Dùng Internet để cứu trẻ mất tích

Cuộc đoàn tụ cảm động giữa một người cha và cậu bé được tin là con của mình tại miền nam Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của nước này về vấn đề bắt cóc trẻ em và những nỗ lực mới trong việc sử dụng Internet để tìm kiếm trẻ mất tích.

Cuộc đoàn tụ giữa ông Peng Gaofeng và con trai thất lạc - Ảnh: Getty Images

Câu chuyện đoàn tụ

Ông Peng Gaofeng đã tìm kiếm con trai mình là Wenle suốt ba năm qua kể từ khi cậu bé mất tích lúc ba tuổi tại một quảng trường ở Thẩm Quyến. Trong suốt thời gian đó, ông Peng đã liên tục đi tìm kiếm cùng cảnh sát. Theo video từ camera giám sát tại hiện trường, một người đàn ông mặc áo khoác đen đã đến và dẫn cháu Wenle đi.

Trong 3 năm qua, gia đình ông Peng đã biến cơ sở kinh doanh nhỏ của mình thành một trung tâm tìm kiếm. Họ cũng đã treo thưởng 100.000 nhân dân tệ (khoảng 15.197 USD) - một mức tiền khổng lồ với những người dân trung lưu Trung Quốc - cho ai cung cấp thông tin chính xác để tìm ra cháu Wenle.

Đầu tháng này, vào đúng đêm giao thừa của Tết Nguyên đán, gia đình ông nhận được chỉ dẫn từ một người trên mạng Internet rằng đã nhìn thấy một tấm ảnh trên mạng đăng hình cậu bé giống với Wenle. Từ chỉ dẫn này, ông Peng đã tìm được con của mình.

“Tôi đã biết đó chắc chắn là con mình, mặc dù thoạt đầu cháu không nhận ra tôi. Đó thực sự là một phép màu không thể xảy ra nếu không nhờ cộng đồng mạng giúp sức”, ông Peng nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Trung Quốc Nhật báo.

Đầu mối tìm ra thông tin của cháu Wenle là do phóng viên Deng Fei của Tuần báo Phượng Hoàng đã đăng hình Wenle lên Sina Weibo, một kiểu mạng xã hội của Trung Quốc giống như Twitter. Sau đó, hàng ngàn người trên mạng đã đăng lại tấm hình này.

Từ đây, một nhóm sinh viên đã nhận ra kẻ bắt cóc là bạn học của mình, họ cũng xác nhận trông thấy một đứa bé giống như Wenle sống tại khu làng kế bên. Một sinh viên trong nhóm đã chụp hình cậu bé và gửi đến cho ông Peng. Nhờ sự giúp sức của cộng đồng và Internet đã dẫn đến cuộc đoàn tụ cảm động này.

Nhưng trường hợp của ông Peng đã nhấn mạnh những nỗ lực từ phía người dân nhằm tìm kiếm trẻ em mất tích bằng sự trợ giúp từ Internet, mạng xã hội, website và những công cụ trực tuyến khác.

Nói với Trung Quốc Nhật báo, ông Peng cho biết đã lập ra 13 blog khác nhau chỉ để đăng hình con mình, trong đó có blog tại trang Sina. Điều này đã được phát huy những năm gần đây tại Trung Quốc khi cộng đồng người sử dụng Internet đã tăng đáng kể: theo số liệu của chính phủ Trung Quốc thì hiện tại nước này có 450 triệu người sử dụng Internet.

“Hãy chụp hình và giải cứu trẻ ăn xin”

Giao diện một trang web có tên Baby Come Home (Con Hãy Về Nhà) - Ảnh: Time

Vấn nạn bắt cóc trẻ em hiện đang nhức nhối tại Trung Quốc. Tháng 12-2010, chính quyền tỉnh Quý Châu thông báo đã phá vỡ 47 băng nhóm buôn người và giải thoát 151 trẻ em cùng 209 phụ nữ. Đây là kết quả của một chiến dịch kéo dài hai năm của tỉnh này.

Còn theo Tân Hoa Xã, giữa tháng 4 và tháng 9 năm ngoái, cảnh sát Trung Quốc đã giải thoát 5.896 trẻ em bị bắt cóc và bị bán trên cả nước. Trẻ em bị bắt cóc phần lớn bị buộc phải ra đường ăn xin để làm giàu cho những tay buôn người.

Tháng trước, một học giả nổi tiếng tại Trung Quốc chuyên nghiên cứu về phát triển nông thôn là giáo sư Yu Jianrong đã xây dựng một blog nhỏ để các gia đình mất con có thể đăng hình các trẻ em ăn xin tại thành phố lớn. Khẩu hiệu “Hãy chụp hình và giải cứu trẻ ăn xin” trên blog này của ông Yu và được lan truyền đi nhanh chóng.

Theo ông Yu, việc làm này nhằm giúp cha mẹ của các em nhận ra con mình thông qua khả năng kết nối mạnh mẽ của Internet. Chưa đầy hai tuần, Tân Hoa Xã cho biết blog của giáo sư Yu đã thu hút 80 ngàn lượt theo dõi, trong đó có cả những ngôi sao nổi tiếng nhất ở Trung Quốc.

Hơn 1700 tấm hình trẻ em ăn xin đã được đăng trên trang này và sau đó nhân bản ra vô số những trang khác. Trong một bài phỏng vấn đăng trên tờ Nhật báo Bắc Kinh thứ 4 tuần này, ông Yu nói đã có bốn gia đình liên lạc với ông sau khi nhận ra những tấm ảnh trên blog rất giống con của họ.

Chiến dịch này cũng đã nhận được sự ủng hộ từ Bộ An ninh Công cộng cũng như các cố vấn chính trị và pháp lý của đất nước. Chen Shiqu, giám đốc văn phòng Bộ này nói với Trung Quốc Nhật báo rằng: “Chúng tôi đã biết đến chiến dịch tìm trẻ lạc qua mạng và chúng tôi tán thành ý tưởng này. Mỗi công dân đều được hoan nghênh khi cung cấp đầu mối. Tôi sẽ yêu cầu các sở cảnh sát địa phương phải thường xuyên cập nhật thông tin từ những trang blog như thế này”.

Sáng thứ 3 tuần này, ông Chen cũng đã đăng tấm hình của tên Wu Zhenglian, một tên nghi phạm “máu mặt” về bắt cóc trẻ em, lên blog của mình tại trang Sina với hi vọng cộng đồng mạng sẽ cùng giúp sức bắt được hắn.

Ông Zhang Zhewei, một luật sư và là tình nguyện viên tại tổ chức phi chính phủ có tên Baby Come Home (Con hãy về nhà) thì nhấn mạnh những hoạt động trực tuyến này cần có sự cộng tác chặt chẽ hơn từ các cơ quan chính phủ và những tổ chức phi chính phủ chuyên nghiệp. Theo ông Zhang, hình ảnh đăng tràn lan mà không có sự sàng lọc, phân tích và đối chiếu chuyên nghiệp cũng sẽ chẳng dẫn đến kết quả gì.

Một số người khác thì bày tỏ lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn với những người chụp hình trẻ em ăn xin, và thậm chí là với cả những trẻ em đã được chụp hình. Họ lo ngại những tên bắt cóc sẽ nhìn thấy bức ảnh của các em, rồi sau đó sẽ di chuyển các em đến một nơi mới, hoặc tệ hại hơn là thủ tiêu các em. Wang Xiaoshan, một nhà văn và là nhà phê bình nổi tiếng tại Trung Quốc viết trên blog của mình rằng không nên đăng hình ảnh quá rõ hoặc thông tin chi tiết về thân phận của các trẻ ăn xin.