Đưa quan hệ Việt Nam – Trung Quốc sang giai đoạn phát triển mới
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc
Chiều 30-10 (giờ địa phương), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thủ đô Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc đến ngày 1-11, theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại sân bay quốc tế Bắc Kinh có Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu; Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cùng một số cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc.
Sân bay Bắc Kinh rực rỡ Quốc kỳ Việt Nam và Quốc kỳ Trung Quốc. Hai hàng tiêu binh đứng dọc hai bên thảm đỏ. Ông Lưu Kiến Siêu cùng các quan chức Trung Quốc nồng nhiệt chào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực, nhiều chiều tới tình hình chính trị, kinh tế toàn cầu, chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam – Trung Quốc; củng cố tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước, góp phần đưa quan hệ song phương bước sang giai đoạn phát triển mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chào các đại biểu Trung Quốc và cán bộ Đại sứ quán Việt Nam ra đón tại sân bay quốc tế Bắc Kinh, chiều 30-10 Ảnh: TTXVN
Chuyến thăm nhằm đề cao đường lối đối ngoại của Việt Nam, trong đó khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, mong muốn phát triển lâu dài, ổn định, ngày càng hiệu quả, thực chất theo tinh thần nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; đồng thời làm rõ những quan tâm, lập trường đúng đắn, các lợi ích chính đáng của Việt Nam.
Cùng với đó, chuyến thăm cũng thể hiện sự ủng hộ đối với những tư tưởng và đường lối phát triển của Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc có lợi cho hòa bình, hợp tác, phát triển; vị trí “hạt nhân lãnh đạo” của Tổng Bí thư Tập Cận Bình được Đảng Cộng sản Trung Quốc xác lập; đồng thời thúc đẩy chính sách của Trung Quốc về hữu nghị, hợp tác với Việt Nam; ủng hộ Việt Nam phát triển, có vị thế quốc tế ngày càng cao, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng…
Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc duy trì xu thế ổn định và tích cực. Lãnh đạo hai bên đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng, góp phần đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới.
Trên kênh Đảng, hai bên duy trì tiếp xúc cấp cao và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các Ban Đảng ở Trung ương. Dù điều kiện đi lại giữa hai bên còn khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, hai bên vẫn duy trì kênh trao đổi thường xuyên bằng nhiều hình thức linh hoạt, đạt hiệu quả cao.
Từ năm 2020 – 2022, Tổng Bí thư hai Đảng đã 4 lần điện đàm. Hằng năm, hai Tổng Bí thư gửi quà và thư chúc mừng nhân dịp Tết cổ truyền của hai dân tộc và nhân dịp sinh nhật của nhau; gửi thư chúc mừng nhân dịp lễ quan trọng của hai nước… Những hoạt động này đã góp phần định hướng chiến lược, tạo động lực và bảo đảm chính trị cho quan hệ song phương phát triển lành mạnh, ổn định.
Tại các sự kiện chính trị quan trọng của hai Đảng, hai bên đều có những hình thức chúc mừng đặc biệt, thể hiện sự coi trọng cao độ đối với quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.
Trong quan hệ kinh tế, Việt Nam liên tục là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN (từ năm 2016), là nước đối tác thương mại lớn thứ 6 trên thế giới (từ năm 2020) của Trung Quốc. Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc đạt 165,9 tỉ USD, tăng 24,6% so với năm 2020. Trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt – Trung đạt 117,4 tỉ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Về đầu tư, lũy kế đến ngày 20-8, Trung Quốc đứng thứ 6/139 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 3.453 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 22,42 tỉ USD. Riêng 8 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc đứng thứ 4/94 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 143 dự án, tổng vốn đạt 1,4 tỉ USD.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai đánh giá trong tình hình hiện nay, việc củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc phù hợp lợi ích căn bản, lâu dài của hai bên, có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
Theo Đại sứ Phạm Sao Mai, để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của quan hệ song phương, thời gian tới, hai bên cần tăng cường giao lưu cấp cao và các cấp, củng cố hơn nữa tin cậy chính trị, thúc đẩy thực hiện nghiêm túc, đầy đủ những nhận thức chung mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, cũng như các thỏa thuận song phương giữa các bộ, ngành và địa phương hai nước; kịp thời cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hợp tác thực chất trên tất cả các lĩnh vực.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.