tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp của hai nước trong tiếp xúc, trao đổi, chia sẻ thông tin và tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh. Băng-la-đét ghi nhận đề nghị của Việt Nam về việc tăng cường xuất khẩu các mặt hàng truyền thống của Việt Nam như gạo, nông sản, giầy dép, vật liệu xây dựng, máy móc nông nghiệp… vào thị trường Băng-la-đét.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí khuyến khích Bộ Nông nghiệp của hai bên tích cực triển khai Bản ghi nhớ về Hợp tác Ngư nghiệp và Chăn nuôi và Bản ghi nhớ về Hợp tác Nông nghiệp đã ký nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Băng-la-đét Sếch Ha-si-na năm 2012; nhất trí tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông – ngư nghiệp bền vững; thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu sắp tới; đồng thời tăng cường chia sẻ thông tin, hợp tác trong đấu tranh chống áp thuế bán phá giá đối với các sản phẩm thủy hải sản (cá da trơn, tôm). Hai bên nhất trí tiếp tục mở rộng hợp tác trong các ngành có tiềm năng như dệt may, khai khoáng, năng lượng, hóa chất, cơ khí chế tạo, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến thực phẩm, sản xuất sắt thép, xây dựng, viễn thông.

Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao và nhất trí tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp và sự ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc, Phong trào Không Liên Kết, hợp tác Nam-Nam, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), các hợp tác vùng và tiểu vùng. Việt Nam ghi nhận đề nghị của Băng-la-đét về việc ủng hộ Băng-la-đét trở thành đối tác đối thoại của ASEAN và khuyến khích Băng-la-đét thúc đẩy hợp tác cụ thể và hiệu quả với ASEAN.

Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông và tái khẳng định lập trường của Việt Nam trong việc gìn giữ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở khu vực, giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS), không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC).

Tổng thống Băng-la-đét Áp-đun Ha-mít ghi nhận và cho rằng, hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới là yếu tố quan trọng cho hợp tác, phát triển; các nước cần tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế đã được thừa nhận, tăng cường đối thoại để giải quyết hòa bình mọi tranh chấp, đảm bảo an toàn và tự do hàng hải.

Cuộc hội đàm đã diễn ra trong bầu không khí thân mật, thắm tình hữu nghị. Tổng thống Băng-la-đét chân thành cảm ơn Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã dành cho đoàn sự đón tiếp trọng thị, thân tình và trân trọng mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hữu nghị chính thức Băng-la-đét vào thời gian thuận tiện. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn và ghi nhận để hai nước sẽ thu xếp theo con đường ngoại giao.

Nguồn ĐCSVN