Đừng để công nghệ điều khiển bản thân
Ngày nay, công nghệ thông tin du nhập vào Việt Nam với tốc độ chóng mặt, làm thay đổi cuộc sống của nhiều người dân…
Nếu chúng ta biết tận dụng những mặt tốt, công nghệ giúp ích chúng ta rất nhiều trong cuộc sống, còn ngược lại thì…
Công nghệ số ùa vào từng gia đình
Ngồi ở cơ quan, cứ tầm 4h30’ là chị Mai Lan (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại liên lạc với con để biết con tan học chưa rồi đặt xe qua ứng dụng grab cho con về nhà hay đến lớp học thêm. “5h chiều tôi mới tan làm, chồng còn muộn hơn, từ cơ quan đến trường học của con nếu không tắc đường thì mất 30 phút, trong khi con tan học lúc 16h30’, chẳng có ai đưa đón, nay nhờ người này, mai người khác, có hôm không nhờ được ai, con đứng đợi bố mẹ ở trường cả tiếng đồng hồ. Từ ngày đặt xe qua ứng dụng grab thấy tiện quá, cứ cháu tan học là có xe đón ngay, còn mình ngồi ở cơ quan cũng có thể theo dõi đường đi của con”.
Mất tiền đưa con đến trung tâm học tiếng Anh với người nước ngoài một thời gian dài mà chẳng thấy con tiến bộ được là bao, trong khi bố mẹ cứ phải đưa đi đón về mệt cho cả con và bố mẹ, anh Thành (quận 2, TP.HCM) quyết định cho con ở nhà học online một thầy một trò. Mới học được 2 tháng, con nói tiếng Anh tốt hẳn. Anh Thành chia sẻ: “Cho cháu học online tiện thật, mưa to gió rét cũng chẳng ảnh hưởng gì. Vì là học một thầy một trò nên mỗi buổi cháu được rèn luyện kỹ năng nói khá nhiều. Ngoài ra, thầy cũng củng cố thêm cho cháu về ngữ pháp. Con còn nhỏ, học thế này cho tiện, sau này cháu lớn tự đi đến trung tâm được thì cháu muốn học ở đâu để cháu quyết định”.
“Cha mẹ nghiện điện thoại, ipad thì làm sao có thể cấm đoán con không nghiện. Cuối tuần, thay vì cha mẹ và con cái chúi mặt vào điện thoại, ipad thì hãy đưa con đi dạo, đi chơi, để con được vận động ngoài trời, cũng như thắt chặt tình cảm gia đình. Không thể để những giá trị cốt lõi của gia đình bị phá vỡ chỉ vì công nghệ”- Bác sĩ Nguyễn Trọng An
Từ ngày mạng xã hội facebook nở rộ, chị Hồng Ngọc (Cầu Giấy, Hà Nội) suốt ngày “lang thang” trên mạng để đặt hàng từ quần áo, giày dép, đến rau, củ, quả thậm chí là cả thức ăn nấu sẵn. “Ngày trước muốn mua một bộ váy phải dạo qua vài ba cửa hàng mới tìm được bộ ưng ý, nay thì chỉ cần xem trên facebook có bộ nào hợp với mình thì gọi người ta mang đến, thấy ưng thì mới trả tiền, không thì chỉ mất tiền ship.
Rồi rau, củ, quả thấy hàng nào ngon thì gọi điện, riêng rau họ đã nhặt sạch sẽ cho mình. Cả thức ăn cũng vậy, từ cá kho, thịt trưng mắm tép, giả cầy, sốt vang, nem rum đến cà muối, canh măng sườn… đều có hết. Nhà có ít người làm mất công nên thỉnh thoảng tôi lại gọi để đổi món cho cả nhà. Được cái họ toàn bán cho khách quen nên nấu nướng sạch sẽ, vừa miệng, chồng con tôi ăn đều khen ngon. Nhờ thế, tôi tiết kiệm được khá nhiều thời gian để chơi với con, cuối tuần vợ chồng thường đưa con đi dã ngoại cho các con thay đổi không khí”.
Không nên ỷ lại vào công nghệ số
Thời buổi công nghệ số nếu biết tận dụng những mặt tích cực, công nghệ số đem lại khá nhiều tiện lợi trong cuộc sống, nhưng không vì thế mà chúng ta quá ỷ lại nó. Bé Đỗ Thảo (học sinh trường Tiểu học Ngọc Lâm – Long Biên, Hà Nội) “tố”: “Bố mẹ cháu cứ ở nhà là mỗi người một cái điện thoại lướt facebook, khi chị em cháu có chuyện gì, hay có bài tập khó muốn hỏi thì mẹ chỉ sang bố, bố chỉ sang mẹ, cháu chẳng thích tí nào. Dạo này mẹ còn lười, ở nhà mà chẳng chịu nấu ăn lại gọi đồ trên mạng. Chị em cháu vẫn muốn ăn những món mẹ nấu hơn, vì mẹ cháu nấu ăn rất ngon”.
Chị Mai Lan tâm sự: “Vì công việc ở cơ quan bận quá không về đón con được, tôi mới phải gọi xe đón cháu qua ứng dụng garb chứ hôm nào được về sớm đến đón con con vui lắm. Ngồi sau xe, con ôm chặt lấy mình, líu ríu kể chuyện trường, lớp suốt dọc đường. Con còn chia sẻ, con thích được bố mẹ đón lắm, đi với người lạ con cứ thấy sợ sợ thế nào ấy”.
Theo chuyên gia tâm lý -TS. Nguyễn Kim Quý, không ít người Việt Nam sử dụng tối đa công dụng của điện thoại từ xem phim, lướt mạng, facebook đến chát chít mà không hay biết mình bị nghiện từ lúc nào. Ở cơ quan cứ rảnh là lên mạng, về nhà cũng ôm cái điện thoại, con cái ngắt đứt sự đam mê là khó chịu, cáu gắt.
Rồi con biếng ăn cũng quẳng cho cái điện thoại, ipad để nó chịu ăn, con quậy cũng quẳng cho cái điện thoại để nó ngồi yên không làm phiền đến mình. Thực tế đã có những đứa trẻ bị tăng động giảm chú ý bởi sử dụng điện thoại quá nhiều. Đã đến lúc Việt Nam cần có những lớp dạy làm cha mẹ một cách chính thống, để họ nhận biết được tầm quan trọng của việc dành thời gian cho con cái.
Các bậc cha mẹ phải xác định rõ, buổi tối là thời gian dành cho gia đình, xây dựng mối quan hệ gia đình, hãy coi công nghệ là công cụ hỗ trợ mình trong công việc và cuộc sống chứ đừng để nó điều khiển bản thân. Sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình không thể thông qua công nghệ mà có được.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Trọng An – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cần có tuyên truyền sâu rộng để các bậc phụ huynh nhận rõ tác hại của việc quá chú tâm vào công nghệ mà sao nhãng con. Theo Luật Trẻ em, sự sao nhãng đối với trẻ là vi phạm pháp luật. Các bậc phụ huynh phải nhận biết rõ việc chơi với con, quan tâm chăm sóc con có tác dụng như thế nào đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Chúng ta không đứng ngoài công nghệ nhưng hãy biết tận dụng những mặt mạnh và hạn chế những mặt tiêu cực./.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.