Dùng máu bệnh nhân ung thư để điều trị ung thư

Các bác sĩ sẽ dùng máu của chính bệnh nhân ung thư để tách chiết tế bào miễn dịch lympho T, sau đó nhân lên rồi truyền lại cho bệnh nhân để tiêu diệt tế bào ung thư.

Ngày 15-12, tại lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Bộ môn Ung thư, Đại học Y Hà Nội, PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, Phó chủ nhiệm bộ môn cho biết, trong 4 thập kỷ qua, điều trị ung thư tại Việt Nam có rất nhiều tiến bộ, nhiều kỹ thuật tương đương thế giới.

Đặc biệt hai kỹ thuật mới nhất là điều trị đích và điều trị miễn dịch đã được thực hiện ở nước ta với kết quả tốt. Hầu hết bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn, tái phát di căn khi điều trị tại tuyến trung ương đều được sử dụng thuốc nhắm trúng đích, giúp kéo dài thời gian sống, như với ung thư phổi khi dùng thuốc trúng đích Tyrokinase thế hệ thứ 3 có thể kéo dài thời gian sống thêm gần 39 tháng so với trước.

Dùng máu bệnh nhân ung thư để điều trị ung thư ảnh 1PGS.TS Lê Văn Quảng: Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong điều trị bệnh ung thư

Đặc biệt, với liệu pháp miễn dịch là xu hướng điều trị ung thư trong tương lai. Theo đó, các bác sĩ sẽ dùng máu của chính bệnh nhân ung thư để tách chiết tế bào miễn dịch lympho T, sau đó nhân lên rồi truyền lại cho bệnh nhân. Liệu pháp này giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng để đánh bại tế bào ung thư, giúp bệnh nhân kéo dài thời gian sống.

Tại Việt Nam, phương pháp truyền tế bào miễn dịch được GS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội cùng cộng sự tiếp nhận chuyển giao từ Nhật Bản. Đến nay qua 3 năm, Đại học Y Hà Nội đã phối hợp với nhiều bệnh viện thử nghiệm lâm sàng phương pháp này với khoảng 60 bệnh nhân ung thư khác nhau.

Nguồn SGGP